MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công khai báo cáo tài chính Nhà nước: Nhà nước thêm công cụ quản lý, người dân thêm cơ hội giám sát

Cũng giống như các doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự kiến sẽ công khai Báo cáo tài chính Nhà nước (BCTC) lên mạng trong đó có các số liệu về tình hình, kết quả hoạt động tài chính, lưu chuyển tiền tệ của Nhà nước.

Đây là việc làm đang được trông đợi của Nhà nước bởi lần đầu tiên, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ biết được thực trạng “sức khoẻ” tài chính Nhà nước một cách công khai, minh bạch và chính thống.

Tăng minh bạch, giảm tham nhũng

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định của Chính phủ về Báo cáo tài chính Nhà nước. Theo đó, dự kiến, bắt đầu từ năm 2018, Bộ Tài chính và các địa phương sẽ phải công khai BCTC hàng năm để doanh nghiệp và người dân biết, giám sát. Theo đó, việc công bố BCTC được thực hiện ở 2 cấp độ: Nhà nước (Bộ Tài chính) và các địa phương, cụ thể là công bố tại cổng thông tin điện tử. Riêng Bộ Tài chính còn phải công bố bằng bản in.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện kinh tế tài chính, Bộ Tài chính cho biết: “Đây là một bước tiến mới trong quản lý, điều hành của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế. Dự thảo nghị định yêu cầu báo cáo nhiều nội dung quan trọng khác như giá trị tài sản Nhà nước; nợ và các khoản phải trả, và nghĩa vụ trả nợ; nguồn vốn cho hoạt động; lưu chuyển tiền mặt. Những thông tin này hiện không được công khai nên rất đáng hoan nghênh”.

TS. Nguyễn Đức Độ cho biết thêm, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, cần một ngân sách Nhà nước trong sạch để bảo đảm nền kinh tế vận hành hiệu quả, tránh đưa nền kinh tế vào khủng hoảng trả nợ, gây lạm phát vì chi tiêu bừa bãi, từ đó đẩy lãi suất cao làm đình đốn kinh tế. Do đó, cần hiểu rõ nguồn thu, tình hình chi tiêu và nợ nần của Nhà nước. Điều này đòi hỏi minh bạch chi tiết và yêu cầu theo đúng chuẩn mực kế toán tài chính đã được các cơ quan quốc tế ban hành. Không những vậy, khi người dân giám sát việc thực hiện thu chi, từng bộ, ngành, địa phương sẽ có sự dè dặt, cân nhắc tính toán kĩ lưỡng hơn bởi hiện nay vẫn có tình trạng một số cơ quan, ban ngành có số chi không sát với thực tế, gây thất thoát, lãng phí tiền của của Nhà nước.

“Nếu thông tin về tài sản, tiền tệ Nhà nước được công khai thì người dân sẽ chú ý hơn. Khi đó, thủ trưởng các cơ quan sử dụng ngân sách sẽ phải dè chừng, không dám sử dụng ngân sách tùy tiện. Thay vào đó, họ phải quản lý chặt chẽ hơn và như vậy sẽ có tác dụng giảm thất thoát, tham nhũng. Về phía người dân, họ sẽ có kênh để giám sát tiền đóng thuế của mình được sử dụng ra sao, hiệu quả thế nào. Khi Nghị định về Báo cáo tài chính Nhà nước có hiệu lực, Nhà nước sẽ có thêm công cụ để quản lý, người dân có thêm cơ hội để giám sát và biết sự thật về tài chính quốc gia. Đồng thời, công khai BCTC của từng địa phương còn là cơ sở để đánh giá chỉ số cạnh tranh của từng địa phương, đảm bảo minh bạch và công khai”, ông Nguyễn Đức Độ nhận định.

Theo nhiều chuyên giá kinh tế, việc Nhà nước công khai BCTC là một nhu cầu thực tế không chỉ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước mà còn với cả các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Nếu những thông tin đó được cung cấp đầy đủ, tin cậy thì việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ dễ dàng hơn. Đồng thời, Nhà nước sẽ được vay nợ trong những điều kiện thuận lợi như thời hạn, lãi suất, số tiền vay...

Công bố gắn liền với trách nhiệm và chế tài xử phạt

Bên cạnh việc vui mừng khi BCTC Nhà nước dự kiến sẽ được công khai trong thời gian tới đây, vẫn có nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về mức độ minh bạch thông tin cùng với cơ chế giám sát báo cáo. Theo TS. Nguyễn Đức Độ: “Có một thực tế đáng buồn tại nước ta hiện nay, đó là “văn hóa trách nhiệm”. Thực tế chứng minh, nếu không gắn trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức thì việc thực hiện các công việc của Nhà nước luôn trong trạng thái khó phát huy hiệu qủa ngay cả ở cấp chính quyền trung ương chứ chưa nói gì đến cấp chính quyền địa phương. E rằng các thông tin nếu có được cung cấp thì cũng thường là chậm trễ, kém chính xác, không đầy đủ hoặc không đúng yêu cầu”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính nhất quán và dễ hiểu thì các mẫu, bảng biểu hạch toán cần được thiết kế thống nhất theo chuẩn mực quốc tế với yêu cầu thời điểm báo cáo nghiêm ngặt. Quan trọng nhất vẫn là phải gắn được trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể khi quy định này không được tuân thủ một cách nghiêm túc. Có như vậy, việc công khai số liệu tài chính được thông suốt từ cấp nhà nước đến cấp tỉnh cũng như cấp ngành.

ThS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Kinh tế và Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem):

BCTC sẽ giúp các nhà đầu tư quốc tế định vị tốt hơn tiềm năng của thị trường kinh doanh tại Việt Nam. Với những thông tin chính thống, các nhà đầu tư có thể nắm được nguồn vốn của Nhà nước đang phân bổ tập trung vào lĩnh vực nào, từ đó đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Thông tin càng minh bạch, độ rủi ro cho các nhà đầu tư càng ít. Với nước ta, đây sẽ là cơ sở để nâng hạng mức độ minh bạch trong đánh giá về chỉ số cạnh tranh.

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC):

Hiện nay hệ thống khung khổ pháp lý bao gồm Luật Thống kê, Luật Kế toán, Luật Ngân sách Nhà nước đã khá đầy đủ, tạo cơ sở để tiến tới công khai BCTC Nhà nước. Tuy nhiên vẫn cần phải thực hiện đồng bộ để đảm bảo hiệu quả các con số thống kê, tạo niềm tin cho người sử dụng thông tin.

Theo Thùy Linh

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên