MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán đầu tiên công bố BCTC quý 4/2023: Lợi nhuận tăng 139%, dư nợ margin hơn 8.500 tỷ đồng

Công ty chứng khoán đầu tiên công bố BCTC quý 4/2023: Lợi nhuận tăng 139%, dư nợ margin hơn 8.500 tỷ đồng

Lãi lớn quý 4 nhưng lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của công ty chứng khoán này chỉ tăng 8% so với năm trước lên hơn 716 tỷ đồng và không hoàn thành kế hoạch đề ra.

CTCP Chứng khoán MB (mã MBS) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý 4/2023 qua đó trở thành cái tên đầu tiên trong nhóm hế lộ số liệu tài chính, kinh doanh quý 4 và luỹ kế cả năm 2023.

Quý 4/2023, MBS ghi nhận tăng trưởng trong hầu hết các mảng nghiệp vụ chính, doanh thu hoạt động đạt gần 540 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 201 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ 2022. Lãi ròng thu về gần 173 tỷ đồng, tăng 139% so với quý 4/2022.

Công ty chứng khoán đầu tiên công bố BCTC quý 4/2023: Lợi nhuận tăng 139%, dư nợ margin hơn 8.500 tỷ đồng - Ảnh 1.

Trong quý 4, lãi từ cho vay và phải thu vẫn là mảng đóng góp lớn nhất với gần 220 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay của MBS lên đến 9.200 tỷ đồng, trong đó cho vay ký quỹ (margin) hơn 8.500 tỷ đồng, tăng hơn 2.100 tỷ (34%) so với cuối quý 3 và gấp 2,4 lần thời điểm đầu năm.

Công ty chứng khoán đầu tiên công bố BCTC quý 4/2023: Lợi nhuận tăng 139%, dư nợ margin hơn 8.500 tỷ đồng - Ảnh 2.

Mảng môi giới của MBS trong quý 4 cũng khởi sắc với doanh thu đạt hơn 171 tỷ đồng, cũng tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 4/2023, MBS xếp thứ 6 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có đảm bảo trên HoSE với 5,21%. Con số này tính chung cả năm 2023 là 5%, xếp thứ 7.

Trong quý 4, MBS tự doanh cũng tương đối hiệu quả. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 16% lên gần 52 tỷ đồng; lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng 52% lên 48,5 tỷ đồng; và lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng đột biến gấp 24 lần lên 30,6 tỷ đồng.

Thời điểm cuối năm 2023, khoản mục FVTPL của MBS có giá trị thị trường gần 1.123 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm, chủ yếu là chứng chỉ tiền gửi (480 tỷ) và trái phiếu niêm yết (510 tỷ đồng). Công ty còn đang có khoản tiền gửi hơn 2.650 tỷ đồng dưới dạng HTM.

Khoản mục AFS tại thời điểm 31/12/2023 chủ yếu là trái phiếu chưa niêm yết (1.037 tỷ đồng) và hơn 106 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi. Trong khi đó, cổ phiếu niêm yết chỉ có giá trị hợp lý hơn 35 tỷ đồng trong khi giá gốc đến gần 118 tỷ đồng. Công ty không thuyết minh cụ thể về khoản mục này.

Công ty chứng khoán đầu tiên công bố BCTC quý 4/2023: Lợi nhuận tăng 139%, dư nợ margin hơn 8.500 tỷ đồng - Ảnh 3.

Tính chung cả năm 2023, MBS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.816 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại tăng 8% so với cùng kỳ năm trước lên hơn 716 tỷ đồng. Dù vậy, công ty chứng khoán này vẫn không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm (900 tỷ đồng).

Hà Linh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên