MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công bố Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam

Công bố Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam

Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn là cơ hội để các bên thảo luận về các cơ chế, chính sách, tài chinh để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Ngày 28/6 đã diễn ra Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Mạng lưới Đối tác doanh nghiệp Thái Lan (Thailand Networking). Hội nghị khởi động thực hiện chủ trương lớn của Việt Nam; triển khai Luật bảo vệ môi trường năm 2020, xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.

Trong khuôn khổ sự kiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chính thức công bố Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Sau nền kinh tế xanh, nền kinh tế carbon thấp, bây giờ chúng ta nhắc đến kinh tế tuần hoàn để đi đến phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn thay đổi cơ bản nguyên lý và tư duy phát triển so với kinh tế tuyến tính. LHQ đã có nhiều cảnh báo, khuyến cáo mang tính toàn cầu rằng, chúng ta chỉ có cách tìm được thêm 3 Trái đất mới có thể đảm bảo cuộc sống như bây giờ nêu cứ duy trì cuộc sống, kinh tế tuyến tính. Chúng ta chỉ có 1 Trái đất chung và phải tính toán về kinh tế tuần hoàn để bảo vệ môi trường".

Công bố Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, kinh tế tuần hoàn thay đổi cơ bản so với kinh tế tuyến tính về vòng đời khi phần loại bỏ khu vực này lại là đầu vào khu vực kia. Kinh tế tuần hoàn cũng thay đổi tư duy của doanh nghiệp, tư duy hoạch định chính sách, tạo ra sự kết nối, đổi mới phương thức, quy hoạch thiết kế để cùng nhau có lợi.

"Kinh tế tuần hoàn phải có sự tham gia toàn dân toàn xã hội mới có thể thành công. Chính phủ cần có kế hoạch rất rõ ràng. Nếu Chính phủ không đưa ra lộ trình, chính sách rõ ràng thì rất khó cho doanh nghiệp, địa phương. Chúng ta cần đặt ra câu hỏi: Chính phủ cần có chính sách gì? Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đề xuất hoạt động gì, sáng kiến gì?" - ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Caitlin Wiesen Antin, Trưởng Đại diện, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), cho biết, hiện tại, thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chập ba, bao gồm: tính cấp thiết về khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Trong khi đó, tất cả các cuộc khủng hoảng trên đều xuất phát từ việc phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, phát triển nhanh và không bền vững.

Mong muốn chung tay vào công cuộc chống khủng hoảng toàn cầu, Việt Nam vừa qua đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kép rõ ràng là trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 và đáp ứng trung tính carbon vào năm 2050. Với cam kết này, Việt Nam chính thức trở thành một trong 70 quốc gia cam kết giải quyết vấn đề cấp bách nhất thời đại.

Bà Caitlin Wiesen Antin đưa ra 5 khuyến nghị có thể phù hợp với nền kinh tế Việt Nam để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn cũng như mục tiêu tỷ lệ phát thải ròng bằng không gồm:

- Tạo lập một khung khổ mới cho sứ mệnh "phục hồi kinh tế xanh".

- Gắn kết kinh tế tuần hoàn trong việc phát triển các đô thị thông minh, thành phố thông minh, vùng duyên hải.

- Sản xuất và tiêu thụ bền vững và xanh.

- Tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo.

- Đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau, quá trình chuyển đổi phải mang lại lợi ích người dân.

Sau phiên toàn thể, Hội nghị cũng đi sâu vào phân tích, thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn với 4 phiên thảo luận chuyển đề về: Thúc đẩy hợp tác về kinh tế tuần hoàn thông qua tạo lập mạng lưới đối tác, chia sẻ kiến thức; vấn đề tài chính và công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe…

Hội nghị là cơ hội để các bên cùng trao đổi và thảo luận về các cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, qua đó, tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực, đặc biệt từ khối tư nhân trong việc xây dựng và triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Điều này rất quan trọng để hiện thực hóa được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Theo Tạ Hiển

VTV News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên