Công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” cản trở năng suất lao động
Theo ông Bùi Sỹ Lợi: Giả sử con số 1/3 công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” là đúng, thì số lượng này đã làm cản trở năng suất lao động.
- 20-10-2016Thủ tướng Chính phủ phê duyệt biên chế công chức năm 2017
- 15-10-2016Tăng lương cho cán bộ, công chức: Cần khôi phục lại lương lãnh đạo?
- 14-10-2016Tăng lương cho cán bộ, công chức phải gắn với tinh giản biên chế
- 13-10-2016Thứ trưởng Nội vụ: Vào công chức để làm giàu dễ phạm tội
- 13-10-2016Không quan tâm đến lương, nhiều cán bộ, công chức vẫn giàu có
Trao đổi với báo chí tại Hội thảo Đối thoại xã hội, năng suất và điều kiện làm việc (do Bộ LĐTB&XH cùng với ILO tổ chức) diễn ra sáng 24/10 tại Hà Nội, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: Giả sử con số 1/3 công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” là đúng, thì rõ ràng số lượng này đã làm cản trở năng suất lao động của xã hội.
Điều gì khiến năng suất lao động Việt Nam thấp?
Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: “Câu nói 700.000 công chức làm việc không hiệu quả xuất phát từ dự báo của các chuyên gia. Tôi nghĩ có thể hơn, có thể không bằng. Nhưng giả sử chuyện này xảy ra thì rõ ràng 1/3 công chức có năng suất lao động rất thấp, làm cản trở năng suất lao động của xã hội.
Tuy nhiên con số này thực chất đúng sai thế nào chúng ta chưa trả lời được. Chính phủ cũng chưa trả lời được cho Quốc hội. Một Bộ trưởng khóa trước trả lời là khoảng 1%, do các cơ quan báo cáo lên, nhưng không ai tin. Bởi đó là thực chất của xã hội, nhưng có phải 30% hay không thì không ai khẳng định được.
Rõ ràng, đối tượng này cần cố gắng xử lý như thế nào, còn nếu để dựa vào nhà nước thì làm sao đất nước phát triển được? Tính ra lãng phí hàng nghìn tỷ mỗi năm để nuôi lực lượng này” – ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, năng suất lao động Việt Nam thấp một phần xuất phát từ tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ, nhất là lao động “chất xám” đang không ngừng gia tăng. Điều đáng nói là lao động càng được đào tạo, càng có năng lực thì tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.
Ví dụ nhóm cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp 9% trong tổng số người học, đại học thất nghiệp 4%. Đến nay có khoảng 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không tìm được việc làm, hoặc đang thất nghiệp. Đây thực sự là nỗi buồn và rõ ràng phải tính toán lại, bởi đã gây lãng phí về nguồn nhân lực và đào tạo.
Quy mô đào tạo của Việt Nam rất lớn với hơn 450 trường đại học, cao đẳng “tranh nhau” để tuyển sinh, cạnh tranh để đào tạo. Nhưng điều đáng buồn là lực lượng lao động được đào tạo xong lại không được sử dụng, gây tốn kém không những cho nhà nước mà ngay bản thân người lao động và gia đình họ.
Thách thức tăng năng suất lao động
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tại Việt Nam, lực lượng lao động chính thức trong số 54 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chỉ chiếm 30%, còn lại 70% là phi chính thức. Cho nên tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, cũng như đòi hỏi tăng năng suất lao động, không thể “áp” riêng cho khu vực lao động chính thức.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cũng thừa nhận, quá trình hội nhập sâu hơn vào kinh tế toàn cầu của Việt Nam hứa hẹn lợi ích kinh tế ngày càng nhiều, thị trường lao động rộng mở, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy tăng năng suất lao động. Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức của việc cải thiện năng suất và điều kiện làm việc, thúc đẩy đối thoại. Đặc biệt là những người làm việc trong nền kinh tế không chính thức bị bỏ lại phía sau.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Việt Nam đã và đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện lao động và tăng cường đối thoại xã hội. Trong đó tập trung phát triển mạnh và toàn diện nguồn nhân lực, đẩy nhanh đào tạo nghề chất lượng cao; khuyến khích doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động và hợp tác với cơ sở đào tạo nghề.
Đồng thời, xây dựng và thực hiện chương trình quốc gia về an toàn lao động theo từng giai đoạn; thúc đẩy cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ; sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Kinh nghiệm của Thụy Sỹ
Chia sẻ kinh nghiệm về những yếu tố đóng góp vào năng suất lao động của Thụy Sỹ, ông Boris Zurcher, Quốc vụ khanh, Tổng cục Kinh tế LB Thụy Sỹ cho biết, năng suất lao động ở Thụy Sỹ rất cao. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Thứ nhất là đầu tư vào con người như phát triển kỹ năng cho người lao động, cơ chế để người lao động có thể tham gia vào thị trường lao động. Thụy Sỹ dành 60% GDP đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực cho quốc gia.
Thứ hai, Thụy Sỹ có cơ chế về thị trường lao động. Đây là cơ chế rất linh hoạt và cởi mở, có thể cho phép người lao động tham gia vào thị trường với những cơ chế khác nhau. Thứ 3, xây dựng các quan hệ lao động, đối thoại lao động xã hội. Đây là cơ chế có thể giúp người lao động, cũng như người sử dụng lao động, có thể đối thoại và nâng cao, cải tiến được điều kiện lao động và việc làm.
“Chúng tôi đã xây dựng được một cơ chế thị trường hội nhập, trong đó các doanh nghiệp có thể được tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó họ có cơ hội để nâng cao năng suất lao động. Đầu tư vào hệ thống đào tạo về kỹ thuật và dạy nghề cũng là một cơ chế tốt để Việt Nam có thể xem xét, cân nhắc để có thể giúp tăng năng suất lao động cao hơn” – ông Boris Zurcher chia sẻ.
Theo đánh giá của ILO: NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Trong tất cả các ngành nghề, NSLĐ của ta chỉ nhỉnh hơn của Lào, Campuchia và Myanmar một chút, còn về cơ bản thấp hơn tất cả các nước ASEAN. Nếu quy đổi theo sức mua tương đương, thì mức NSLĐ của Việt Nam năm 2013 chỉ đạt 5.500 USD, cao hơn Lào ở mức 5.400 USD, Campuchia ở mức 4.000 và Myanmar 3.000. Trong khi đó: Singapore là 98.000 USD, Brunei 101.000 USD, Philippines 10.100 USD và Thái Lan là 14.800 USD.
VOV