MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Covid-19 bùng phát lại, doanh nghiệp BĐS "tăng sức đề kháng" trong bối cảnh sống chung với dịch

07-08-2020 - 10:08 AM | Bất động sản

Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường, để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tìm cách thích nghi, sống chung với đại dịch.

Để hiểu rõ hơn về tác động của dịch Covid-19 và những ứng biến của doanh nghiệp BĐS trong bối cảnh sống chung với dịch, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Huy Giang - TGĐ Công ty BV Land (thuộc Tập đoàn Bách Việt).

Thưa ông, hiện nay dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ông đánh giá tác động thế nào của dịch bệnh đến thị trường bất động sản tại Việt Nam?

Hơn 3 tháng vừa qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid trong cộng đồng, Tập đoàn Bách Việt (BV Group) cũng như các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản quý III, quý IV/2020 sẽ có những dấu hiệu phục hồi tích cực hơn so với quý I và quý II/2020. Thực tế, thị trường bất động sản đã có những tín hiệu rất tốt từ đầu quý III/2020. Thế nhưng, hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại đã có những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến bất động sản nói riêng và các ngành nghề khác nói chung.

Thị trường bất động sản theo từng loại hình sản phẩm sẽ có những mức độ ảnh hưởng khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, bất động sản nghỉ dưỡng, kinh doanh mặt bằng cho thuê sẽ là những loại hình sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi Covid-19 bùng phát trở lại. Trong khi đó, loại hình đất nền và căn hộ chung cư vẫn là sản phẩm có "sức đề kháng" cao giữa tâm dịch.

Nhiều dự án căn hộ chung cư và đất nền đã chứng minh được "sức sống" mạnh mẽ. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân liên tục tăng cao cộng thêm sức mua bị nén quá lâu bởi đợt dịch trước. Mặt khác do ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đang thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Chính vì vậy, các dự án đã hiện hữu, có pháp lý minh bạch sẽ được các khách hàng, nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn.

Có ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 như là một "phép thử" đối với các doanh nghiệp BĐS, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Không chỉ riêng doanh nghiệp bất động sản mà ở hầu hết ngành nghề kinh doanh, dịch bệnh Covid-19 sẽ là "phép thử" liều cao "sức đề kháng" của các doanh nghiệp. Những khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh Covid sẽ phản ánh thực tế về năng lực tài chính, năng lực quản trị và sự nhanh nhạy trong việc xử lý khủng hoảng của các doanh nghiệp.

Khi gặp phải các tổn thất về tài chính do tác động của dịch bệnh lên thị trường bất động sản, nếu có chiến lược và năng lực quản trị tốt, các doanh nghiệp có thể biến nguy thành cơ bằng cách thực hiện các kế hoạch điều chỉnh tiến độ dự án, danh mục đầu tư; bán cắt lỗ; tận dụng dòng tiền nhàn rỗi mua lại những doanh nghiệp, dự án yếu kém; cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết... Bên cạnh đó, đưa ra các kịch bản ứng phó theo từng trường hợp cụ thể để sẵn sàng vận hành doanh nghiệp ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường hồi phục.

Các doanh nghiệp có đủ sự nhanh nhạy, sức bền và chiến lược cân đối tài chính, nhân lực tốt sẽ vượt qua giai đoạn khủng hoảng, bứt phá vươn lên. Ngược lại, các doanh nghiệp thiếu định hướng và giải pháp phù hợp có thể sẽ phải tạm dừng hoạt động, thậm chí phá sản nếu dịch bệnh Covid kéo dài.

Hiện vẫn chưa thể biết khi nào dịch bệnh kết thúc, việc "sống chung với dịch" của các doanh nghiệp BĐS sẽ là điều khó tránh khỏi. Theo ông, những giải pháp thích ứng cần có là gì?

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản cần phải rà soát toàn bộ các danh mục dự án đầu tư, điều chỉnh lại chiến lược phát triển. Từ đó đưa ra các thị trường mục tiêu mà doanh nghiệp sẽ quyết định dừng, giãn tiến độ, bán hay tiếp tục thực hiện dự án phụ thuộc vào tình hình tài chính của từng doanh nghiệp.

Đối với các dự án tiếp tục triển khai thực hiện: Doanh nghiệp cần tận dụng triệt để các gói tài chính hỗ trợ của Chính phủ, xây dựng chính sách bán hàng thanh toán linh hoạt, đa dạng phù hợp với nhu cầu của quý khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp.

Đối với những dự án có tính thanh khoản không cao, doanh nghiệp cần tập trung hoàn thiện hồ sơ pháp lý, xây dựng các gói tài chính sẵn sàng xây dựng khi thị trường bắt đầu ổn định trở lại.

Song song với đó, các biện pháp kích cầu cũng cần được triển khai qua các kênh bán hàng, đẩy mạnh công tác maketing, quảng cáo, nhằm thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của khách hàng mục tiêu.

Thưa ông, đối với Tập đoàn Bách Việt (BV Group), công ty đã lên kế hoạch sống chung với dịch như thế nào?

Đối với Tập đoàn Bách Việt, trải qua cuộc chiến chống Covid-19 lần thứ nhất đã có một phần kinh nghiệm để ứng phó với dịch bệnh và điều chỉnh các chính sách, chiến lược phù hợp với thị trường.

Giữ vững tuyên ngôn "bền chí vững tâm", Tập đoàn Bách Việt luôn kiên định với tiêu chí "Chất lượng tốt nhất, giá thành hợp lý nhất và mục tiêu phát triển bền vững", xem đây là kim chỉ nam để vượt qua những khó khăn từ dịch bệnh Covid-19.

Với hai dự án khu đô thị Bách Việt Lake Garden và chung cư Bách Việt Areca Garden đang triển khai, chúng tôi đã điều chỉnh lại chính sách bán hàng, xây dựng các gói tài chính hỗ trợ khách hàng tối đa. Bên cạnh đó điều chỉnh lại nhân sự, quản trị doanh nghiệp chặt chẽ, tiết kiệm và vận hành thông minh, linh hoạt.

Ngoài ra, Tập đoàn Bách Việt cũng đánh giá thị trường mục tiêu và triển khai các danh mục đầu tư phù hợp, điều chỉnh tiến độ đầu tư, đảm bảo sản phẩm được đưa ra thị trường liên tục, đáp ứng yêu cầu khắt khe của quý khách hàng trong thời điểm xã hội đang gánh chịu những hệ quả nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn Bách Việt giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn đến 2030.

Xin cảm ơn ông!

Tuấn Minh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên