MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty công nghệ của người Việt tại Mỹ và giấc mơ hóa "kỳ lân"

19-07-2016 - 10:00 AM | Doanh nghiệp

Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nhân gốc Việt đã thành lập những công ty công nghệ tại Mỹ và đạt được thành công đáng kể. Tuy nhiên, vẫn chưa có start-up nào đủ lớn để trở thành một unicorn (start-up kỳ lân).

Start-up kỳ lân (unicorn) là cách người ta vẫn gọi những công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên. Trước đây số công ty đạt đến giá trị này chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng hiện nay số lượng các start-up kỳ lân ngày càng tăng lên với tốc độ chóng mặt.

Theo thống kê của hãng CB Insights, thế giới đang có khoảng 169 start-up được xếp vào hàng kỳ lân với tổng giá trị lên đến hơn 600 tỷ USD, riêng Mỹ chiếm đến 97 công ty. Đáng tiếc, trong số gần 100 start-up kỳ lân tại Mỹ vẫn chưa có công ty nào do doanh nhân gốc Việt sáng lập.

Tính cho đến thời điểm này, Dung Tấn Trung là một trong những người Việt khởi nghiệp thành công nhất tại xứ sở cờ hoa. Năm 1985, ông đặt chân đến Mỹ chỉ với 2 USD cùng vốn tiếng Anh ít ỏi.

10 năm sau, ông Trung thành lập công ty On Display chuyên về các phần mềm, giúp các công ty kiểm soát, quản lý công việc kinh doanh qua mạng. Năm 1999, On Display tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và lọt vào Top 10 công ty IPO đạt kỷ lục tại thị trường Mỹ vào thời điểm đó. Năm tháng sau, công ty được chuyển nhượng cho Vignette với giá lên đến 1,8 tỷ USD.

Thành công của Dung Tấn Trung được ca ngợi trên nhiều tờ báo và tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle... Ông cũng vinh dự xuất hiện trong cuốn sách "The American Dream" (Giấc mơ Mỹ) của Dan Rather.

Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nhân gốc Việt đã thành lập những công ty công nghệ tại Mỹ và đạt được những thành công đáng kể. Điển hình như Emotiv System- công ty sở hữu công nghệ đọc não bộ người của Đỗ Hoài Nam và Lê Thị Thái Tần, hãng sản xuất thiết bị đeo theo dõi sức khỏe Misfit của Sonny Vũ hay công ty phần mềm mạng xã hội Katango của Vũ Duy Thức.

Đều là những start-up công nghệ phát triển tốt nhưng cả 3 công ty này vẫn chưa có được sự bứt phá cần thiết để đạt đến mốc 10 chữ số và trở thành start-up kỳ lân.

Misfit là một start-up nổi bật với những dòng thiết bị theo dõi sức khoẻ. Tuy nhiên, hãng cũng gặp phải cạnh tranh gay gắt đến từ các công ty Trung Quốc như Xiaomi, hay mới đây nhất là việc Apple cũng nhảy vào thị trường thiết bị đeo tay thông minh với Apple Watch.

Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Misfit – anh Sonny Vũ cho biết: “Nếu bạn không có thương hiệu thì rất khó sống sót trên thị trường này”. Đó có thể là một trong những lý do khiến Sonny Vũ quyết định bán lại Misfit cho hãng đồng hồ nổi tiếng Fossil Group với giá 260 triệu USD.

Tương tự, Katango cũng được Vũ Duy Thức chuyển nhượng cho Google chỉ sau một năm thành lập.


Arimo (Adatao) đang là start-up công nghệ do người Việt sáng lập được chú ý tại Mỹ

Arimo (Adatao) đang là start-up công nghệ do người Việt sáng lập được chú ý tại Mỹ

Giờ đây, niềm hy vọng của start-up công nghệ Việt tại Mỹ được đặt vào Arimo (hay còn được biết đến với tên gọi Adatao) - công ty do Christopher Cuong Nguyen và Thông Đỗ đồng sáng lập.

Hiện nay, Big Data đang nổi lên như một xu hướng mới trong ngành công nghệ thông tin, giúp phân tích một lượng dữ liệu khổng lồ trên internet. Thế nhưng, các công ty start-up đang hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu hướng đến việc cung cấp giải pháp cho những kỹ sư phần mềm và nhà khoa học chứ chưa chú ý nhiều đến đối tượng là người dùng phổ thông.

Vì vậy, Arimo đã ra đời với mục tiêu cung cấp đầy đủ giải pháp Big Data cho tất cả khách hàng có nhu cầu bao gồm các kỹ sư phần mềm và người dùng phổ thông.

Ngay trong lần đầu tiên “demo” sản phẩm, Arimo đã huy động thành công 13 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư nổi tiếng Andreessen Horowitz.

Ngoài ra, có một start-up công nghệ khác cũng đang được nhiều người chú ý là GotIt!của Trần Việt Hùng. Về cơ bản, sản phẩm của GotIt! giúp người dùng giải đáp các bài tập của mình thông qua smartphone. Khi người dùng đăng tải một câu hỏi nào đó, hệ thống sẽ giúp kết nối với một chuyên gia phù hợp. Chuyên gia này sẽ giúp người dùng tìm ra câu trả lời và giải đáp các thắc mắc của họ. Toàn bộ quá trình này chỉ diễn ra trong vòng 10 phút.

Các chuyên gia của GotIt! có thể đến từ khắp mọi nơi trên thế giới trong đó tập trung nhiều ở Philippines, Ấn Độ, Nam Phi, Đông Âu, Mỹ… Tính đến tháng 10/ 2015, GotIt! là 1 trong 10 ứng dụng về giáo dục được tải về nhiều nhất trên mạng Apple App Store tại Mỹ.

Dẫu biết rằng để chạm đến cột mốc 1 tỷ USD là điều không đơn giản, nhưng với những doanh nhân gốc Việt tài năng, hy vọng về giấc mơ kỳ lân sẽ không phải là quá xa vời

Theo Linh Lam

NDH

Trở lên trên