MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công trình ngầm 'đụng độ' dưới lòng đất Sài Gòn

13-04-2016 - 14:01 PM | Bất động sản

Trong hơn 240 điểm giao cắt giữa các công trình ngầm, có nơi cáp điện, ống cấp nước cùng lúc chui qua cống thoát nước.

“Từ đầu tháng 4-2016 đến nay công ty lại phát hiện thêm nhiều điểm giao cắt giữa công trình ngầm với hệ thống cống thoát nước, tập trung nhiều ở khu vực quận 5 và quận 11. Hiện chúng tôi vừa gửi công văn cho các đơn vị liên quan yêu cầu phải di dời các công trình xâm hại đến hệ thống cống thoát nước của thành phố”, ngày 13-4, một lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TP.HCM, cho hay.

Trước đó, trong một báo cáo gửi Sở GTVT TP.HCM, Công ty Thoát nước Đô thị TP cho biết, tính đến đầu năm 2016, toàn TP có 239 điểm giao cắt giữa công trình thoát nước với các công trình khác.

Theo Công ty Thoát nước Đô thị TP, trong 239 điểm giao cắt trên, có đến 191 trường hợp xảy ra giữa công trình cấp nước và thoát nước. Còn lại là giao cắt giữa thoát nước với các công trình ngầm khác như cáp điện, cáp viễn thông…

Một cán bộ tham gia công tác kiểm tra trình trạng giao cắt giữa các công trình ngầm cho biết, để có được hình ảnh về thực trạng này, ngoài dùng robot camera ghi hình tự động (thiết bị CCVT), có nhiều nơi công nhân phải chui vào sâu trong lòng cống để ghi hình do địa hình phức tạp.

Nhìn những hình ảnh do Công ty Thoát nước Đô thị TP ghi nhận được chúng tôi không thể hình dung nổi nguyên nhân tại sao các công trình ngầm lại có thể “đụng độ” với nhau như thế. Đơn cử tại tại tuyến đường Âu Cơ ( quận Tân Bình) có điểm, ba công trình: cấp nước, thoát nước và cáp điện cùng lúc đụng nhau theo kiểu ống cáp điện cắt ngang ống thoát nước, còn ống cấp nước lại cắt ngang cống thoát nước. Cũng kỳ lạ không kém là ở đường Lê Duẩn ( quận 1) cùng lúc có ba ống cáp ngầm viễn thông chui qua đường cống thoát nước…

Theo Công ty Thoát nước Đô thị TP.HCM, các điểm giao cắt đều gây ra những trở ngại lớn cho công tác duy tu nạo vét cống. Đối với những điểm giao cắt lớn còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thoát nước. Do đó, Công ty Thoát nước Đô thị đề xuất phải di dời phần lớn các công trình ngầm “chui” qua cống thoát nước.

Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân xảy ra tình trạng “đụng độ” nhau giữa các công trình ngầm, một cán bộ phụ trách lĩnh vực thoát nước, Sở GTVT TP cho rằng, phần lớn công trình thoát nước ở Sài Gòn có từ thời Pháp –Mỹ nên không công trình cấp nước, viễn thông, cáp điện xây dựng sau mới chính là “thủ phạm” gây ra tình trạng này.

Vị này giải thích thêm: “Theo quy định, đối với các vị trí xảy ra giao cắt, ưu tiên số một là di dời các công trình khác, còn công trình thoát nước được giữ nguyên. Về mặt kỹ thuật, công trình thoát nước được xây dựng để nước chảy theo trọng lực từ nơi cao đến nơi thấp nên cũng phải giữ nguyên theo hiện trạng”.

Đủ kiểu giao cắt giữa công trình thoát nước với các công trình ngầm khác như cấp nước, cáp điện. Ảnh: T.N

Theo Trung Thanh

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên