MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty Mỹ vẫn "tháo chạy" khỏi Trung Quốc sau bầu cử?

25-10-2020 - 10:31 AM | Tài chính quốc tế

Cả hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden đều muốn tăng cường đầu tư vào hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng nội địa để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Các công ty Mỹ vẫn lên kế hoạch tiếp tục đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc bất kể người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là ông Donald Trump hoặc ông Joe Biden. Đó là nhận định được ông Tim Ryan, Chủ tịch hãng kiểm toán PwC Mỹ, đưa ra với đài CNBC hôm 23-10 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên thế giới.

Theo ông Ryan, vấn đề chuỗi cung ứng ngày càng trở nên quan trọng đối với doanh nghiệp Mỹ do tác động của cả dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. "Covid-19 thật sự khiến người ta chú ý đến rủi ro về chuỗi cung ứng" - ông Ryan nhận định. Cũng theo ông này, những quốc gia có thể hưởng lợi từ làn sóng "tháo chạy" khỏi nền kinh tế thứ hai thế giới là các nước ở Đông Nam Á, Mexico và dĩ nhiên là không thể thiếu Mỹ. Cả hai ứng viên tổng thống Mỹ nói trên đều muốn tăng cường đầu tư vào sản xuất và chuỗi cung ứng nội địa, nhất là chuỗi cung ứng y tế.

Theo kết quả cuộc khảo sát được PwC công bố vào tháng rồi, khoảng 46% trong số 578 quan chức điều hành các công ty Mỹ cho rằng Washington nên tăng cường sản xuất các sản phẩm thiết yếu trong nước để thúc đẩy kinh tế đất nước. Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 khiến dư luận Mỹ quan tâm nhiều đến hoạt động sản xuất thiết bị y tế và nguồn cung dược phẩm bên ngoài đất nước, nhất là khi nhiều công ty phải đóng cửa, khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung thêm trầm trọng.

Ông Terry Lundgren, cựu Giám đốc điều hành hãng bán lẻ Macy’s, nhận định tác động thương chiến và đại dịch Covid-19 cho thấy các nhà bán lẻ đã dựa "quá nhiều" vào hoạt động sản xuất ở Trung Quốc.

 Công ty Mỹ vẫn tháo chạy khỏi Trung Quốc sau bầu cử?  - Ảnh 1.

Cả hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Joe Biden đều cam kết có lập trường cứng rắn với Trung Quốc khi tranh cửẢnh: Reuters

Mặt khác, cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến một số công ty gặp khó trong nỗ lực chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang nước khác để tránh đòn thuế của Mỹ. Giám đốc điều hành Colin Angle của Công ty iRobot (Mỹ) cho biết theo kế hoạch ban đầu, công ty hy vọng chuyển sản xuất sang Malaysia vào cuối năm nay. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã đẩy thời gian biểu này sang năm tới.

Cuộc khảo sát của PwC cũng nhận thấy gần 30% người được hỏi dự báo các biện pháp hạn chế thương mại nhằm vào Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh cho dù cuộc đua vào Nhà Trắng có kết quả ra sao. Dự báo này càng có cơ sở sau khi ông Matt Pottinger, Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, hôm 23-10 nói về trọng tâm của chương trình nghị sự của nhà lãnh đạo này nếu ông tái đắc cử. Cụ thể, Tổng thống Trump sẽ ưu tiên tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc của phương Tây vào chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Theo ông Pottinger, Mỹ sẽ làm việc chặt chẽ với các đồng minh để bảo đảm chúng tôi không quá phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng xuất phát từ một quốc gia. Quan chức này nói thêm rằng di sản chính sách đối ngoại lớn nhất của Tổng thống Trump cho đến giờ là dẫn đầu sự đồng thuận về sự cần thiết phải đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo báo Sydney Morning Herald (Úc), cả ông Trump và đối thủ Biden đều cam kết có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh khi tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Đáng chú ý, ứng viên Đảng Dân chủ không ít lần chỉ trích mạnh mẽ ông Trump vì không có phản ứng đủ mạnh với Trung Quốc khi dịch Covid-19 mới bùng phát. Còn tại cuộc tranh luận tổng thống ở TP Nashville hôm 22-3, ông Biden nhấn mạnh sẽ làm việc với các đồng minh của Mỹ để buộc Trung Quốc "chơi theo luật quốc tế".

Nối lại thử nghiệm vắc-xin Covid-19 tại Mỹ

Các thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của hai công ty dược phẩm AstraZeneca (Anh) và Johnson & Johnson (Mỹ) đã được phép tiếp tục ở Mỹ sau khi tạm ngưng do vấn đề an toàn. Theo báo The New York Times hôm 23-10, hai công ty trên thông báo việc một vài tình nguyện viên mắc bệnh nghiêm trọng khi tham gia thử nghiệm "dường như không liên quan vắc-xin Covid-19 họ sử dụng". Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã bật đèn xanh cho AstraZeneca nối lại hoạt động thử nghiệm sau 6 tuần tạm ngưng, đồng thời kết luận không có bằng chứng cho thấy vắc-xin Covid-19 của công ty này trực tiếp gây ra phản ứng phụ về thần kinh ở hai tình nguyện viên.

Trong khi đó, hoạt động thử nghiệm của hãng Johnson & Johnson bị tạm ngưng 11 ngày liên quan tới một tình nguyện viên gặp "vấn đề y tế nghiêm trọng". Công ty bắt đầu thử nghiệm vắc-xin Covid-19 giai đoạn 3 đối với 60.000 tình nguyện viên hồi tháng 9. Đến hôm 12-10, Johnson & Johnson thông báo tạm ngưng thử nghiệm.

Thông tin tích cực nói trên được đăng tải giữa lúc tình hình Covid-19 ở Mỹ tiếp tục có diễn biến đáng lo. Số liệu của Trường ĐH Johns Hopkins cho thấy Mỹ ghi nhận ít nhất 80.005 ca mắc Covid-19 mới hôm 23-10, con số cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Kỷ lục trước đó là 77.362 ca mới/ngày (hôm 16-7). Ngoài ra, ít nhất 8 bang thông báo số trường hợp nhập viện vì Covid-19 tăng cao kỷ lục hôm 22-10.

Trong khi đó, châu Á hôm 24-10 trở thành khu vực thứ hai có số ca mắc Covid-19 vượt quá 10 triệu, chỉ sau châu Mỹ Latin. Theo Reuters, châu Á hiện chiếm khoảng 1/4 tổng số ca nhiễm và 14% tổng số ca tử vong Covid-19 của thế giới.

Theo Phạm Nghĩa

NLĐ

Trở lên trên