MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Công xưởng của thế giới" đang "khát" nhân công

08-03-2019 - 11:25 AM | Tài chính quốc tế

Từng được mệnh danh là công xưởng của thế giới, các nhà máy của Trung Quốc đang phải nỗ lực để thuê đủ công nhân làm việc trong các dây chuyền sản xuất dù đất nước này có hơn 1,3 tỷ dân.

Quốc gia đông dân nhất thế giới thiếu lao động

Ở Trung Quốc, cuộc chiến thương mại của ông Donald Trump dường như có ít tác động đến thị trường lao động hơn là sự hấp dẫn của các công việc khác, vốn được coi là dễ dàng, thu nhập cao trong ngành dịch vụ đang bùng nổ ở quốc gia này.

Tại một nhà máy ở thành phố Đông Quan, người quản lý nói rằng năm vừa qua là một năm tuyển người khó nhất trong 2 thập kỷ. Một công ty điện tử bên cạnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi đang thiết hụt trầm trọng nhân viên đóng gói sản phẩm. Người ta đang cố gắng lấp đầy công nhân cho các dây chuyền bằng việc tăng lương. Những người giới thiệu được nhân sự mới cũng sẽ được thưởng hay thậm chí là tìm đến từng ngôi làng để chiêu mộ nhân công.

Thông qua 20 cuộc phỏng vấn với 20 quản lý nhà máy ở thành phố miền Nam Trung Quốc, Bloomberg nhận thấy mùa tuyển dụng đang trở nên bận rộn hơn sau tết Nguyên đán, cho thấy thị trường lao động ở quốc gia này vẫn rất đông đảo dù kinh tế suy thoái.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt này báo hiệu một số áp lực đối với lĩnh vực sản xuất Trung Quốc, vốn đang phải vật lộn với thuế quan của ông Trump. Việc tăng lương nhân công sẽ làm yếu đi lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc với các quốc gia đang lên khác trong khu vực như Việt Nam và Campuchia.

Wu Huaquan, nhà tuyển dụng tại Công ty Điện tử Dongguan Sumida – chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho điện thoại di động, cho biết: "Giao hàng va thực phẩm trọn gói và việc bán hàng trên mạng đã khiến rất nhiều công nhân bỏ việc. Những lĩnh vực này đang tạo ra những cú sốc lớn cho các nhà máy ở Trung Quốc".

Trong bối cảnh thuế quan của Mỹ đang có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí là có thể được hủy bỏ, việc thiếu hụt công nhân đẩy các nhà máy ở Trung Quốc vào một sự bế tắc khác.

Tỷ lệ thất nghiệp chính thức hầu như không giảm dù kinh tế Trung Quốc suy thoái. Nó dao động ở khoảng 5% trong suốt năm 2018. Sự tăng trưởng trong lĩnh vực ngoài sản xuất góp phần không nhỏ cho con số lạc quan này.

"Chúng tôi không nhìn thấy bất cứ sự chững lại nào trên toàn Trung Quốc. Khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc và nhu cầu thuê nhân công chậm lại, bạn có thể nhìn thấy sự tăng trưởng chậm lại với tiền lương, nhưng không thực sự cần thiết phải dẫn đến việc cắt giảm hoặc sa thải hàng loạt nhân công", Helen Qiao, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Bank of America Corp., nhận định.

Áp lực gia tăng từ cuộc chiến thương mại đã giúp làm nổi bật những thách thức mà các quản lý nhà máy ở Đông Quan, cách Hồng Kông khoảng 90 phút lái xe, phải đối mặt. Các nhà máy có lợi nhuận cao có thể chọn biện pháp nâng lương trong khi các nhà máy có biên lợi nhuận thấp hơn đối mặt với nguy cơ đóng cửa hoặc tái cơ cấu. Họ sẽ phải kiểm tra khả năng phần còn lại của nền kinh tế để có thể tuyển mộ những lao động bị sa thải vào làm việc.

Bùng nổ trực tuyến

Các dịch vụ mua sắm và giao hàng trực tuyến ở Trung Quốc đã bùng nổ trong những năm gần đây, với ngày càng nhiều người cần giao thực phẩm và hàng hóa cho các công ty như Alibaba Group Holding Ltd và Meituan Dianping. Chỉ riêng lĩnh vực chuyển phát nhanh đã có tới hơn 1 triệu người lao động trong năm 2017.

Sản xuất nói chung đang chịu áp lực, dù là ở Trung Quốc hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Chỉ sô PMI trong sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 50, cho thấy sự co lại kể từ tháng 11.

Cuộc săn lùng nhân công

Wu Huaquan đã thuê khoảng 500 công nhân vào mùa xuân năm nay bằng việc tăng lương lên 9% so với năm ngoái. "Điều này tiêu tốn hàng triệu tệ mỗi tháng nhưng nhiều doanh nghiệp khác không đủ sức chạy theo. Các nhà máy khác ghét cúng tôi vì chúng tôi lấy mất nhân công của họ", Wu nói.

Tuy nhiên, Wu không phải người duy nhất dùng chiêu thức này. Nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất tăng lương 10-20% nhằm thu hút người lao động. Nếu không, họ buộc phải đi tới những nơi có giá nhân công rẻ hơn. Việc chịu khó lặn lội tới các vùng xa xôi có vẻ hiệu quả hơn là chờ người ta đến công ứng tuyển. Ông Peng, chủ có sở đồ chơi Yingfeng Plastic & Electronics Products, chọn cách làm việc với các quan chức địa phương để nhờ tuyển mộ nhân công.

Ngược lại, vẫn có những doanh nghiệp không thể chạy theo việc tăng lương bởi biên lợi nhuận của họ quá mỏng. Khi nguy cơ không thể tồn tại hiện hữu, nhiều người tính đến việc chuyển dịch sang các khu vực khác, có chi phí nhân công thấp hơn ở châu Á.

Sau khi "chảy máu" nhiều công nhân vào năm ngoái, Hongding Leather Goods không thể lấp đầy các dây chuyền sản xuất vào mùa xuân năm nay. Việc chuyển đi đã được nhiều doanh nghiệp tính đến, điều khiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuần này phải ban hành chính sách mới, trong đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại cũng như ổ định việc làm. Tuy nhiên, với Zhang Guojun, chủ của Hongding Leather Goods, chính sách có thể đến hơi muộn.

Trên thực tế, công ty đang xây dựng một nhà máy ở Campuchia và tuyển dụng 2.000 công nhân từ tháng 9 năm ngoái. "Chúng tôi không cần lo về thuế ở đó trong khi nhân công không quá đắt đỏ", Zhang nói.

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên