MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công điện của Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng quy chuẩn về đường bộ cao tốc

Ngành Giao thông vận tải xây dựng và ban hành Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc theo thẩm quyền, làm cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, các nút giao kết nối; làm căn cứ để xác định suất đầu tư.

Công điện của Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng quy chuẩn về đường bộ cao tốc - Ảnh 1.

Nút giao Quỳnh Vinh - Km389+970 kết nối với QL48D (Nghệ An) trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện về việc khẩn trương xây dựng quy chuẩn về đường bộ cao tốc và tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ:

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước, tạo khí thế, niềm tin và sự phấn khởi trong nhân dân.

Trong đó, đã đưa vào sử dụng 8/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc của cả nước lên 1.822 km; khởi công 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; khởi công các dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; khởi công xây dựng nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đồng thời, tiếp tục nỗ lực triển khai để khởi công và hoàn thành một số dự án trong thời gian tới.

Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại liên quan đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông như: Một số tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục, tốc độ khai thác còn hạn chế; một số tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe; việc bố trí, đầu tư xây dựng các nút giao thông, nhất là chiều rộng và kết nối đường cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương để vào các khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ còn chưa hợp lý; giải pháp xử lý nền đất yếu; việc nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án xây dựng hạ tầng còn chưa đáp ứng tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm... Để sớm giải quyết các tồn tại này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Giao thông vận tải (GTVT):

a) Về xây dựng, ban hành Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc:

Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại các Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8/6/2023, Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 10/9/2023, xây dựng và ban hành Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc theo thẩm quyền làm cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, các nút giao kết nối; làm căn cứ để xác định suất đầu tư, huy động vốn đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Hoàn thành trong tháng 10/2023.

Quá trình xây dựng Quy chuẩn cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tổng kết thực tiễn đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc thời gian qua và bảo đảm phù hợp với các điều kiện thực tế tại Việt Nam; tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học;

Nội dung Quy chuẩn cần lưu ý quy định về số làn đường, mặt cắt ngang, dải phân cách, tốc độ thiết kế phù hợp, trạm dừng nghỉ...; nguyên tắc bố trí, tổ chức các nút giao cắt, đường gom hợp lý, khoa học, bảo đảm khai thác, vận hành đồng bộ, thuận lợi, an toàn, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng miền, kết nối các khu vực, khai thác tối đa hiệu quả đầu tư của các tuyến đường cao tốc, tạo ra không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực;

b) Về tăng cường các giải pháp xử lý nền đất yếu:

Khẩn trương chỉ đạo rà soát và hướng dẫn các địa phương (là cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường bộ cao tốc) rà soát, tăng cường các giải pháp xử lý nền đất yếu tại các dự án, đặc biệt là các dự án tại khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình, nhất là thời gian gia tải phải phù hợp để kiểm soát được độ lún; có giải pháp tổ chức thi công khoa học, hợp lý để vừa bảo đảm được tiến độ chung của công trình, dự án, vừa bảo đảm thời gian, yêu cầu kỹ thuật xử lý nền đất yếu, tuyệt đối không để các sơ suất về kỹ thuật, quy trình xử lý làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, dự án.

c) Về nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền cho các dự án hạ tầng:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sử dụng cát biển cho đắp nền các dự án hạ tầng như đường bộ cao tốc, quốc lộ hoặc có thể san nền các khu công nghiệp, khu đô thị… để giảm phụ thuộc vào nguồn cát sông, chủ động nguồn vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong thời gian tới; đồng thời, việc sử dụng cát biển phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Hoàn thành trong tháng 10/2023.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT đánh giá kỹ lưỡng các tác động đến môi trường của việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền cho các dự án đường bộ cao tốc; tính toán, xác định và khoanh các vùng cát biển, hướng dẫn trình tự, thủ tục thăm dò, khai thác, đánh giá tác động môi trường để kịp thời khai thác phục vụ thi công các dự án đường cao tốc và công trình xây dựng hạ tầng khác ngay sau khi có kết quả nghiên cứu, đánh giá.

3. Các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động, tích cực phối hợp với Bộ GTVT trong việc xây dựng và ban hành Quy chuẩn về đường cao tốc; nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án xây dựng hạ tầng, hoàn thành theo đúng yêu cầu tiến độ nêu trên.

4. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường bộ cao tốc

a) Khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023, phối hợp với Bộ GTVT tổ chức rà soát việc bố trí các trạm dừng nghỉ, các nút giao kết nối các tuyến đường bộ cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương, khu vực, bảo đảm khoảng cách hợp lý, phù hợp, khai thác an toàn, hiệu quả nhằm gắn kết, liên thông, đồng bộ giữa tuyến đường bộ cao tốc và các tuyến đường của địa phương để phát triển các không gian kinh tế mới, tận dụng tối đa lợi thế do các tuyến đường bộ cao tốc mang lại.

b) Chỉ đạo rà soát, tăng cường các giải pháp xử lý nền đất yếu tại các dự án theo hướng dẫn của Bộ GTVT tại điểm b, khoản 1 Công điện này, tuyệt đối không để các sơ suất về kỹ thuật, quy trình xử lý làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, dự án.

5. Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, định kỳ hằng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Theo V.T

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên