Công ty vô danh của Trung Quốc đi trước hàng chục năm, chiếm thế độc quyền trong lĩnh vực quan trọng bậc nhất, phương Tây khó lòng bắt kịp
Trên thị trường các khoáng sản chủ chốt vốn đã rất phân mảnh, những công ty như Vital đã ẩn mình trong một thời gian dài.
Đầu năm 2020, công ty Vital Materials của Trung Quốc đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi bỏ ra tới 600 triệu USD để tích trữ 1 lượng lớn các khoáng sản chủ chốt.
Cho đến thời điểm hiện tại tức hơn 3 năm sau, kể cả một số người trong ngành thậm chí còn chưa từng nghe đến cái tên Vital Materials dù công ty đã có tầm ảnh hưởng nhất định. Đây là ví dụ điển hình cho những thách thức mà các đối thủ phải đối mặt khi muốn giảm bớt vai trò của Trung Quốc trên thị trường ngày càng quan trọng này.
Mỹ và châu Âu đang chạy đua với thời gian để đảm bảo nguồn cung các khoáng sản siêu quan trọng với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Nhưng Trung Quốc hiện đang kiểm soát quá nhiều kim loại, từ lithium và cobalt được sử dụng để làm pin xe điện cho đến đất hiếm để làm các turbine gió.
Vital chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường selenium, tellurium, indium và bismuth (những kim loại được sử dụng trong các công nghệ năng lượng mặt trời, tivi màn hình phẳng và dược phẩm). Đối với gallium và germanium, những kim loại có thể được tìm thấy trong màn hình điện thoại cảm ứng, vệ tinh và các con chip cao cấp, Vital đứng thứ 3.
Không giống như đất hiếm, thị trường mà Trung Quốc cũng chiếm ngôi vương, các khoáng sản kể trên thuộc nhóm kim loại phụ có sản lượng rất nhỏ và khó có thể tìm thấy trong tự nhiên. Thay vào đó, chúng là phụ phẩm xuất hiện trong quá trình luyện các kim loại cơ bản như kẽm hay nhôm và thường được gửi trở lại các công ty Trung Quốc để tinh chế.
Theo phân tích của EU, Trung Quốc tinh chế tới 94% lượng gallium và 83% lượng germanium trên toàn thế giới. Như vậy mức độ kiểm soát nguồn cung còn lớn hơn cả đối với lithium và cobalt, nơi Trung Quốc kiểm soát khoảng 60%.
Vital không tự khai thác các kim loại phụ mà có khoảng hơn 20 cơ sở tinh chế trên toàn thế giới. Theo Olimpia Pilch, CEO của Critical Minerals International Alliance (London), nếu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, việc đầu tiên phải làm là hãy nhìn cách hoạt động của những công ty như Vital.
Trên thị trường các khoáng sản chủ chốt vốn đã rất phân mảnh, những công ty như Vital đã ẩn mình trong một thời gian dài. Theo các nguồn tin thân cận, sự thành công và lớn mạnh của Vital có công lớn của nhà sáng lập Zhu Shihui, người được biết đến với tên gọi George Zhu ở bên ngoài Trung Quốc. Doanh nhân 56 tuổi này sẵn sàng chấp nhận rủi ro trên thị trường có mức độ biến động rất mạnh như các kim loại phụ, và điều đó khiến các đối thủ ở châu Âu hay Mỹ khó có thể bắt chước.
Từ tháng 10/2019 đến tháng 1/2020, Vital tích cực thu mua các kim loại đặc biệt quan trọng đối với ngành điện tử từ 1 sàn giao dịch hàng hóa của Trung Quốc có tên Fanya . Sàn này đã sụp đổ vì bê bối tài chính. Vital đã “dọn dẹp” lượng hàng tồn kho khổng lồ đáng nhẽ sẽ tràn ra thị trường toàn cầu, nhưng đồng thời thương vụ cũng giúp công ty tạo ra 1 tấm đệm chống đỡ với các cú sốc nguồn cung.
