MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty bị 'xóa sổ', lao động điêu đứng

12-04-2016 - 08:53 AM | Doanh nghiệp

Sau gần 40 năm hoạt động, cuối năm 2015, Công ty Lâm nghiệp Hàm Tân bị “đẩy” về Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận khiến gần 100 công nhân sống bấp bênh. Tréo ngoe là người ký quyết định sáp nhập này là Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương trước khi ông về hưu 14 ngày.

Lao động bất bình

Trong đơn kêu cứu gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng NN&PTNT và báo Tiền Phong tại TPHCM, hàng chục người lao động tại Công ty Lâm nghiệp Hàm Tân bức xúc, bởi trước khi nghỉ hưu 14 ngày, ông Lê Tiến Phương- Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định số 3616 ngày 16/12/2015 sáp nhập Công ty Lâm nghiệp Hàm Tân về Cty Lâm nghiệp Bình Thuận. Đầu tháng 2/2016, Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận ra quyết định thành lập Xí nghiệp Hàm Tân, chính thức “xóa sổ” Công ty Lâm nghiệp Hàm Tân, vốn làm ăn hiệu quả trong gần 40 năm qua.

Một lao động làm việc tại Công ty Lâm nghiệp Hàm Tân, rầu rĩ: “Nhiều năm nay công ty làm ăn rất tốt, lương công nhân luôn ở mức 10-11 triệu đồng/tháng nhưng từ khi sáp nhập, phía Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận chỉ trả chưa tới một nửa”. Trong khi đó, nhiều lao động khác cho rằng tất cả cán bộ nhân viên rất ngỡ ngàng trước quyết định sáp nhập. “Trong quá trình làm đề án sáp nhập họ không thông báo cho cán bộ nhân viên biết để góp ý. Các sở ban ngành cũng không tổ chức họp lấy ý kiến”- lao động nơi đây phản ánh.

Ngày 16/3/2016, Xí nghiệp Hàm Tân tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa đến dự. Buổi triển khai hoạt động sản xuất trở thành nơi để gần 100 lao động tố cáo và khiếu nại về vấn đề “xóa sổ” Công ty Lâm nghiệp Hàm Tân. Ông Hòa hứa sẽ giải quyết vấn đề này nhưng đến nay mọi chuyện vẫn án binh bất động. Báo cáo của công ty này, cho thấy trong năm 2014 đơn vị đạt doanh thu 43 tỉ đồng, lợi nhuận 21 tỉ, nộp ngân sách 6 tỉ đồng, trong khi năm 2015 tăng trưởng 3 lần khi doanh thu đạt 54,5 tỉ đồng, lợi nhuận 22,5 tỉ đồng, nộp ngân sách 17 tỉ đồng nhưng khi sáp nhập đời sống của lao động rất khó khăn.

Làm trái và nghỉ hưu

Việc sáp nhập là trái với chỉ đạo của Chính phủ. Cụ thể: Ngày 16/11/2015, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 2095 gửi UBND tỉnh Bình Thuận, chỉ đạo về “Phương án tổng thể sắp xếp đổi mới Công ty lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh Bình Thuận”. Theo đó, yêu cầu tỉnh này thành lập Cty TNHH hai thành viên trở lên trên cơ sở sắp xếp các Cty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bình Thuận, Hàm Tân và thu hút thêm đối tác bên ngoài theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp. Thủ tướng cũng chỉ đạo chọn đối tác tham gia thành lập Cty TNHH hai thành viên trở lên, yêu cầu đối tác và doanh nghiệp sau khi sắp xếp phải tiếp tục giữ và phát triển thương hiệu, không được đổi tên doanh nghiệp.

Sau đó, ngày 18/1/2016, Bộ NN&PTNT cũng có công văn gửi tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND tỉnh này thực hiện nghiêm túc phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 2/3/2016, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp tục chỉ đạo tỉnh này thực hiện sắp xếp, đổi mới quản lý các công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản gửi tỉnh này ngày 16/11/2015. Tuy nhiên, đến nay những ý kiến phản ánh, cầu cứu của người lao động vẫn chưa được giải quyết, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn im lặng.

Chúng tôi nhiều lần liên lạc với ông Lê Tiến Phương - người ký quyết định sáp nhập khó hiểu này, tuy nhiên không kết nối với ông này được. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hòa - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết việc không mời cán bộ công nhân viên để thông tin, lấy ý kiến trước khi sáp nhập Công ty Lâm nghiệp Hàm Tân về Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận là do lỗi của Sở Nội vụ nên đơn vị này phải rút kinh nghiệm. “Bản thân tôi cũng mới lên giữ chức Phó chủ tịch tỉnh được mấy tháng nên về ý kiến cho rằng chủ tịch tỉnh ký quyết định hợp nhất trước 14 ngày nghỉ hưu, tôi cho rằng còn làm việc ngày nào thì ký ngày đó nhưng chắc có lẽ do ngẫu nhiên. Vấn đề này tôi không có ý kiến” - ông Hòa cho hay.

Ngày 10/4/2016, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã bắt giam ông Ngô Văn Phong (PGĐ Xí nghiệp Lâm nghiệp Hàm Thuận Nam) trực thuộc Cty Lâm nghiệp Bình Thuận về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và Trần Hải Dương, nhân viên BQL rừng phòng hộ Sông Móng-CaPét, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.

Theo điều tra, do thiếu kiểm tra, giám sát của ông Phong nên từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2014, tại các tiểu khu 267, 279, 284 hơn 4.000 cây rừng trên địa giới xã Hàm Cần và Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) do Cty Lâm nghiệp Bình Thuận chịu trách nhiệm quản lý, đã bị Dương thuê người khai thác trái phép với khối lượng gỗ trên 384m3, giá trị gần 800 triệu đồng. Sau khi khai thác, toàn bộ số gỗ củi được vận chuyển về TP Phan Thiết để tiêu thụ.

Theo Mạnh Thắng - Ngọc Lâm

Tiền Phong

Trở lên trên