MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty Trung Quốc đua nhau niêm yết tại Hồng Kông trước phiên IPO 'khủng' của Ant Group

Các doanh nghiệp e ngại thanh khoản thị trường có thể bị rút cạn sau phiên IPO kỷ lục của Ant Group đang gấp rút triển khai để sớm thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Hồng Kông đang chuẩn bị cho ít nhất ba đợt chào bán cổ phiếu thứ cấp từ các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ nhằm huy động tổng cộng 3 tỷ USD trong 10 ngày tới, trước khi thanh khoản bị hút bởi đợt IPO 30 tỷ USD của Ant Group đầu tháng 10.

Công ty chuyển phát ZTO Express đã đệ trình một bản cáo bạch bán 45 triệu cổ phiếu, mục tiêu huy động 1,6 tỷ USD; nhà bán lẻ trực tuyến Baozum đặt mục tiêu khoảng 500 triệu USD; trong khi đó, công ty công nghệ sinh học Zai Lab cũng muốn thu về khoảng 1 tỷ USD. Cả ba đều chuẩn bị mở đăng ký đấu giá trong tuần tới, Bloomberg cho biết.

Công ty thứ tư, nhà điều hành khách sạn Huazhu Group đã định giá chào bán thứ cấp giảm 2,1% so với giá đóng cửa trên sàn Nasdaq, để huy động khoảng 785 triệu USD.

"Các đợt chào bán gần đây cho thấy sự thèm muốn của các nhà đầu tư vẫn còn nguyên vẹn, chúng tôi nên làm tốt hơn bây giờ để có thể tạo được sự chú ý, trước khi Ant Group ra mắt", một nguồn tin liên quan đến các đợt chào bán cho biết.

Phiên IPO của Ant Group, một đơn vị của Alibaba đang trở thành thương vụ chào bán lớn nhất thế giới dự kiến sẽ mở đăng ký tại Hồng Kông và trên thị trường STAR (kiểu như Nasdaq của Thượng Hải) vào đầu tháng 10.

Các cuộc khảo sát sơ bộ với nhà đầu tư hầu hết đều cảm thấy thoải mái với mức định giá 250 tỷ USD. Một số nhà đầu tư ban đầu khả năng sẽ bán cổ phần của họ tại Hồng Kông.

Việc chào bán của Ant Group được thiết lập để thu hút các nhà đầu tư mong muốn có được cổ phần trong công ty fintech có giá trị nhất thế giới. Ngoài việc thống trị thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc, công ty đã liên kết với các đối tác trên khắp Châu Á và phát triển trung tâm dịch vụ tài chính ảo từ cho vay ngang hàng, hợp đồng bảo hiểm cho đến đặt chỗ du lịch.

Ant đã không IPO ở New York trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, bao gồm cả việc chính quyền Mỹ chuyển các công ty Trung Quốc ra khỏi các sàn giao dịch Mỹ nếu họ không cho cấp quản lý quyền truy cập vào hồ sơ tài chính được kiểm toán.

Các công ty Trung Quốc đã từ chối công khai sổ sách cho các nhà quản lý Mỹ, viện dẫn luật trong nước cấm truy cập với lý do có thể chứa bí mật quốc gia.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, bốn công ty gồm Alibaba, nhà bán lẻ trực tuyến JD.com, nhà phát triển trò chơi NetEase và Yum China, nhà điều hành KFC tại đại lục đã huy động được hơn 20 tỷ USD tại Hồng Kông.

Thêm 35 công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ, bao gồm công cụ tìm kiếm Baidu, đủ điều kiện niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông.

Đông A

Nikkei

Trở lên trên