MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty dầu khí thi nhau đầu tư cho xe điện: 'Gã khổng lồ' Việt vừa bán một thứ ngang giá với V-GREEN

Các công ty dầu khí đang tìm đến xe điện khi nhiên liệu hóa thạch sẽ sớm phải dừng lại.

Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày một xấu đi, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra các cam kết về việc giảm phát thải khí CO2 hoặc thậm chí tiến tới Net Zero - Phát thải ròng bằng 0. Với mục tiêu đó, các quốc gia đã tìm nhiều cách để giảm phụ thuộc và giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch, khiến cho các công ty khai thác năng lượng hóa thạch phải tìm hướng đi mới.

Công ty dầu khí thi nhau đầu tư cho xe điện: 'Gã khổng lồ' Việt vừa bán một thứ ngang giá với V-GREEN- Ảnh 1.

Nhiều công ty dầu khí đang thăm dò đầu tư cho xe điện.

Với riêng ngành dầu khí, nhiều đơn vị đã thử đầu tư vào các ngành liên quan tới xe điện như một chiến lược mới trong thời đại xe xanh. Các công ty đã công bố đầu tư có thể kể tới như Shell, TotalEnergies, BP hay Eni. Các công ty này đều đầu tư về trạm sạc xe điện vì hạng mục này tương đồng với những gì họ đang có - trạm xăng dầu.

Mới đây nhất, Castrol (công ty chuyên về dầu nhớt thuộc BP) đã công bố khoản đầu tư vào một công ty về pin xe điện. Cụ thể, Castrol cho biết sẽ dành tới 50 triệu USD (khoảng 1,252 nghìn tỷ đồng) cho Gogoro - một công ty của Đài Loan (Trung Quốc). 

Khoản đầu tư lớn này sẽ giúp Castrol tìm thêm cơ hội ngoài mảng dầu nhớt của mình, quan trọng hơn là giúp công ty tồn tại nếu như cả thế giới chuyển sang sử dụng xe điện - dòng xe không cần sử dụng dầu nhớt.

Công ty dầu khí thi nhau đầu tư cho xe điện: 'Gã khổng lồ' Việt vừa bán một thứ ngang giá với V-GREEN- Ảnh 2.

Castrol đầu tư 50 triệu USD cho Gogoro.

Gogoro hiện được xem là công ty tiên phong trong lĩnh vực đổi pin xe máy điện, hiện đã vươn tới nhiều quốc gia ở châu Á và đang thăm dò thêm ở khu vực Nam Mỹ. Gogoro hiện cung cấp các mẫu xe máy điện có khả năng hoán đổi pin; tức là khi pin cạn, người dùng có thể tới các trạm của Gogoro và đổi lấy pin đã đầy điện thay vì bỏ ra nhiều giờ đồng hồ sạc.

Đổi pin được xem là phương án rất tiện lợi để loại bỏ điểm yếu quan trọng nhất của xe điện - thời gian chờ sạc. Phương án này sẽ còn trở nên hữu dụng hơn nữa nếu có nhiều mẫu xe cùng có thể sử dụng. Theo Gogoro, hãng đang hợp tác với nhiều thương hiệu lớn như Yamaha hay Yadea; pin tương thích với gần 60 mẫu xe.

Với khoản đầu tư lớn từ Castrol, Gogoro được kỳ vọng có thể mở rộng mạng lưới trạm đổi pin để nhiều hơn nữa người dùng có thể trải nghiệm.

Công ty dầu khí thi nhau đầu tư cho xe điện: 'Gã khổng lồ' Việt vừa bán một thứ ngang giá với V-GREEN- Ảnh 3.

Trạm đổi pin của Gogoro.

Tương tự Castrol, một đơn vị lớn về dầu khí tại Việt Nam cũng đang nghiên cứu về mảng xe điện. Cụ thể, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) vừa xây dựng trạm sạc cho ô tô điện đầu tiên. 

Trạm sạc này nằm trong kế hoạch mở rộng quy mô và hoạt động kinh doanh của công ty; trạm sạc đầu tiên này cũng là trạm sạc thí điểm, là bước đầu quan trọng giúp PV Power có thể đầu tư mạnh hơn để mở rộng mạng lưới trạm của mình.

Công ty dầu khí thi nhau đầu tư cho xe điện: 'Gã khổng lồ' Việt vừa bán một thứ ngang giá với V-GREEN- Ảnh 4.

Ngoài dầu khí, PV Power có tham gia trong lĩnh vực nhiệt điện.

Thời gian trước, PV Power đã cùng với đối tác EN Technologies để nghiên cứu; nay, PV Power đã chính thức đưa trạm sạc ô tô điện đầu tiên của mình vào hoạt động. Trạm sạc đầu tiên của PV Power đặt tại số 6 Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội).

Trạm sạc gồm 2 trụ, tương ứng với 2 đầu sạc, có thể phục vụ cùng lúc 2 xe điện. Theo thông tin được công bố, đây là 2 trụ sạc nhanh với điện ra DC, công suất từ 50 kW đến 60 kW mỗi đầu sạc. Người dùng khi sử dụng trạm sạc có thể thanh quán qua mã QR hiển thị trên màn hình ở trụ.

Công ty dầu khí thi nhau đầu tư cho xe điện: 'Gã khổng lồ' Việt vừa bán một thứ ngang giá với V-GREEN- Ảnh 5.

Trạm sạc thí điểm của PV Power tại Hà Nội.

Về giá điện, PV Power dự tính chia làm 3 mức tính theo các khung giờ (cao điểm, bình thường, và thấp điểm); chi phí khách hàng phải trả sẽ dựa vào mức giá đó và lượng điện sử dụng.

Theo dự kiến, mức giá sạc trung bình của PV Power là 3.858 đồng mỗi kWh. Để dễ hình dung, mức giá trung bình của PV Power tương đương với mức giá của V-GREEN (bộ phận cung cấp trạm sạc tách từ VinFast), nhưng thấp hơn EV One hay EverCharge.

Với trạm sạc này, PV Power kỳ vọng có thể giúp công ty hiểu rõ hơn về lĩnh vực này, từ đó có thể triển khai rộng hơn nữa.

Công ty dầu khí thi nhau đầu tư cho xe điện: 'Gã khổng lồ' Việt vừa bán một thứ ngang giá với V-GREEN- Ảnh 6.

Nhà nước sẽ có biện pháp thúc đẩy giao thông xanh.

Vấn đề về trạm sạc và xe điện được so sánh với câu chuyện con gà và quả trứng. Nhưng khi nhà nước có động thái hỗ trợ cả về xe điện lẫn trạm sạc thì đây sẽ trở thành một lĩnh vực được quan tâm hơn. 

Trong Thông báo số 372/TB-VPCP mà Văn phòng Chính phủ đã ban hành để đưa ra kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương liên quan sẽ cần nghiên cứu để thúc đẩy giao thông xanh tại Việt Nam; trong đó, phương pháp khuyến khích đầu tư trạm sạc hay hỗ trợ để chuyển đổi sang sử dụng xe xanh là một trong những điều được nhắc tới.

Theo Nhật Quỳnh

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên