Công nghệ đã thay đổi Tết như thế nào? - Khi lì xì đã có mã QR, mâm cỗ được giao đến tận nhà
Trải qua năm tháng, không khí Tết Nguyên đán đã có phần đổi thay, thế nhưng Tết vẫn là dịp lễ quan trọng trong văn hóa người Việt với nhiều giá trị văn hóa, phong tục truyền thống không bao giờ phai nhạt.
- 23-01-2023Hơn 55.000 người sẽ mất việc làm, làn sóng sa thải 'càn quét' toàn ông lớn công nghệ như Google, Microsoft, Amazon...
- 22-01-2023Youtuber có nhiều lượt theo dõi nhất thế giới: Làm việc không dừng suốt 8 ngày, người bình thường không muốn cuộc sống như vậy
- 22-01-2023Cách hãng pizza lớn nhất thế giới trở thành ‘công ty công nghệ đi bán pizza’
Đi chợ ngày Xuân
Xin chữ ngày tết (Ảnh: Nguyễn Đình Lâm)
Xưa: Phiên chợ bắt đầu khoảng từ 23 tháng Chạp đến 30 Tết. Thời "ông bà ta", phiên chợ Tết là điều mà ai cũng háo hức trông đợi. Người ta đi chợ Tết không chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí khi Tết về đến khắp ngõ, làng. Còn với lũ trẻ con, niềm vui lớn nhất khi xưa là vào những ngày giáp Tết là sẽ được theo chân bố đi chợ hoa để mua hoa, mua quất về chưng Tết.
Nay: Công nghệ hiện đại, chợ online phát triển, "người người nhà nhà" đều chuông mua sắm điện thoại. Thứ gì cũng có, tất cả đều thanh toán qua thẻ, chưa bao giờ mua sắm ngày Tết lại dễ dàng như thế.
Mâm cỗ ngày Tết
Cúng 3 ngày Tết là truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu đời của gia đình Việt, để cầu một năm mới bình an, gặp nhiều may mắn
Xưa: Những mâm cỗ với các món ăn truyền thống như gà luộc, nem rán, giò lụa, bánh chưng,… luôn được nhiều gia đình tự tay chuẩn bị, chế biến vào dịp tết để cúng tổ tiên.
Nay: Thay vì kỳ công dậy sớm tự tay nấu nướng thì nhiều gia đình ngày nay lựa chọn dịch vụ đặt cỗ làm sẵn cho ngày 30 Tết. Các mâm cỗ 5-10 món có giá từ 600.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng.
Gói bánh chưng, bánh Tét
Tết xưa không thể thiếu việc gói bánh chưng, bánh tét
Xưa: Tết đến Xuân về thì bánh chưng, bánh tét là thức quà mà nhà nào cũng có. Từ mua nguyên liệu, chọn lá dong,... rồi đến khoảnh khoắc cả gia đình sum vầy cùng gói bánh, thức đợi bánh chín cùng nhau,... những điều này đã không đơn thuần là nét truyền thống Việt mà đã trở thành niềm hân hoan, sum họp dịp cuối năm.
Nay: Nếu như Tết xưa cả gia đình quây quần cùng gói bánh chưng bên nhau, thì ngày nay nhiều gia đình chọn cách mua bánh chưng, bánh tét làm sẵn ngoài hàng để tiết kiệm thời gian.
Đón giao thừa
Nếu như Tết xưa nhà nhà có tràng pháo giấy treo trước cửa, thì ngày nay pháo hoa đã được chọn để thay thế trong đêm giao thừa (Ảnh: Alan Nguyen)
Xưa: Vào mỗi đêm giao thừa khi xưa, người người nhà nhà sẽ cùng ra ngoài để đốt pháo. Tiếng pháo nổ cả một góc trời làm cho người ta hứng khởi, ấm áp hơn, giao hoà cùng với cảnh sắc tươi vui của đất trời ngày đầu năm.
Nay: Nếu như Tết xưa nhà nhà có tràng pháo giấy treo trước cửa, thì ngày nay pháo hoa đã được chọn để thay thế trong đêm giao thừa. Pháo hoa được bắn ở các địa điểm lớn, người dân háo hức đi chơi sớm, tìm những địa điểm đẹp nhất để ngắm pháo hoa.
Chụp hình lưu niệm
Những ngày Tết xưa, muốn chụp ảnh gia đình thì phải gọi các bác thợ chụp dạo, rồi đợi mấy ngày sau mới có hình đóng khung đem treo
Xưa: Nếu muốn lưu lại kỉ niệm gia đình đoàn tụ ngày Tết, nhà nhà chỉ có kéo nhau ra tiệm và phải chờ rất lâu mới cầm được tấm ảnh trên tay.
Nay: Thời đại 4.0, điện thoại thông minh với camera chẳng kém cạnh gì máy ảnh. Chỉ cần bấm một phát là có ngay tấm hình. Chụp dễ dàng mà chỉnh sửa cũng nhanh gọn. Ra ngay đường hoa là đã có ngay một bộ ảnh đẹp cho gia đình.
Lì xì đầu năm
Lì xì ngày tết là một nét đẹp truyền thống văn hóa Việt
Xưa: Những ngày mồng 1 mồng 2, qua nhà ông bà, người thân chúc Tết, còn gì mong hơn là nhận lì xì. Theo phong tục, những người trưởng thành sẽ lì xì cho con trẻ, ông bà, người thân hay thậm chí là bạn bè, kèm theo lời chúc về trí tuệ, sức khỏe, may mắn, thành đạt.
Nay: Người người nhà nhà vẫn chúc Tết đầu năm đấy nhưng hình thức lì xì đã dần chuyển thành online. Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, tiền mừng tuổi đã "bay" đến tài khoản người nhận rồi.
Chúc Tết người thân, bạn bè
Chúc Tết người thân, chòm xóm ngày đầu năm vẫn giữ nguyên giá trị như ngày nào trong thời đại 4.0
Xưa: Cả gia đình "chồng chất" lên một chiếc xe, ì ạch "tay xách nách mang" qua nhà họ hàng thăm hỏi. Nhà nào gần còn qua, chứ xa nhau cả mấy trăm km thì chỉ có nước gọi điện thoại bàn nói chúc Tết đầu năm.
Nay: Chúc Tết người thân, chòm xóm ngày đầu năm vẫn giữ nguyên giá trị như ngày nào. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, dù người thân, bạn bè có cách cả nửa vòng Trái Đất thì cũng không lo vì đã có video call rồi.
Tạm kết
Xã hội ngày càng phát triển, mỗi thế hệ vì thế sẽ có những thú vui tiêu khiển khác nhau trong dịp Tết đến Xuân về. Dẫu hương vị Tết xưa và nay có ít nhiều đổi mới, nhưng giá trị văn hóa truyền thống vẫn không thay đổi trong mỗi người. Tết là dịp đoàn viên, sum họp tình cảm gia đình, ai đi xa về gần cũng phải nhớ về!
Trí thức trẻ