Công ty Điện tử BHS của ông Nguyễn Tử Quảng giảm vốn từ 10 tỷ đồng còn 1 tỷ đồng trước lùm xùm nợ lương người lao động
Ông Quảng vẫn nắm 98% vốn điều lệ của công ty tương đương 980 triệu đồng.
- 24-01-2024Bkav Pro của ông Nguyễn Từ Quảng: Từ mức giá 2.100 tỷ đồng, vay tiền cho giấc mơ Bphone đến cú trượt về lợi nhuận và nợ khó đòi tại VNDirect
- 25-11-2022Hai Phó chủ tịch "công thần" của Bkav nghỉ việc
- 16-11-2022Bkav “đói” vốn, ông Nguyễn Tử Quảng gọi vốn của fan, hứa trả hơn gấp đôi sau 3 năm
Ngày 5/2/2024, báo Lao động phản ánh thông tin anh Trần Xuân Hoà (SN 1996, quê Hà Tĩnh) cho biết bị CTCP Điện tử BHS nợ lương với tổng số tiền hơn 29 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Trưởng Ban nhân sự, Công ty Cổ phần Điện tử BHS - đại diện công ty có mặt trong buổi hoà giải tranh chấp lao động với anh Hoà vào ngày 31/10/2023. Tại buổi hoà giải, bà Tuyết cho biết, Công ty Cổ phần Điện tử BHS đang gặp nhiều khó khăn nhưng cam kết sẽ trả lương theo tiến độ cụ thể được thỏa thuận giữa 2 bên.
Tuy nhiên sau đó, công ty không thực hiện theo cam kết này. Đến hiện tại, sự việc chưa được CTCP Điện tử BHS lên tiếng trên truyền thông.
CTCP Điện tử BHS (tên viết tắt: BHS Electronic ) - theo giấy đăng ký kinh doanh - được thành lập vào ngày 2/12/2022. Hoạt động kinh doanh chính là sản xuất thiết bị truyền thông. Vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng, do ông Nguyễn Tử Quảng góp 98%, 2 cổ đông còn lại mỗi người góp 1%.
Được biết, từ tháng 7/2023, CTCP Điện tử BHS đã thực hiện giảm vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật đổi từ ông Trần Việt Hải (SN 1986) - Tổng giám đốc sang ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Ông Quảng vẫn nắm 98% vốn điều lệ của công ty tương đương 980 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 5/2022, Bkav truyền thông rộng rãi về việc ra mắt công ty thành viên Bkav Hardware Solution (BHS) , cung cấp dịch vụ nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm điện tử, định hướng hoạt động như một nhà sản xuất ODM, giống mô hình của Foxconn.
Cũng theo giới thiệu từ Bkav, BHS đã giành được chứng nhận tiêu chuẩn thiết kế Golden Design Partner của Qualcomm, một trong những nhà sản xuất chipset lớn nhất thế giới.
BHS cung cấp các giải pháp công nghệ đa lĩnh vực bao gồm các thiết bị di động, sản phẩm AIoT, Automotive, thiết bị mạng... Ngoài ra, BHS phát triển module SOM (System on Module) được đóng gói thành bộ giải pháp, giúp đẩy nhanh tiến độ phát triển thông qua loại bỏ sự phức tạp của thiết kế, cho phép khách hàng tập trung vào sáng tạo giải pháp.
Đến tháng 10/2022, thông qua MXH Facebook, đích thân CEO Bkav – ông Nguyễn Tử Quảng - đã kêu gọi Bfans góp vốn cho BHS với lãi suất 10%/năm. Sau 3 năm, nhà đầu tư được nhận lại tiền gốc và nhận thêm tiền mặt bằng số tiền gốc. Định mức đăng ký là 100 triệu đồng theo hình thức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Theo ông Quảng, BHS mới ký hợp tác với 2 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới là Qualcomm và MediaTek, camera AI View bán được ở Mỹ và bước đầu mở rộng sang thị trường Malaysia, Thái Lan và Singapore.
Do đó, để thúc đẩy và nắm bắt cơ hội thị trường, Bkav có kế hoạch tách các mảng này thành công ty hoạt động độc lập. Việc này cần bổ sung thêm vốn.
Trước đó, vào tháng 5/2021, một thành viên khác của Bkav là Bkav Pro đã huy động 170 tỷ đồng từ kênh trái phiếu. Bkav cho biết nguồn tiền từ phát hành trái phiếu Bkav Pro sẽ được dùng để mở rộng và phát triển camera AI View; đầu tư chuyển đổi số và một phần dành cho phát triển các dòng Bphone giá tốt với mục tiêu phổ cập thị trường và tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng hơn.
Tuy nhiên, BCTC riêng lẻ Q4/2023 của CTCP Chứng khoán VNDirect đã tiết lộ khoản phải thu khó đòi gần 31,6 tỷ đồng (tại ngày 31/12/2023) đối với Bkav Pro.
Về tình hình kinh doanh, từ mức cao kỷ lục của năm 2019 với doanh thu 176 tỷ đồng và lợi nhuận 118 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bkav Pro chỉ lãi sau thuế 4,4 tỷ đồng, giảm hơn 74% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhịp sống thị trường