“Chúng tôi coi nguồn hàng từ Fanya là “kho báu nổi độc nhất vô nhị” mang đến những công cụ để ổn định chuỗi cung ứng và kiểm soát rủi ro biến động”, Zhu từng nói trong 1 cuộc phỏng vấn. Ông cho rằng đó là sức mạnh độc nhất mà Vital có được trong những ngành chiến lược vốn rất nhạy cảm với chi phí.
Canh bạc của Vital
Zhu lập ra Vital năm 1995. Trước đó ông làm việc cho chi nhánh tại Quảng Đông của tập đoàn Nhật Bản Sumitomo, chuyên trách hoạt động giao dịch selenium. Ở thời điểm đó kim loại này chủ yếu được sử dụng trong công nghệ sản xuất kính và luyện kim. Các đơn hàng bắt đầu bùng nổ trong giai đoạn Trung Quốc công nghiệp hóa.
Trong nhiều thập kỷ sau đó, giá selenium không có nhiều biến động. Tuy nhiên, đầu những năm 2000, các nhà máy luyện kim của Trung Quốc không bắt kịp nhu cầu và giá bắt đầu tăng vọt. Giá các kim loại phụ khác như indium và gallium cũng tăng mạnh nhờ sự phát triển của các công nghệ mới như TV màn hình phẳng và bóng đèn led.
Khi Vital bắt đầu tiến ra nước ngoài cũng là lúc giá bắt đầu biến động mạnh vì các công ty luyện kim chạy đua tăng sản lượng. Biến động là rủi ro lớn đối với những công ty như Vital, nhưng đó cũng là cơ hội đổi đời. Tăng tích trữ khi giá thấp sẽ mang lại phần thưởng khổng lồ nếu trong tương lai xảy ra tình trạng thiếu hụt. Và chính những biến động thời kỳ đầu những năm 2000 thôi thúc Zhu đẩy mạnh củng cố chuỗi cung ứng.
Ông thuyết phục các nhà sản xuất đồng trên toàn cầu chuyển tellurium và selenium cho mình, lấy gallium từ các công ty nhôm và indium từ các công ty sản xuất kẽm. Riêng nguồn cung germanium có thể được đảm bảo từ ngành than nội địa.
Mới đây Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu 2 kim loại phụ quan trọng, thổi bùng lên cuộc chạy đua tìm kiếm nguồn cung gallium và germanium tại Mỹ, Congo và nhiều nơi khác. Các công ty của Mỹ và châu Âu sẽ phải chú ý nhiều hơn đến những sản phẩm phụ trong quá trình luyện kim. Chính phủ các nước phương Tây đã cam kết sẽ hỗ trợ họ, nhưng để làm được như Trung Quốc sẽ rất tốn kém và rủi ro.
Không chỉ có lợi thế về quy mô, Vital còn sở hữu công nghệ tinh chế tân tiến nhất. Đối với các kim loại phụ, để được sử dụng trong các thiết bị công nghệ cao thì độ tinh khiết phải đủ cao. Chỉ thiếu một chút cũng có thể làm hỏng toàn bộ quá trình sản xuất. Vital đã có nhiều năm đầu tư vào R&D và làm việc chặt chẽ với các khách hàng để tạo ra danh mục hàng trăm sản phẩm chất lượng cao.
Ngoài phòng thí nghiệm, dây chuyền sản xuất và chỗ ở cho công nhân, Zhu còn thành lập 1 trung tâm nghiên cứu có tiêu chuẩn ngang đại học và mời những nhà nghiên cứu giỏi nhất trong ngành về đào tạo nhân viên.
Hiện Vital có hơn 6.000 nhân viên làm việc tại 16 nhà máy ở Trung Quốc và một số cơ sở ở nước ngoài. Ngoài ra có 2.000 người khác làm việc tại 8 dự án đang xây dựng ở Trung Quốc. Doanh thu đạt 2,3 tỷ USD trong năm ngoái, đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 10 đến 30%.
Tham khảo Bloomberg
Nhịp sống thị trường