MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu Xuân nhìn lại công tác tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu năm 2018

09-02-2019 - 08:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN luôn dành sự ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu...

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra hồi tháng 1/2019 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, NHNN luôn dành sự ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu theo Đề án 1058 và Nghị quyết số 42 của Quốc hội.

Trong năm 2018, NHNN đã tập trung cao độ chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc tự phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng TCTD; giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt và theo dõi, kiểm tra kết quả xử lý nợ xấu cũng như kiểm soát chất lượng tín dụng của từng TCTD để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh và hỗ trợ các TCTD tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các NHTM nhà nước mua lại, các NHTM yếu kém đang trong quá trình củng cố, chấn chỉnh, các QTDND yếu kém, có sai phạm và các TCTD có tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên 3%.

Với nỗ lực triển khai quyết liệt, mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu đã đạt nhiều kết quả tích cực, giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, quy mô và hiệu quả hoạt động tiếp tục được nâng cao; năng lực tài chính tiếp tục được củng cố;năng lực quản trị điều hành từng bước tiệm cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện. Những vướng mắc trong xử lý nợ xấu đang được NHNN chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nỗ lực tháo gỡ. Trong đó:

Về kết quả cơ cấu lại: Các NHTM do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các TCTD với vốn điều lệ chiếm 26,7% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống; tổng tài sản chiếm 45,56%; dư nợ cho vay chiếm 52,62%.

Các NHTMCP tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt hoạt động và tiếp tục có bước phát triển tích cực với vốn điều lệ tăng 2,22%, chiếm thị phần 45,7% tổng vốn điều lệ toàn hệ thống; tổng tài sản tăng 10,13%, chiếm thị phần 40,6%; dư nợ cho vay chiếm thị phần 38,2%. Các NHTMCP sau sáp nhập/hợp nhất (Sacombank, Maritime Bank, PVcomBank, SCB, SHB) đã và đang quyết liệt khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng hoạt động.

Hoạt động của hệ thống QTDND tiếp tục được củng cố, tăng cường, góp phần không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương, hạn chế tín dụng đen.

Về kết quả xử lý nợ xấu. Ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó các TCTD sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý chiếm tỷ trọng 46,68%, thu nợ của khách hàng chiếm tỷ trọng 26,78%, bán nợ cho VAMCchiếm tỷ trọng 20,10%, còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác chiếm tỷ trọng 6,44%. Tính từ năm 2012 đến nay, hệ thống các TCTD đã xử lý được 876,36 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Riêng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 thì từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 183,17 nghìn tỷ đồng, đạt trên 32,22% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó xử lý bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi TCTD, VAMC có quyền thu giữ TSBĐtheo Nghị quyết 42. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng, theo Phó Thống đốc, nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, Ban lãnh đạo NHNN đã tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thanh tra giám sát ngân hàng, đặc biệt là công tác giám sát trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu, hệ thống tiêu chí giám sát và chủ động cảnh báo sớm các rủi ro trong hoạt động ngân hàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án đổi mới, sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy và hoạt động của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế bất cập hiện nay và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Nhờ nỗ lực của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và thanh tra NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng từng bước được củng cố, hỗ trợ tích cực cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên