MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con trai tốt nghiệp đại học, tôi vẫn sống khổ hơn hàng xóm có con học hết trung cấp: Không ai đoán được chữ ngờ

04-01-2024 - 20:07 PM | Sống

Dẫu ở tuổi xế chiều, người đàn ông Trung Quốc vẫn đau đầu về vấn đề con cái.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của Vương Đại Phong, 65 tuổi đang được lan truyền trên nền tảng Toutiao.

Hơn nửa cuộc đời tôi đã bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, gắn bó với nghề nông. Đến tuổi này, tôi không còn hy vọng quá nhiều về việc đổi đời. Tôi cũng không còn lo nhiều cho bản thân mình. Điều tôi bận tâm bây giờ là cậu con trai. Dù đã ngoài 30 tuổi nhưng cậu ấy không chịu đi làm mà ở nhà suốt 2-3 năm nay.

Con trai tốt nghiệp đại học, tôi vẫn sống khổ hơn hàng xóm có con học hết trung cấp: Không ai đoán được chữ ngờ- Ảnh 1.

Trái ngược với hoàn cảnh gia đình tôi, con trai ông Hải, nhà kế bên đã lấy vợ, sinh con và có cả một cửa hàng làm ăn phát đạt ở dưới thị trấn.

Mỗi lần nghĩ đến điều này, tôi không khỏi thở dài. Chỉ sau hơn 10 năm, dường như mọi thứ đã thay đổi 180 độ.

Con trai tôi khiến ông bạn hàng xóm phải ghen tỵ

Gia đình tôi và ông Hải nằm liền kề nhau. Hai nhà còn sinh con cùng năm. Con trai tôi sinh tháng 7, con ông ấy được sinh sau 2 tháng.

Bằng tuổi, 2 đứa thân thiết với nhau từ nhỏ. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng dần trở nên xa cách. Đặc biệt về mặt học tập, con trai tôi có thành tích học tập khá hơn. Trong khi đó, vấn đề học hành lại khá khó khăn với con ông Hải.

Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, con trai tôi thi đỗ vào trường trung học trọng điểm của quận. Không thể thi đỗ vào trường cấp 3 nào, ông Hải quyết định cho con đi học nghề.

Tôi vẫn còn nhớ, sau khi có kết quả thi tuyển sinh cấp 3, ông bạn hàng xóm gọi tôi sang nhà rồi nói: “Ông Phong à, tôi luôn mong con trai mình học giỏi, đỗ đạt, có một công việc mức lương cao. Ít nhất nó không phải vất vả như tôi. Nhưng đến giờ tôi không còn hy vọng gì nữa rồi.

Con trai tôi không học giỏi bằng con trai ông xem ra tương lai khó có thể thay đổi”. Khi nghe thấy những lời này, tôi chỉ biết an ủi người bạn hàng xóm.

Sau này khi học hết cấp 3, con trai tôi trúng tuyển vào trường đại học hàng đầu với chuyên ngành tài chính quốc tế. Vào ngày nhận giấy báo trúng tuyển, người thân, bạn bè, hàng xóm đều đến chúc mừng gia đình tôi. Ai cũng khẳng định con trai tôi sẽ có tương lai sáng lạn.

Tôi nhớ rằng hôm đó, ông Hải có sang chia vui nhưng cậu con trai thì không. Tôi nghe ông Hải kể rằng con trai ông đang học tiếp lên trung cấp nghề. Vừa nói, ông bạn hàng xóm có chút lo lắng cho con trai mình, đồng thời cũng có chút ghen tị với gia đình tôi. Ngày hôm đó, tôi vẫn còn nhớ ông ấy đã nói 1 câu bông đùa rằng: “Sau này con anh thành đạt thì bảo nó hãy giúp đỡ con trai tôi nhé”. Lúc đó tôi chỉ cười và đồng ý với đề nghị đó.

Không ai đoán được chữ ngờ

Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như những gì chúng ta mong muốn. Sau khi tốt nghiệp đại học, con trai tôi thi trượt lên chương trình thạc sĩ nên quyết định đi làm luôn.

Sau khi làm việc ở Quảng Châu được 2 năm, con trai tôi không chịu được áp lực nên quyết định về quê phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, khi trở về, cậu ấy không thể tìm được công việc với mức lương phù hợp.

Nghĩ đi nghĩ lại, con trai tôi quyết định thi tuyển công chức. Tuy nhiên, hai năm liên tiếp, con tôi vẫn không thể thi đỗ. Kể từ đó, suốt 2-3 năm nay, con trai tôi chỉ ở nhà, không kết bạn, không cưới vợ, không tìm việc làm.

Vào đầu năm ngoái, sau khi chịu áp lực từ nhiều phía, con trai tôi trở lại thành phố tìm việc. Nhưng chưa đầy 1 tuần, cậu ấy đã quay trở về và tiếp tục cuộc sống không có mục đích.

Con trai tốt nghiệp đại học, tôi vẫn sống khổ hơn hàng xóm có con học hết trung cấp: Không ai đoán được chữ ngờ- Ảnh 2.

Tôi đã nhiều lần khuyên con trai có thể vào làm việc ở vị trí cấp thấp ở các khu công nghiệp. Nếu có trình độ, chỉ sau 2 năm, cậu ấy có thể lên được quản lý. Tuy nhiên, không phải chuyện gì muốn cũng được.

Ở tuổi xế chiều, vợ chồng tôi vẫn đi bán từng bó rau để nuôi con trai đã ngoài 30 tuổi.

Trái ngược với con trai tôi, con ông Hải lại có tương lai tốt hơn rất nhiều. Sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề, cậu ấy về làm việc tại một nhà máy lớn ở Quảng Đông.

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, con trai ông ấy cho nông dân trong làng thuê máy bay không người lái để phun thuốc. Nhận thấy nhu cầu của người dân tăng cao, cậu ấy đã mở rộng mô hình này sang cả những làng lân cận.

Con trai tốt nghiệp đại học, tôi vẫn sống khổ hơn hàng xóm có con học hết trung cấp: Không ai đoán được chữ ngờ- Ảnh 3.

Hiện tại trong mắt người dân địa phương, con trai ông Hải mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có sự nghiệp vẻ vang, lại có nhà, có xe đầy đủ.

Mỗi lần có dịp gặp ông Hải tôi thường nói rằng: “Ngày xưa, tôi luôn nghĩ con trai tôi học giỏi sau này sẽ có tương lai tốt đẹp. Nhưng hiện tại xem ra con trai ông mới là nhất”. Sau khi nghe tôi nói vậy, ông ấy cũng lại an ủi.

Đôi lúc, tôi thực sự ghen tị với gia đình ông Hải. Nhìn lại con trai mình, tôi chỉ biết lắc đầu và thở dài. Đến bây giờ, tôi cũng không biết làm như thế nào để thay đổi được tình hình hiện tại của con mình.

PV

Phụ nữ số

Trở lên trên