Công nghiệp hỗ trợ: Gấp rút lấp khoảng trống để không “lỡ tàu"
Với hàng loạt hạn chế từ chính sách phát triển tới sự yếu kém nội tại của DN, suốt thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam phát triển khá ỳ ạch. Muốn đổi thay "cục diện", đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay, cần sự nỗ lực cao độ cả từ phía Nhà nước lẫn cộng đồng DN.
- 08-12-2018Công nghiệp hỗ trợ yếu kém sẽ khó có ô tô giá rẻ
- 31-10-2018Công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô: Chuyện “hôm qua” nhưng... vẫn là chuyện “hôm nay”
Chậm trễ chính sách phát triển
Nói tới phát triển ngành CNHT ở Việt Nam, hạn chế về chính sách chính là một trong những yếu tố khá nổi cộm. Thực tế cho thấy, mặc dù đã có những văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát triển CNHT, tuy nhiên các chính sách được ban hành rất chậm. Đến tháng 11/2015, Chính phủ mới ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP phát triển CNHT và tháng 1/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến 2025.
Theo Bộ Công Thương: Mục tiêu chung đặt ra trong phát triển CNHT là xây dựng và phát triển CNHT đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và XK 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa. Đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.000 DN CNHT đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 2.000 DN.
Bên cạnh đó, hiện nay có một số vấn đề bất cập, vướng mắc mà các quy định hiện hành của pháp luật chưa thể giải quyết để tạo ra các cơ chế, chính sách mạnh mẽ thúc đẩy CNHT phát triển. Ví dụ như, chính sách thu hút các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam. CNHT có mối liên hệ hữu cơ với các ngành sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tuy nhiên chính sách tạo ra các liên kết giữa các DN này và các DN CNHT còn chưa được hình thành. Mối quan hệ ràng buộc giữa các ưu đãi của các DN sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh và nghĩa vụ đối với các DN vừa và nhỏ chưa được thể hiện trong bất kỳ văn bản qui phạm pháp luật nào.
Một trong những bức xúc nổi cộm về mặt chính sách phát triển CNHT không thể không kể đến là chính sách tín dụng. Theo Bộ Công Thương: Hiện tại, do những đặc thù của sản xuất CNHT cũng như xuất phát điểm thấp của DN Việt Nam như: DN không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn; báo cáo tài chính không khả thi do đầu tư ban đầu quá lớn, hồ sơ vay vốn khó thuyết phục cơ quan tín dụng…, các DN CNHT rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Hiện nay, các DN FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực CNHT thường vay vốn từ công ty mẹ hoặc từ ngân hàng nước ngoài với lãi suất chỉ từ 1-3%, trong khi đó các DN trong nước phải vay với lãi suất từ 8-10%. Sự chênh lệch lớn này đã làm triệt tiêu sự cạnh tranh của các DN trong nước. "Có thể đánh giá đây là một trong những nguyên nhân, rào cản chính khiến các DN CNHT khó khăn trong việc đầu tư sản xuất, dẫn đến việc cản sản phẩm của DN trong nước khó tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu", Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói.
Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng: Sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều DN CNHT chưa tiếp cận được các ưu đãi theo quy định. Với lĩnh vực khoa học, công nghệ, sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các DN trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn hạn chế, không ít các sản phẩm nghiên cứu vẫn gặp rất nhiều khó khăn về ứng dụng và phát triển sản phẩm. Cũng theo Thứ trưởng Tạc, hiện vẫn thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh về việc tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm đầu ra được áp dụng rộng rãi trong thực tế, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ bảo đảm bù đắp rủi ro trong nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Điều này đã phần nào hạn chế khả năng ứng dụng của các DN công nghệ cao trong lĩnh vực CNHT.
Số lượng doanh nghiệp nghèo nàn
Bên cạnh chính sách, nội tại "sức khỏe" của DN CNHT Việt Nam cũng còn rất nhiều điều đáng bàn. Theo báo cáo của Bộ Công Thương: Hiện tại trên toàn quốc trong số khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện chỉ có khoảng hơn 300 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Mặc dù đây là nền tảng để công nghiệp hóa, song trong những năm qua, số lượng các DN thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chưa nhiều.
Đáng chú ý, dù trình độ sản xuất và công nghệ của DN đã từng bước được cải thiện, các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các DN CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế. Khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các DN sản xuất nội địa còn rất lớn. Một số DN Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm CNHT, tuy nhiên rất ít DN có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực.
Triển vọng rộng mở
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, trong tương lai gần, ngành CNHT của Việt Nam có triển vọng phát triển lớn. Thứ nhất, đó là cơ hội tham gia sâu của công nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia. Trong nền sản xuất công nghiệp trên thế giới hiện nay, các tập đoàn đa quốc gia đóng vai trò quyết định dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu. Sự thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian gần đây đặt Việt Nam vào vị trí cơ sở sản xuất quan trọng hơn. Trước đây, một số nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc lựa chọn Trung Quốc và các nước ASEAN là cơ sở sản xuất cho XK sang Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần trở thành một thị trường tiêu thụ thay vì sản xuất, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ kéo dài nên các nước ASEAN, trong đó đặc biệt là Việt Nam có cơ hội trở thành cơ sở sản xuất hàng XK sang Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Thứ hai, cơ hội thị trường cho ngành CNHT ngày càng được mở rộng. Bộ Công Thương đưa ra số liệu phân tích: Đến nay, sản lượng sản phẩm một số ngành công nghiệp nội địa đã khá lớn, đủ điều kiện để phát triển các ngành CNHT tại Việt Nam. Nhiều Hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực cũng đã tạo ra cơ hội thị trường rộng lớn cho các ngành công nghiệp và CNHT, đặc biệt là cho các ngành điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may và da giày...
Cơ hội khá lớn, song để không bỏ lỡ những cơ hội phát triển mở ra, ngành CNHT cần từng bước khắc phục các hạn chế đã và đang tồn tại dai dẳng. Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh năng lực của các DN trong nước còn hạn chế, chưa đủ sức để vươn ra chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, để phát triển CNHT, điều kiện tiên quyết là phải có ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong nước phát triển, mở ra cơ hội thị trường cho các DN CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh: Thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển CNHT theo hướng tạo điều kiện để các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT dễ dàng tiếp cận được các ưu đãi có trong Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hiện hành liên quan; đồng thời nghiên cứu xây dựng lộ trình về tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm đối với các DN, tập đoàn đa quốc gia đầu tư, sản xuất tại Việt Nam dựa trên các lộ trình công nghệ và phát triển sản phẩm của DN sản xuất, chế tạo sản phẩm CNHT của Việt Nam.
Ở góc độ ngành da giày, ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đề xuất: CNHT ngành da giày được áp dụng các chính sách ưu đãi như đối với phát triển các CNHT khác, trong đó có những ưu đãi về khuyến khích đầu tư, các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng đầu tư và tín dụng XK, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng XK. "Về tài chính, đề nghị Bộ Tài chính soạn thảo trình Chính phủ phê duyệt các biện pháp tăng cường các chính sách tài chính hiện có, với những ưu đãi cao hơn đối với sản xuất nguyên phụ liệu da giày về thuế NK nguyên liệu, thuế thu nhập DN, thuế GTGT… Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước xây dựng các chính sách ưu đãi về lãi suất vay vốn ngân hàng, bảo lãnh tín dụng đầu tư và tín dụng XK của Nhà nước; xây dựng chương trình hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng các khu/ cụm công nghiệp thuộc da và sản xuất các sản phẩm nguyên phụ liệu da giày", ông Thuấn nói.
Hải quan