MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công nghệ RFID hiện đại trên cao tốc 7.600 tỷ làm nên 'kỳ tích' trong ngành xây dựng GTVT ở Việt Nam

09-02-2024 - 08:11 AM | Kinh tế số

Công nghệ RFID hiện đại trên cao tốc 7.600 tỷ làm nên 'kỳ tích' trong ngành xây dựng GTVT ở Việt Nam

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được coi là 'kỳ tích' trong ngành xây dựng giao thông vận tải khi vượt tiến độ 3 tháng, cam kết bảo hành miễn phí 10 năm.

Tuyến cao tốc làm nên 'kỳ tích'

Một trong những dự án gần đây được coi là 'kỳ tích' trong ngành xây dựng giao thông vận tải là cao tốc Nha Trang - Cam Lâm do Tập đoàn Sơn Hải thực hiện.

Tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm dài 49,1km bắt đầu từ huyện Diên Khánh, đi qua huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa, có tổng kinh phí đầu tư là 7.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư từ Nhà nước chiếm khoảng 2.967 tỷ đồng. Dự án được Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư theo hình thức PPP, với hợp đồng BOT.

Khởi công từ tháng 9/2021, dự án được xây dựng theo giai đoạn đầu với 4 làn xe, mặt đường rộng 17m, không có làn đường khẩn cấp. Dự án có thời gian hoàn vốn dự kiến là 16 năm 4 tháng.

Công nghệ RFID hiện đại trên cao tốc 7.600 tỷ làm nên 'kỳ tích' trong ngành xây dựng GTVT ở Việt Nam- Ảnh 1.

Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị


Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 9/2023. Tuy nhiên, Tập đoàn Sơn Hải đã hoàn thành và thông xe tuyến đường này từ ngày 19/5/2023, sớm hơn dự kiến 3 tháng, một thành tựu đáng ghi nhận trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành chất lượng mặt đường tuyến Nha Trang - Cam Lâm trong 10 năm, đảm bảo mặt đường không bị lún, không bong tróc, mặt đường bằng phẳng và mượt mà, kể cả ở những đoạn nối với cầu, không bị ảnh hưởng bởi xe quá tải, lưu lượng giao thông lớn hay thời tiết xấu.

Nhà đầu tư cũng cam kết rằng trong suốt quá trình bảo hành, Nhà nước không phải chi trả bất cứ chi phí nào cho việc duy tu, sửa chữa. 

Trong bản tin Thời sự lúc 19h ngày 18/5/2023, Chủ tịch Nguyễn Viết Hải của Tập đoàn Sơn Hải đã nhấn mạnh rằng dự án hoàn thành vượt tiến độ là để giữ lời hứa với Bộ Giao thông Vận tải và Thủ tướng Chính phủ. Ông Hải cũng tin rằng việc đưa tuyến đường vào sử dụng sớm hơn sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Công nghệ RFID hiện đại trên cao tốc 7.600 tỷ làm nên 'kỳ tích' trong ngành xây dựng GTVT ở Việt Nam- Ảnh 2.

Ảnh: Báo Khánh Hoà

Công nghệ RFID hiện đại

Tuyến đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được trang bị hệ thống giao thông thông minh bao gồm camera giám sát, cảm biến phát hiện xe, biển báo điện tử, hệ thống liên lạc vô tuyến và điện thoại cố định cùng hệ thống điện thoại SOS dọc tuyến.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm là tuyến đầu tiên cả nước thực hiện thí điểm áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) hoàn toàn.  

Có tổng cộng 4 trạm thu phí được đặt ở Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm và thành phố Cam Ranh, với nhà điều hành chính nằm ở Suối Dầu. Tại mỗi trạm, có 4 làn thu phí, bao gồm hai làn cho mỗi hướng di chuyển. 

Trong số đó, mỗi chiều sẽ có một làn ETC không dừng đa làn tự do và một làn thu phí hỗn hợp. Làn ETC đa làn có thể xử lý các phương tiện di chuyển với tốc độ tối đa là 120 km/h, trong khi làn hỗn hợp có thể xử lý với tốc độ tối đa là 40 km/h. 

Công nghệ RFID hiện đại trên cao tốc 7.600 tỷ làm nên 'kỳ tích' trong ngành xây dựng GTVT ở Việt Nam- Ảnh 3.

Trạm thu phí trên tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: Báo Khánh Hoà

Làn thu phí trung tâm không có barie và cho phép xe di chuyển qua với tốc độ tối đa 120 km/h, còn làn ngoài cùng - là làn thu phí hỗn hợp - có barie và giới hạn tốc độ tối đa là 40 km/h.

Công ty Elcom là đơn vị chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống thu phí không dừng ETC trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cho biết trên Dân Trí rằng việc loại bỏ cabin thu phí, vách ngăn cũng như barie giúp tiết kiệm không gian và giảm sức người vận hành. Trạm thu phí mới chủ yếu bao gồm cấu trúc giá long môn để gắn camera và thiết bị đọc thẻ ETC.

Hệ thống thu phí không dừng của Elcom sử dụng công nghệ RFID để tự động nhận dạng xe và trừ tiền từ tài khoản giao thông. RFID là viết tắt của từ Radio Frequency Identification là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến. Khi đó cả hai thiết bị hoạt động thu phát sóng trong cùng tần số và tần số đó thường được sử dụng trong RFID là 125Khz hoặc 900Mhz .

Một thiết bị RFID được cấu tạo bởi 2 thành phần chính là thiết bị đọc và thiết bị phát mã có gắn chip. Trong đó thiết bị đọc được gắn ăng ten thu phát sóng điện từ, còn thiết bị phát mã RFID được gắn với vật cần nhận dạng, mỗi thiết bị RFID có chứa một mã số nhất định sao cho không trùng lặp với nhau.

Bên cạnh đó, hệ thống camera AI được lắp trên giá long môn có khả năng nhận diện xe với độ chính xác cao, giúp định danh phương tiện và ghi nhận các hành vi vi phạm như chạy sai làn hoặc quá tốc độ.

Thông tin thu thập từ hệ thống camera an ninh sẽ được truyền về trung tâm điều hành thông minh theo thời gian thực, nhằm hỗ trợ quá trình giám sát, theo dõi và quản lý tuyến đường, cũng như đưa ra quyết định kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Tổng hợp


T.Hà

T.Hà

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên