Credit Suisse: Chỉ 2 năm nữa, trung bình mỗi người trưởng thành sẽ sở hữu 100.000 USD
Cũng theo báo cáo của Credit Suisse, số triệu phú USD toàn cầu sẽ tăng 40% vào năm 2026.
- 21-09-2022Từ tháng 10/2022, chính sách tiền lương của công chức, viên chức có điểm gì mới?
- 21-09-2022Khánh Hoà yêu cầu một tập đoàn nộp gần 12.000 tỷ đồng vào ngân sách
- 21-09-2022Những trường hợp nào Công an được phép kiểm tra CMND/CCCD?
Số lượng triệu phú trên thế giới dự kiến sẽ đạt 87,5 triệu vào năm 2026, tăng 40% so với 62,5 triệu cá nhân có giá trị tài sản ròng trên 1 triệu USD vào năm 2021, theo báo cáo Tài sản toàn cầu hàng năm mới được công bố ngày 20/9 của ngân hàng Credit Suisse.
Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng tài sản toàn cầu sẽ phục hồi trong những năm tới. Cũng theo báo cáo, số lượng triệu phú mới sẽ tăng nhanh hơn ở các nền kinh tế mới nổi. Dự báo, con số này sẽ tăng gấp đôi ở Trung Quốc.
Trong khi 500 người giàu nhất thế giới đã mất tổng cộng 1,4 nghìn tỷ USD tài sản trong nửa đầu năm nay, Credit Suisse vẫn nhận thấy sự phục hồi nhanh chóng, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.
“Bất chấp lạm phát và một số vấn đề bất ổn khác, chúng tôi tin rằng tổng tài sản toàn cầu sẽ tiếp tục tăng. Thậm chí, chúng tôi kì vọng rằng sự giàu có của các hộ gia đình ở Trung Quốc sẽ dần bắt kịp Mỹ”, báo cáo viết.
Báo cáo cho biết số lượng triệu phú Trung Quốc sẽ tăng từ 6,2 triệu người vào năm 2021 lên 12,2 triệu người vào năm 2026, tăng gần 97%. Trong khi đó, Mỹ vẫn được dự đoán là quốc gia có nhiều triệu phú nhất sau 4 năm nữa với 27,7 triệu người. Tuy nhiên, mức tăng chỉ đạt 13% so với năm 2021.
Số lượng triệu phú của Anh, Canada và Nhật Bản cũng được dự đoán sẽ tăng đáng kể vào cuối năm 2026. Một số nước khác được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ số triệu phú vào năm 2026 bao gồm Ấn Độ (tỷ lệ tăng dự kiến là 105%), Brazil và Mexico (tỷ lệ tăng dự kiến lần lượt là 115% và 78%).
Credit Suisse dự báo tài sản tư nhân sẽ tăng 36% lên 169 nghìn tỷ USD vào năm 2026, với tài sản trên mỗi người trưởng thành tăng 28% trên toàn cầu và vượt qua mốc 100.000 USD vào năm 2024. Số lượng cá nhân có tài sản ròng cực cao (từ 50 triệu USD trở lên) sẽ đạt 385.000.
Những nước đang phát triển vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch được đánh giá là đã lấy lại động lực tăng trưởng vào năm ngoái và được kì vọng sẽ thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong 5 năm tới. Theo dự đoán, tại các nền kinh tế mới nổi, tài sản sẽ tăng 10% mỗi năm so với mức tăng 4,2% ở những quốc gia có thu nhập cao.
Năm 2021, tài sản toàn cầu đã tăng 9,8% lên 463,6 nghìn tỷ USD. Thống kê cho thấy 10% người trưởng thành giàu nhất thế giới sở hữu 82% tài sản toàn cầu. Mỹ có số lượng cá nhân có tài sản ròng cực cao cao nhất - hơn 140.000 người - tiếp theo là Trung Quốc, với 32.710 người.
Phân khúc dân số toàn cầu chứng kiến sự gia tăng tài sản lớn nhất và nhanh nhất trong thế kỷ này là những người có tài sản ròng từ 10.000 USD đến 100.000 USD. Theo báo cáo, quy mô của nhóm này đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2000 và được thúc đẩy bởi tốc độ tăng trưởng nhanh ở các nền kinh tế mới nổi với tầng lớp trung lưu lớn và được coi là nhóm xây dựng tài sản lớn nhất từ nay đến năm 2026.
"Điều này phản ánh sự thịnh vượng ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển", báo cáo viết.
Mức độ giàu có của các hộ gia đình Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ (Ảnh minh họa: Internet).
Mức độ giàu có của các hộ gia đình Trung Quốc hiện gần tương đương với mức của Mỹ vào năm 2005 nhưng khoảng cách đó đang thu hẹp nhanh chóng. Đến năm 2026, Credit Suisse dự đoán tài sản hộ gia đình ở Trung Quốc chỉ “tụt hậu” 7 năm so với Mỹ.
Nhận định tích cực của Credit Suisse về Trung Quốc được đưa ra sau nửa đầu năm 2022 khó khăn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Có thể nói, các biện pháp hạn chế dịch bệnh và thiên tai đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, sản xuất và chuỗi cung ứng tại quốc gia này.
Tuy nhiên, Credit Suisse nhận thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ khởi sắc trong vài năm tới. Tài sản tài chính (có thể bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt) đã tăng 14% vào năm ngoái và hiện chiếm gần một nửa tổng tài sản ở Trung Quốc. Đây được coi là động lực chính cho sự tăng trưởng tài sản của các hộ gia đình tại đất nước tỷ dân.
Năm ngoái, số lượng cá nhân siêu giàu đã tăng 21%. Credit Suisse ghi nhận là tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tài sản trung bình toàn cầu (mức tăng 9,5% vào năm ngoái). Các chuyên gia ngân hàng cho biết Bắc Mỹ đã “sản sinh” ra 32.090 người siêu giàu mới vào năm ngoái - tăng 70% so với 1 năm trước đó.
Theo báo cáo Tài sản toàn cầu hàng năm vào năm ngoái của Credit Suisse, thế giới có thêm 5,2 triệu triệu phú USD trong năm 2020. Một bộ phận người dân đã giàu lên nhờ giá cổ phiếu và nhà đất tăng trong đại dịch.
Cụ thể, Mỹ có thêm 1,73 triệu triệu phú USD, Đức có thêm 633.000 người, Úc có thêm 392.000 người, Nhật Bản có thêm 390.000 người, Pháp có thêm 309.000 người, Anh có thêm 258.000 người.
Nguồn: Fortune, Bloomberg
Nhịp sống thị trường