MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công bố thế chấp dự án: Không minh bạch là bất thường

03-08-2016 - 13:42 PM | Bất động sản

Ngày 26/7, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM đã công bố danh sách 77 dự án đang thế chấp ngân hàng. Theo Sở này giải thích, việc này nhằm minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi khách hàng.

Tuy nhiên, do Sở không ghi chú, giải thích rõ ràng nên nhiều khách hàng đã mua nhà tại các dự án trên tỏ ra hoang mang. Nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng bất ngờ, cho rằng điều này gây ảnh hưởng tới thương hiệu của họ…

Tại tọa đàm “Thế chấp dự án: Bình thường và bất thường”, do báo Pháp luật TP.HCM tổ chức ngày 2/8, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM, bà Dương Thị Thanh Lan cho hay từ Luật Kinh doanh BĐS năm 2006 đã quy định dự án phải công khai thông tin trong đó có nội dung hạn chế quyền sở hữu bất động sản đó. Tiếp đó, Luật Nhà ở cũng kế thừa quy định này. Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi bổ sung quy định ba hình thức: công khai thông tin điện tử, trụ sở ban quản lý dự án và sàn giao dịch.

“Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp. Còn các cơ quan nhà nước thì có Thông tư 09 hướng dẫn việc đăng ký thế chấp sẽ có hiệu lực 8/8/2016 quy định rõ trách nhiệm của Sở TNMT đăng trên website về việc thế chấp dự án”, bà Lan cho biết.

Còn đại diện Sở Xây dựng, bà Vũ Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường BĐS - cho hay cần làm rõ mục đích của việc công bố dự án thế chấp là để làm gì?.

“Chẳng hạn đất của doanh nghiệp khi chưa làm dự án nhưng họ thế chấp thì công bố làm gì? Một doanh nghiệp huy động các nguồn lực của xã hội thì mới lớn mạnh được. Khi có văn bản xác nhận của Sở, được sự đồng ý của ngân hàng và của bên mua thì việc thế chấp là bình thường. Điều bất thường là dự án không đủ điều kiện huy động vốn nhưng vẫn bán nhà, Khi dự án đã bán nhà mà vẫn thế chấp nhưng không nói với khách hàng là đã thế chấp. Không thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định với cơ quan chức năng như Sở Xây dựng. Nói chung không minh bạch là bất thường”, bà Khuyên nhận xét thêm.

Bà Khuyên cho rằng nên nhìn dự án ở góc độ năng lực chủ đầu tư, pháp lý dự án, giao nhà đúng hẹn hay không và có văn bản xác nhận của Sở Xây dựng đủ điều kiện huy động vốn không thay vì ở góc độ có thế chấp hay không. Tuy nhiên, bà Khuyên cũng đặt vấn đề về các dự án trước thông tư… Thời điểm đó không bắt buộc phải có xác nhận của Sở đủ điều kiện huy động vốn.

Bà Khuyên nhấn mạnh: “Đó là mối lo của các cơ quan chức năng. Do đó TP.HCM đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng để rà soát các dự án này, đầu tiên là những dự án đang thế chấp ngân hàng".

Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố (Sở TNMT) cho biết hiện tổ công tác do Sở Xây dựng chủ trì đang được thành lập để thực hiện rà soát tổng thể các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn TP. Tổ công tác có sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan như Sở Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước… Do đó pháp lý của dự án sẽ được rà soát đầy đủ và toàn diện hơn. Hy vọng tổ công tác sẽ có thông tin đầy đủ về tình hình sức khỏe của dự án để công bố cho người mua.

Ông Liên cũng cho rằng trong các nội dung cần công khai, ngoài tình trạng thế chấp thì vi phạm xây dựng (nếu có) hoặc chủ đầu tư bị vướng tố tụng cũng là những nội dung quan trọng cần công bố. “Chẳng hạn dự án xây lố tầng, chuyển đổi công năng không được phép nên đang bị xử lý vi phạm… là những thông tin người mua nhà cần phải biết để tránh thiệt hại”, ông này bày tỏ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng việc công bố các dự án thế chấp vừa qua còn nhiều bất cập. Thứ nhất, cần thận trọng trong công bố thông tin cá nhân thế chấp căn hộ vì có thể vi phạm Luật Dân sự. Hơn nữa, việc cập nhật thông tin thế chấp và giải chấp chưa được cập nhật theo thời gian thực.

Cũng theo ông Châu, trong số hơn 500 dự án đang triển khai tại TPHCM mà chỉ có 77 dự án được công bố là chưa đầy đủ, vì nhiều doanh nghiệp chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện huy động vốn của Sở Xây dựng nhưng vẫn huy động vốn và thế chấp dự án.

Đặc biệt, đang có khoảng hở rất lớn, khó kiểm soát là thế chấp quyền tài sản. Hiện việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), nhưng những dự án thế chấp quyền tài sản thì lại do Sở Tư pháp quản lý. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ của ba sở (Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp) trong giám sát thế chấp quyền tài sản.

Gia Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên