MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty có vốn 200 tỷ muốn chi 40.000 tỷ thâu tóm cổ phần Lọc dầu Dung Quất

07-11-2017 - 19:18 PM | Doanh nghiệp

Tín Thành Group chỉ có vốn điều lệ 200 tỷ đồng muốn chi hơn 40.000 tỷ đồng để sở hữu 55% vốn của Lọc hoá dầu Bình Sơn...

Thông tin từ Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR, đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất) cho biết, Tập đoàn Tín Thành đã đến thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư trong quá trình cổ phần hoá, bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của nhà máy lọc dầu đầu tiên lớn nhất Việt Nam này.

"Tập đoàn Tín Thành sẽ xem xét mua cổ phần của BSR đến 5% (khoảng 2.000 tỷ đồng) trong năm 2017. Trong vòng 12 tháng sau khi IPO, Tín Thành đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần", BSR cho hay.

Theo quyết định được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký kết, BSR được định giá kỷ lục với 72.879 tỷ đồng, tương ứng khoảng 3,2 tỷ USD. Như vậy, nếu muốn sở hữu 55% cổ phần của BSR, Tín Thành sẽ phải chi ra trê 40.000 tỷ đồng. Đây là một khoản tiền "khủng" không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn có.

Việc Tín Thành công bố tham vọng trở thành cổ đông của nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam với khoản tiền khủng trên khiến giới đầu tư vô cùng sửng sốt, bất ngờ và tò mò về doanh nghiệp này.

Theo tìm hiểu, Tín Thành có trụ sở tại phường 2, quận Tân Bình (Tp.HCM) là một doanh nghiệp tư nhân, kinh doanh, đầu tư nhiều ngành nghề khác nhau nhưng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trước đây doanh nghiệp này có tên gọi là Công ty TNHH Điện hơi Công nghiệp Tín Thành. Ngày 8/9/2017, Công ty đổi tên sang là Tập đoàn Tín Thành (Tín Thành Group).

Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc, người diện theo pháp luật của công ty là ông Trần Đình Quyền.

Ngày 3/1/2017, Tập đoàn đã tăng vốn điều lệ từ 108 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đình Quyền là cổ đông lớn nhất của tập đoàn với tỷ lệ nắm giữ 80% tương ứng 160 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền nắm 20% vốn, tương ứng 40 tỷ.

Với vốn điều lệ chỉ 200 tỷ, Tín Thành tham vọng thâu tóm một doanh nghiệp lớn như BSR, giới đầu tư đang đặt câu hỏi lớn về tính chắc chắn cũng như năng lực tài chính của tập đoàn này.

Theo thông tin từ phía BSR, Tập đoàn Tín Thành sẽ cùng các chuyên gia tiến hành khảo sát chi tiết và đề ra phương án, chương trình hợp tác với BSR trong tháng 11/2017. Đồng thời, Tập đoàn Tín Thành cũng sẽ tham gia vào Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

"Tín Thành sẽ làm đầu mối hợp tác với các nhà máy lọc dầu tại Mỹ và đề xuất chương trình hợp tác về tối ưu hóa và các đề tài nghiên cứu khoa học trước ngày 31/12/2017", BSR cho hay.

Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng 2017, BSR có doanh thu hơn 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5.466 tỷ đồng.

Theo lộ trình giảm thuế thì đến năm 2024, mức thuế nhập khẩu xăng dầu theo các hiệp định tự do thương mại sẽ về 0%. Như vậy, mọi khoảng cách về thuế giữa xăng dầu nội và nhập khẩu khi đó được san phẳng, cuộc cạnh tranh thị phần sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Hiện các sản phẩm của BSR vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải Euro 4.

Theo Bạch Dương

Vneconomy

Trở lên trên