Công ty tài chính kỳ vọng phục hồi mạnh trong quý 4/2021
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh nhưng FE CREDIT đã có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kỳ vọng khả năng phục hồi trong quý 4.
Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) mới công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021 với giá trị giải ngân đạt 10.300 tỷ đồng đồng thời doanh số giảm so với cùng kỳ.
Theo lý giải của FE CREDIT, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các chỉ thị giãn cách nghiêm ngặt trên diện rộng tại 19 tỉnh miền Nam và nhiều tỉnh thành có các khu công nghiệp lớn như TP HCM, Bình dương Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương (vốn là các thị trường trọng điểm của mảng tài chính tiêu dùng)…đã khiến doanh số cũng như cho vay mới giảm sút. Đồng thời, công ty đã chủ động hạn chế việc giải ngân để đảm bảo sự an toàn cho khách hàng và nhân viên.
Khoản phải thu ròng cuối cùng (ENR) giảm nhẹ xuống 62.300 tỷ đồng, theo đó thu nhập từ hoạt động kinh doanh trong quý 3 đạt 3.100 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ. Được biết, trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều khách hàng của các công ty tài chính là F1, F0 hoặc trong khu vực giãn cách không giao tiếp được với các công ty để làm thủ tục. Đa phần các điểm giới thiệu dịch vụ đều phải duy trì số lượng tối thiểu cán bộ nhân viên (làm việc luân phiên hoặc 3 tại chỗ) và/hoặc tạm thời đóng cửa. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm cũng như thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu... Những yếu tố này theo đại diện các công ty tài chính, vừa tác động lớn đến doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.
Tuy vậy, hoạt động kinh doanh của FE CREDIT vẫn ghi nhận một số điểm tích cực khi thu nhập khác đạt 832 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ. Đây là hiệu quả của việc tái cơ cấu danh mục đầu tư của công ty, cho thấy sự thay đổi linh hoạt và phù hợp trong giai đoạn Covid-19 kéo dài. Đồng thời là dấu hiệu tích cực cho hoạt động thu hồi nợ ngay sau khi các lệnh hạn chế di chuyển bị gỡ bỏ.
Bên cạnh đó, chi phí hoạt động (OPEX) giảm từ 1.200 tỷ đồng xuống 1.100 tỷ đồng đến từ việc tối ưu hóa chi phí nhờ đẩy mạnh đầu tư công nghệ.
Tổng kết 9 tháng đầu năm 2021, FE CREDIT ghi nhận thu nhập từ hoạt động kinh doanh (TOI) đạt 11.900 tỷ đồng, thu nhập lãi thuần (NIM) đạt 24,2%. OPEX chỉ ở mức, 3.400 tỷ đồng, giảm 13% theo đó chi phí trên thu nhập (CIR) giảm xuống 28,4%. Sau khi trừ đi các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 900 tỷ đồng.
Tính tại thời điểm 30/09/2021, vốn điều lệ của công ty tăng lên gần 11.000 tỷ đồng, đảm bảo sức khỏe tài chính cũng như thanh khoản. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của FE CREDIT cải thiện đáng kể lên mức 21,6%.
Với những khó khăn đã qua cùng sự linh hoạt, thích ứng an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, thời gian tới, FE CREDIT tiếp tục khai khác tiềm năng của 12 triệu khách hàng thông qua các sản phẩm không tốn phí, cung cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng ngay trên các nền tảng công nghệ. Đồng thời, công ty dự kiến triển khai các chiến lược thu hồi nợ phù hợp với từng phân khúc khách hàng khác nhau và tập trung thanh lý danh mục đầu tư đã tái cơ cấu để tối ưu hóa khả năng thanh khoản.
Theo nhận định của công ty chứng khoán, mặc dù FE CREDIT đang trải qua giai đoạn khó khăn khi đẩy mạnh xóa nợ xấu và lợi nhuận kém tích cực trong năm 2021 nhưng khả năng phục hồi manh được kỳ vọng trong năm 2022.
Mới đây, ngày 28/10, SMBC đã hoàn tất mua 49% vốn của FE CREDIT từ VPBank và chính thức chuyển đổi hình thức pháp lý trở thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Đây được xem là cơ hội giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn rẻ từ Nhật bản từ đó cải thiện chi phí vốn, NIM, lợi nhuận và khả năng sinh lời.
Ông Kalidas Ghose - CEO FE CREDIT cho biết Ban lãnh đạo kỳ vọng, việc hợp tác với tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản sẽ mang lại sự cộng hưởng mạnh mẽ cho hai bên đồng thời là cơ hội giúp FE CREDIT thâm nhập vào doanh nghiệp Nhật Bản, mở rộng tệp khách hàng. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ Covid-19 nhưng FE CREDIT đã có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng để hồi phục và sẵn sàng tăng tốc từ quý 4/2021.