Công trình quanh sân bay Tân Sơn Nhất: Chuẩn bị về đích
Bài toán giao thông cho khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất được giải dần khi hàng loạt dự án sắp được đưa vào sử dụng.
- 23-06-2024Sắp thông xe tuyến đường mở rộng lên 30m nối sân bay Tân Sơn Nhất, khơi thông ùn tắc cửa ngõ phía Tây Tp.HCM
- 21-05-2024Hiện trạng khu vực đang được xây dựng tuyến metro dài 11 km, trị giá 2 tỷ USD, nối trung tâm TP. HCM với khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất
- 09-05-2024Một tỉnh láng giềng với TP. HCM, dự tính sắp có sân bay cạnh Tân Sơn Nhất mời gọi đầu tư hơn 50 dự án
Những ngày cuối tháng 6, phóng viên trở lại công trường xây dựng cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) vừa được khởi công lại sau 5 năm tạm dừng.
Vướng mắc đã gỡ
Ghi nhận cho thấy không khí phấn khởi tràn ngập. Tại công trường, những mố trụ cầu không còn trơ trọi, phơi nắng mưa như trước mà được nhà thầu giăng dây đỏ cảnh báo phương tiện qua lại.
Tạm nghỉ ngơi sau khi điều khiển xe cẩu múc bùn dưới lòng kênh, anh Tấn, làm việc tại đây, cho biết tất cả công nhân bắt tay vào việc ngay khi khởi công, mỗi sáng cứ 7 giờ là có mặt, làm miệt mài đến chiều tối thì nghỉ. Mấy ngày qua thời tiết dễ chịu nên ai cũng cố gắng để hoàn tất công trình cuối năm nay.
Chung sự hào hứng, ông Trần Tấn Cảnh, một người dân gần đó, nói trước đây nhìn cây cầu bỏ lửng ai qua lại cũng xót. Nay mọi thứ đang quay trở lại quỹ đạo, ông hình dung thời điểm người dân đi lại thuận tiện vì cầu hoàn thành.
Cách đó không xa, công trường mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý không kém phần tấp nập. Đoạn mở rộng từ 8 m lên 30 m có chiều dài 2 km từ đường Bình Long đến cầu Tân Kỳ Tân Quý này khởi công tháng 3-2023, dự kiến hoàn thành tháng 10-2024.
Dự án đến nay đạt được 70% khối lượng công việc. Trước đây việc thi công gặp nhiều khó khăn do chật hẹp, công tác giải phóng mặt bằng không đồng bộ nhưng tháng 5 vừa qua, chủ đầu tư nhận đầy đủ mặt bằng sạch và đang tích cực phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP HCM ngầm hóa hệ thống điện.
Cùng với 2 dự án trên, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, đoạn từ cổng doanh trại quân đội đến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay, mặt bằng bao gồm phần đất do quân đội quản lý và nhà dân hai bên đường trong ranh dự án đã cơ bản bàn giao. Từ phía trên cầu vượt Hoàng Hoa Thám, thấy rất rõ trục đường rộng 22 m đang thành hình, xuyên thẳng từ đường Cộng Hòa vào khu vực nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Cũng ở quận Tân Bình, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa cán mốc 50% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Ghi nhận cho thấy hạng mục cầu vượt kết nối nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất có chiều dài 988 m, 4 làn xe đã xây xong mố trụ cầu. Riêng đường dẫn vào hầm phía công viên Hoàng Văn Thụ dài 140 m và đoạn đường dẫn ra vào hầm phía Trung tâm Quản lý bay có chiều dài hơn 180 m đã gọn ghẽ, công nhân đang gia cố sàn bê-tông cốt thép cho nền hầm, vách hầm ở 2 đầu.
Sáng hơn bộ mặt đô thị
Nhận định về tiến độ chùm dự án cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, chủ đầu tư những dự án trên - cho biết đa số bảo đảm tiến độ.
Ông Phúc thông tin cầu Tân Kỳ Tân Quý dự kiến hoàn thành tháng 12-2024 cùng với đường Tân Kỳ Tân Quý đang được nâng cấp mở rộng sẽ hình thành trục giao thông kết nối Quốc lộ 1 đến trung tâm thành phố và Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Các dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, mở rộng đường Tên Lửa, xây mới cầu Bà Hom… hoàn thành trong năm nay góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc, tăng cường khả năng kết nối trong khu vực. Đặc biệt, hỗ trợ rất lớn giao thông cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
"Song song với các tuyến Vành đai 2, Vành đai 3, mở rộng Quốc lộ 50, xây dựng nút giao An Phú… nhằm mở rộng cửa ngõ phía Đông, phía Tây và hình thành các trục kết nối liên kết vùng thì chùm dự án cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất được xem là trọng điểm, có ý nghĩa rất lớn khi hoàn thành. Chúng không chỉ giảm ùn tắc cho khu vực mà còn tạo ra bộ mặt giao thông đô thị cho TP HCM" - ông Phúc nhận định.
Cho rằng Tân Sơn Nhất không đơn thuần là cảng hàng không mà còn là bộ mặt văn minh đô thị, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, đánh giá việc hoàn thành và đưa vào sử dụng chùm dự án… rất có ý nghĩa.
"Các tuyến đường dẫn vào sân bay như Cộng Hòa, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ đang quá tải, muốn giảm ùn tắc chỉ có giải pháp công trình. Khi các công trình trên đồng loạt đưa vào sử dụng sẽ tăng năng lực giao thông cho khu vực, không chỉ góp phần giảm ùn tắc mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội" - TS Phạm Viết Thuận nói.
Thêm phần thông thoáng
Cùng với các công trình giảm ùn tắc cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết đang nghiên cứu đề xuất của Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông về hạn chế xe tải qua khu vực sân bay Tân Sơn Nhất theo giờ.
Theo phương án đề xuất, sẽ hạn chế thời gian xe tải lưu thông quanh khu vực sân bay theo 2 giai đoạn và thực hiện sau khi gói thầu hầm chui dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa hoàn thiện.
Để thực hiện, trung tâm này đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Nam khuyến nghị các kho, bãi phục vụ sân bay Tân Sơn Nhất chuyển đến địa điểm khác như đường Thăng Long để tránh ảnh hưởng về thời gian cấm xe.
Người lao động