MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công trình 'chui' ở Mã Pì Lèng: Sai từ huyện Mèo Vạc, cần vẫn phải bỏ

08-10-2019 - 08:35 AM | Xã hội

Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang cho biết sẽ họp liên ngành tìm hướng “giải quyết thấu tình đạt lý” đối với công trình không phép Panorama Mã Pì Lèng.

Sai từ huyện Mèo Vạc

Các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng địa phương sẽ họp bàn tìm phương án xử lý công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc) và báo cáo UBND tỉnh Hà Giang.

Trước đó ngày 2/10, UBND tỉnh Hà Giang giao Sở Xây dựng, VHTTDL, Giao thông và UBND huyện Mèo Vạc kiểm tra hiện trạng công trình. Tới nay nhà nghỉ, nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng này “chưa có hồ sơ thiết kế và thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng”.

“Sau khi kiểm tra chúng tôi sẽ họp liên ngành, tham mưu với UBND tỉnh tìm hướng giải quyết thấu tình đạt lý dựa trên các quy định pháp luật, có xem xét thực tế vị trí, nhu cầu tham quan nghỉ chân của khách du lịch”, ông Hoàng A Chinh- Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang nói.

Lãnh đạo Sở Xây dựng nhắc lại nội dung văn bản của Bộ VHTTDL rằng, dù công trình không nằm trong khu vực bảo vệ 1, 2 nhưng theo Luật Di sản vẫn phải có ý kiến tham mưu của ngành văn hóa do nguy cơ ảnh hưởng cảnh quan. “Công trình ở vùng nông thôn không cần cấp phép, tuy nhiên để quản lý những công trình mang tính phục vụ công cộng thì phải kiểm soát qua thủ tục đầu tư cơ bản như thẩm tra thiết kế. Sở Xây dựng sẽ chủ trì lấy ý kiến các ngành liên quan và địa phương về việc này”, ông Chinh nói.

Xem xét trách nhiệm trong việc để công trình “chui” mọc lên tại vị trí đắc địa ngay hẻm vực Tu Sản, ông Hoàng A Chinh nói rằng công trình chưa đầy đủ thủ tục pháp lý mà vẫn xây dựng nên trách nhiệm đầu tiên thuộc về huyện Mèo Vạc. Lãnh đạo huyện Mèo Vạc  giải thích: Thực hiện chủ trương của tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng điểm dừng chân cho khách theo nguyên tắc thân thiện môi trường. Tuy nhiên huyện Mèo Vạc cũng không phê duyệt dự án công trình nhà nghỉ Panorama, và không có động thái “tuýt còi” chủ đầu tư trong suốt quá trình xây dựng.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang nhận xét, nhìn bằng mắt thường dễ nhận thấy phần đua đằng sau không thân thiện với môi trường, phá vỡ một phần cảnh quan của điểm dừng chân ở đây. “Hơn nữa công trình này chưa có hồ sơ thiết kế. Phần đua ra phía sông Nho Quế nếu khách tụ tập đông mà không đảm bảo chất lượng, trong trường hợp sập ai có thể lường trước được hậu quả ra sao”, ông Chinh nêu ý kiến.

Không lấn vào lõi nhưng ảnh hưởng

GS.TS. Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh-Địa tầng Việt Nam nhận định: Trước hết công trình Panorama Mã Pì Lèng này không đúng ở chỗ chưa được cấp phép. Công trình không có trong Quy hoạch tổng thể Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Ông phân tích, nhiều người cho rằng công trình này nằm bên rìa khu trung tâm di sản nhưng thực ra không phải như thế. Vị trí này chính là trung tâm, bởi giá trị tiêu biểu nhất của cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở giữa sông Nho Quế. Vùng lõi của công viên địa chất gồm cả hai huyện Đồng Văn, Mèo Vạc nên phải được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, vùng rìa chính là Yên Minh, Quản Bạ.

“Ảnh hưởng đến cảnh quan chắc chắn có. Nhiều bức ảnh chụp thấy rất chướng. Nếu đứng trên ấy ngắm cảnh xung quanh thì được nhưng nhìn từ chỗ khác ngắm về phía hẻm vực Tu Sản- đẹp và sâu nhất Đông Dương- sẽ bị vướng, nó giống cái gai trước mắt. Có người còn ví nó như cái răng sâu cần nhổ. Công trình xây dựng không nằm trong quy hoạch tổng thể, không phép tắc lại phá vỡ cảnh quan thiên nhiên”, GS. Tạ Hòa Phương nói.

PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam thẳng thắn nhận xét công trình nhà nghỉ Mã Pì Lèng là phản cảm. Ông gọi đây là công trình lộn xộn, là khối bê tông xấu xí “xây dựng tại nơi hùng vĩ dứt khoát ảnh hưởng tới di sản dù có thể không lấn vào vùng lõi”. Người dân đôi khi chỉ nhìn thấy địa điểm đẹp có thể kinh doanh sinh lời, không quan tâm và hiểu biết về di sản. “Nếu thấy công trình nhiều sai phạm, ảnh hưởng tới di sản nếu cần đập bỏ cũng phải làm”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ nói. Ông nêu quan điểm nếu không xử lý nghiêm nêu gương, nhiều công trình tương tự mọc lên ở các danh thắng, di sản khác.

Một số người cho rằng ở nước ngoài cũng có những điểm dừng chân, ngắm cảnh và nghỉ dưỡng tương tự nhưng không bị phản ứng. Theo GS.TS. Tạ Hòa Phương, cảnh quan chính ở khu vực Mã Pì Lèng này là hẻm vực sông Nho Quế rất nhỏ, chỉ một vài km nên phạm vi ảnh hưởng cũng khác. Ông dẫn chứng ngay việc xây dựng công trình thu hút du lịch ở đại vực Grand Canyon (Mỹ) cũng bị dư luận lên án rất ghê, coi đó là hành vi phá hủy mỹ quan thiên nhiên thế giới.

Hà Giang và nhiều địa phương có lợi thế thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ nhưng muốn hút khách du lịch không thể cứ mãi hồn nhiên hoang sơ? “Hà Giang có thể tạo ra các điểm dừng chân nhưng phải xem xét vị trí. Nếu chỗ đó quy hoạch tốt, kiến trúc tốt có thể làm điểm ngắm cảnh, việc có thu phí hay không do BQL Công viên địa chất quyết định”, GS. Phương nói. Ông nêu ý kiến không thiếu chỗ xây khách sạn, bởi Đồng Văn và Mèo Vạc vào dịp cao điểm du lịch luôn trong tình trạng “cháy” phòng. Hà cớ gì phải chọn đúng địa điểm gây phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, ảnh hưởng di sản để xây dựng phòng ốc nghỉ dưỡng?

Chờ họp liên ngành

"Chúng tôi chưa khẳng định sẽ cho tồn tại công trình hay không, vì còn phải họp với các ngành chức năng, huyện Mèo Vạc và đặc biệt cơ quan văn hoá là cơ quan quản lý di sản. Theo tinh thần của Nghị định 39, bây giờ không còn việc phạt cho tồn tại, một là giữ hai là tháo dỡ", Ông Hoàng A Chinh nói. Giám đốc Sở Xây Dựng cho biết: Theo quy định, nếu công trình không hoàn thiện giấy tờ cần thiết thì phải yêu cầu đình chỉ. Nếu hoàn thành rồi thì xem xét hướng xử lý: Có thể phải tháo dỡ, hoặc xem xét bỏ phần nào ảnh hưởng di sản, môi trường, giữ một phần là điểm dừng chân và chụp ảnh cho du khách theo hướng phù hợp với cảnh quan.

Theo Nguyễn Khánh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên