Công nghệ Trung Quốc khiến nước ngoài phải 'ngả mũ': Giàn tuabin gió ngoài khơi lớn nhất thế giới đứng vững trước bão Yagi, diện tích quét bằng 9 sân bóng đá, cung cấp đủ điện cho 30.000 hộ
Trang Interesting Engineering đăng tải một số hình ảnh cho thấy dàn tuabin gió ngoài khơi công suất lớn nhất thế giới ở Trung Quốc vẫn đứng vững trước những cơn cuồng phong do siêu bão Yagi gây ra. Cơn bão này có sức gió đạt đỉnh 223,6 km/giờ.
- 10-09-2024Goldman Sachs: Kinh tế Trung Quốc sẽ 'trỗi dậy' trong những tháng cuối năm nhờ 3 yếu tố quan trọng
- 09-09-2024Cạn kiệt nhân dân tệ Trung Quốc để giao dịch, nhiều ngân hàng Nga ‘cầu cứu’, NHTW ‘dội gáo nước lạnh’
- 09-09-2024Vừa nghèo vừa cô đơn, gen Z Trung Quốc đua nhau 'nuôi' đá cuội làm thú cưng
Công ty điện gió Trung Quốc Minh Dương Smart Energy cho biết hệ thống tuabin gió OceanX của họ không chỉ chịu được cường độ mạnh của cơn bão, mà còn là minh chứng cho thấy công nghệ điện gió ngoài khơi rất bền bỉ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Gần đây, công ty đã lắp đặt hệ thống OceanX tại trang trại điện gió ngoài khơi Thanh Châu IV tại Dương Giang, tỉnh Quảng Đông, tỉnh ven biển ở đông nam Trung Quốc.
OceanX có tổng công suất là 16,6 MW được thiết kế dạng tuabin kép chữ V. Công suất đầu ra hàng năm đạt 54.000 MWh, có thể cung cấp điện cho khoảng 30.000 hộ gia đình ở Trung Quốc.
Công ty cho biết trong một bài đăng trên LinkedIn: “Không hề hấn trước cơn bão, OceanX đã chứng minh được khả năng chống bão vượt trội, củng cố cam kết của Minh Dương về các giải pháp điện gió ngoài khơi hiện đại và đáng tin cậy.”
Trong khi đó, cơn bão này đã ảnh hưởng đáng kể đến Nhà máy điện gió Văn Xương ở Trung Quốc, hiện đang được Huaneng Hải Nam vận hành. Theo các trang tin, ít nhất 6 tuabin gió của trang trại này bị hư hại nghiêm trọng.
Hệ thống tuabin OceanX được công ty Minh Dương thiết kế và được xây dựng bởi Công ty đóng tàu Huangpu Wenchong và Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc.
Năm 2020, một mẫu tuabin tỷ lệ 1:10 đã được thử nghiệm và công ty hoàn thành việc lắp đặt tuabin tỷ lệ thực vào tháng 4 năm nay. Thiết kế của tuabin này có 2 rotor quay ngược chiều nhau, được gắn trên cấu trúc hình chữ V với cáp chịu lực căng lớn, cố định vào một giàn nổi hình chữ Y nhằm tăng khả năng ổn định.
Mỗi đầu của giàn lắp một tuabin gió 8,3 MW, có đường kính cánh quạt 182 mét. Giàn tuabin nặng khoảng 15.000 tấn và được chế tạo để hoạt động ở vùng nước sâu hơn 35 mét, giúp tiếp cận hiệu quả nguồn tài nguyên gió ngoài khơi.
Theo công ty, OceanX được chế tạo từ “bê tông có hiệu suất cực kỳ cao” để cải thiện độ bền và hiệu quả chi phí, đồng thời sử dụng hệ thống neo đậu 1 điểm để giảm tác động từ môi trường bên ngoài, tăng độ ổn định ngay cả trong thời tiết bão.
Công ty Minh Dương sử dụng các công nghệ gió ngoài khơi nổi tiên tiến, bao gồm tuabin gió nổi 2 cánh quạt OceanX công suất 16,6 MW cùng các hệ thống MySE 5,5 MW và 7,25 MW. Các thiết bị này, được thiết kế để khai thác năng lượng gió khi lắp đặt ở vùng biển sâu, có thể hoạt động hiệu quả khi đứng ngoài khơi xa đến 100 km và sâu 100 mét.
Tuabin này được thiết kế để chịu được bão cấp 5 với tốc độ gió 260 km/giờ và vẫn tạo ra điện giữa những con sóng cao 30 mét. Thiết kế của nền tảng này cũng có khả năng chịu được cường độ luồng xoáy 0,135, hoạt động hiệu quả với môi trường ngoài khơi.
Các tuabin này có chu vi quét bằng 9 sân bóng đá, cạnh tranh với đối thủ đến từ trong nước là GoldWind và CSSC Haizhuang, cùng các công ty lớn trên thế giới như Siemens Gamesa. Đường kính của các tuabin gió của các công ty này dao động từ 260 đến 292 mét.
Tham khảo Interesting Engineering
Nhịp Sống Thị Trường