Công ty mẹ Vinalines (MVN): Năm 2020 dự kiến từ có lãi 51 tỷ đồng sang lỗ 1.025 tỷ đồng
Dự kiến khi Vinalines chuyển sang mô hình CTCP sẽ phải phân bổ, trích lập bổ sung vào KQKD số tiền lên tới 940 tỷ đồng.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty TNHH MTV (UpCOM: MVN) đã công bố bộ tài liệu Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) dự kiến diễn ra vào ngày 8/8.
Dự kiến từ kinh doanh có lãi sang lỗ nặng
Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã giao Vinalines chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 với doanh thu 1.555 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ là 51 tỷ đồng;
Tuy nhiên với đánh giá tác động tiêu cực do dịch Covid – 19 ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải biển, thanh lý các tàu biển; việc phải phân bổ, trích lập các tồn tại về tài sản, công nợ tồn đọng trong giai đoạn DNNN chưa được xử lý lên tới hơn 940 tỷ đồng cũng khiến lợi nhuận dự kiến năm 2020 của Công ty mẹ chuyển từ có lãi sang lỗ lớn.
Cụ thể, công ty mẹ - Vinalines đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.526 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế dự kiến âm 1.024,8 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 8 tháng đầu năm 2020 – thời điểm vẫn hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV lỗ 139,73 tỷ đồng, 4 tháng cuối năm 2020 – thời điểm chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần lỗ 885,11 tỷ đồng.
Theo Vinalines, thời gian từ khi xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm dự kiến TCT chính thức thành CTCP kéo dài gần 4 năm, trong thời gian đó, các biến động về tài sản, công nợ là rất lớn, đặc biệt với TCT các tồn tại về tài sản, công nợ nêu trên đã kéo dài nhiều năm với giá tị lớn, chưa đủ điều kiện loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm trong giai đoạn cổ phần hóa, không được phép trích lập, phân bổ trong giai đoạn chưa chính thức chuyển sang CTCP. Vì vậy, ngay sau khi chuyển sang mô hình CTCP, Tổng công ty phải tiếp tục gánh chịu các tổn thất về tài sản, công nợ trong giai đoạn DNNN chưa được xử lý.
Tổng giá trị các khoản phân bổ, trích lập bổ sung vào KQKD 4 tháng cuối năm 2020 của Vinalines dự kiến là 940,63 tỷ đồng bao gồm:
Tiếp tục thoái vốn, bán tàu
Trong năm nay, Vinalines có kế hoạch thoái, giảm vốn tại 13 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thành viên của Vinalines sẽ giảm tỷ lệ sở hữu, gồm Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) giảm từ 51% xuống 49% (2,8 triệu cổ phần); Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship giảm từ 51% xuống 36% (3 triệu cổ phần); Công ty cổ phần Cảng Cái Lân giảm từ 56,58% xuống 51% (hơn 2 triệu cổ phần); Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao giảm từ 56% xuống 51%.
Cùng với đó, Vinalines cũng sẽ thoái vốn toàn bộ tại 7 doanh nghiệp, gồm Công ty cổ phần Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (49%), Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (26,46%), Công ty cổ phần Hợp tác lao động với nước ngoài (24,9%), Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại hàng hải (12,94%); Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô (48,97%), Công ty cổ phần Vận tải biển và thương mại Phương Đông (49%) và Công ty cổ phần Vinalines Nha Trang (98,34%). Ngoài ra, Vinalines cũng dự kiến thoái 300.000 cổ phần tại Công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa và hơn 47.800 cổ phần tại Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (Petec).
Bên cạnh đó Vinalines cũng sẽ tiến hành thanh lý 5 tàu biển, chủ yếu là các tàu đóng từ năm 1997 đến năm 2009 với giá trị thu về khoảng 175 tỷ đồng.
Nhịp sống kinh tế