"Condotel cam kết lợi nhuận đang đánh vào lòng tham của nhà đầu tư"
Đây là khẳng định của ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam tại buổi tọa đàm giữa các chuyên gia về vấn đề pháp lý cho Condotel.
Trước những tranh luận về cấp sổ đỏ cho condotel, ngày 4/4, tại Hà Nội đã diễn ra buổi toạ đàm về pháp lý condotel. Tại buổi toạ đàm, ông Ngô Văn Giang, Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng cán bộ kinh tế - kế hoạch (Bộ KH&ĐT) kể câu chuyện cá nhân.
"Năm 2016, tôi nhận được điện thoại, mời chào mua condotel ở Hạ Long (Quảng Ninh).Theo lời quảng cáo của nhân viên môi giới, khách hàng chỉ cần bỏ ra hơn 1 tỷ đồng sẽ mua được căn hộ có diện tích 30 m2 với cam kết lợi nhuận trên 10%/năm. Hằng năm, khách hàng được sinh hoạt, sử dụng hơn 10 ngày căn nhà của mình mà vẫn có trên 100 triệu bỏ túi. Tôi đã suýt mua condotel nhưng rất may sau đó nổ ra vụ Bavico ở Nha Trang chủ đầu tư thất hứa không thực hiện cam kết cho nhà đầu tư nên tôi đã kịp dừng lại không đầu tư", ông Giang kể.
Cũng theo ông Giang các chủ đầu tư thường cam kết condotel sẽ được cấp sổ hồng nhưng hiện nay chưa có quy định pháp luật nào cho phép cấp sổ hồng cho condotel. Không có sổ hồng, khách hàng sẽ khó chuyển nhượng hay thế chấp condotel. Trong bối cảnh kinh doanh khách sạn khó khăn, tốn nhiều chi phí, lợi nhuận condotel 10-12%/năm như chủ đầu tư quảng cáo rất khó đảm bảo", ông Giang nhận định.
Còn theo ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam: "Việc cam kết lợi nhuận của condotel thực chất đánh vào lòng tham, sự thiếu thông tin của khách hàng. Chúng ta hoàn toàn có thể có một tỷ lệ vàng, có thể lớn hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng, nhưng sẽ nhỏ hơn tỷ lệ lợi nhuận mà các doanh nghiệp thông báo, quảng bá, tiếp thị cho các dự án hiện tại đang ở mức từ 10-12%. Các nhà đầu tư cần nhớ rằng, lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn".
Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo khách hàng nên xem xét thật kỹ những điều khoản trong hợp đồng mua bán. Cam kết lợi nhuận 10-12% thực sự rất hấp dẫn nhưng để đạt được mức cam kết đó sẽ có hàng loạt điều kiện đi kèm. Nếu khách hàng không có đủ sự hiểu biết, tỉnh táo để nắm rõ rất cả các điều kiện trong hợp đồng mua bán thì khi xảy ra tranh chấp khách hàng sẽ là người chịu thiệt hại.
Condotel, đã từng chết ngay ở trên thành phố quê hương
Năm 2008, Khủng Hoảng Kinh Tế bắt đầu tấn công nước Mỹ, mà bất động sản và tài chính ngân hàng là những thị trường bị rung chuyển đầu tiên. Canyon Ranch Miami Beach, một dự án Condotel thuộc tập đoàn WSG danh tiếng đã được sang tên chủ mới sau khi WSG từ bỏ chủ quyền với tài sản này vì không còn khả năng chi trả khoản nợ khổng lồ.
Ngân hàng Lehman Brothers - đơn vị bảo trợ vốn cho dự án đã tiếp quản trong tình trạng khó khăn không kém WSG. Lehman Brothers sau đó đã bán thành công hầu hết các căn hộ ở Canyon Ranch Miami Beach cho khách hàng với giá khiêm tốn ở mức 12,5 triệu USD, chỉ còn lại 13 căn vẫn duy trì quyền sở hữu.
Nhưng mọi nỗ lực của Lehman Brothers cuối cùng cũng không cứu vãn được tình hình, năm 2014, dự án Canyon Ranch Miami Beach do Lehman Brothers sở hữu thông qua một công ty con, đã chính thức nộp đơn phá sản do lợi nhuận không đủ chi trả cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Canyon Ranch là khu resort được đánh giá là số 1 tại Miami và trên toàn thế giới vào thời điểm phá sản, xét về cả vị trí, chất lượng căn hộ lẫn các dịch vụ đi kèm. Condotel này nằm trên một bờ cát trắng dài tới 228 mét, với cơ sở vật chất đẳng cấp với những căn hộ view biển nội thất được nhập khẩu từ Italy, cùng một Spa rộng tới 70.000 mét vuông sàn, lớn nhất ở Miami, cung cấp đầy đủ tất cả các dịch vụ rèn luyện sức khoẻ, các khoá học thể thao, thiền và ballet bởi những huấn luyện viên nổi tiếng. Cư dân ở Canyon Ranch được phục vụ tận tình với tất cả những gì tinh tuý nhất của ngành du lịch Hoa Kỳ.
Đây là một casestudy về sự thất bại của một dự án Condotel hàng đầu ở phân khúc xa xỉ, vẫn bị phá sản dù được phát triển, quản lý bởi những tập đoàn có tiềm lực vốn cực mạnh, đặt ở vị trí đẹp nhất của thành phố du lịch số 1 của nước Mỹ, đồng thời là thành phố khai sinh ra mô hình kinh doanh này. Condotel, đã từng chết ngay ở trên thành phố quê hương của nó. Cách đó chỉ 31 năm, vào năm 1983 cũng tại nơi đây, chính quyền Florida đã trở thành bang đầu tiên chính thức thông qua đạo luật về Timeshare đối với hoạt động kinh doanh lưu trú, tiền thân của mô hình Condotel ngày nay.
(Trích báo cáo tổng quan về Condotel được thực hiện bởi nhóm chuyên gia độc lập)