Covid-19: Cú hích lớn cho mua sắm trực tuyến
Trong giai đoạn 2016 – 2020, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng tích cực lên tới 30% mỗi năm, theo số liệu của Bộ Công thương. Việt Nam đang phấn đấu để đạt tới con số 55% dân số tham gia hoạt động mua sắm trực tuyến và doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử đạt 35 tỷ USD vào năm 2025, theo kế hoạch tổng thể vừa được phê duyệt hồi đầu năm.
- 27-07-2020Thủ tướng: Xử lý bình tĩnh, kiên quyết; xét xử nghiêm minh việc nhập cảnh trái phép và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép
- 27-07-2020Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Làm cho Việt Nam hùng cường là cách tốt nhất tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống
Ngụ tại quận Long Biên, Hà Nội, bà Võ Thị Thu, 71 tuổi vừa trải nghiệm lần mua sắm trực tuyến lần đầu tiên trong đời. Với sự giúp đỡ của con gái, bà đã đặt mua một chiếc máy làm mì sợi trên mạng.
"Tôi đã rất háo hức chờ đợi món hàng đầu tiên của mình được chuyển đến. Lẽ ra tôi nên mua sắm trực tuyến từ sớm hơn, việc này thật tiện lợi", bà chia sẻ.
Khác với bà Thu, chị Phạm Thị Hoa, 28 tuổi, đã quen với việc mua hàng online. Tuy nhiên, thay vì chỉ hướng đến các mặt hàng mỹ phẩm như trước đây, chị bắt đầu đặt thêm các loại thực phẩm tươi sống.
"Tôi không cần phải đến tận các cửa hàng để sắm nhu yếu phẩm nữa", chị chia sẻ với vẻ hài lòng bởi đã có nhiều thời gian hơn để làm việc nhà vào mỗi cuối tuần.
Chị Hoa đã quyết định mua sắm các loại thực phẩm tươi như trứng, cá, rau và trái cây thông qua các ứng dụng trực tuyến lần đầu tiên vào đầu tháng 3, thời điểm xã hội đang phải thực hiện giãn cách bởi dịch bệnh. Trước đó, chị chỉ tin dùng sử dụng các loại thực phẩm được tự tay chọn lựa vì sự an toàn và chất lượng.
"Nhưng chỉ sau vài lần thử nghiệm, tôi rất hài lòng vì chất lượng hàng hóa đã đáp ứng được tới 90% so với kỳ vọng", chị nhận xét.
Chị Hoa và bà Thu chỉ là vài ví dụ trong số hàng ngàn người tiêu dùng tại Việt Nam đã có những thay đổi trong hành vi mua sắm thường ngày của mình. Các chỉ thị giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh được ban hành vào tháng 3 và tháng 4 đã đem tới nhiều thách thức buộc các doanh nghiệp phải tự điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và phân phối để thích nghi với tình hình mới.
Đại dịch được coi là cú hích giúp đẩy nhanh sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, với một lượng lớn người dùng chuyển sang hình thức mua bán trực tuyến.
Một cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos đã cho thấy rằng người tiêu dùng Việt Nam đã gặp phải nhiều hạn chế trong việc mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng truyền thống. Khoảng 30% số người tham gia khảo sát cho biết họ cũng ít mua sắm thường xuyên hơn tại các siêu thị, trong khi đó lại ưu tiên các nền tảng thương mại điện tử hoặc dịch vụ giao đồ ăn tại nhà.
Theo Tổng cục Thống kê, mua sắm trực tuyến đã trở nên ngày một phổ biến trong nửa đầu năm 2020. Bất chấp tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế, doanh thu bán lẻ của các doanh nghiệp trên cả nước đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó mặt hàng thực phẩm và các đồ dùng liên quan có mức tăng cao nhất, lên tới 7%.
Nhận thấy xu hướng mới trong hành vi của người tiêu dùng, nhiều thương hiệu bán lẻ đã nhanh chóng điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình. Họ tập trung nhiều hơn ở các kênh bán hàng trực tuyến và tìm hiểu thêm những chiến lược mới để tiếp cận và thu hút thêm khách hàng.
Nhiều siêu thị đã tiến hành cung cấp thêm các dịch vụ phục mua sắm trực tuyến, đặc biệt là qua các ứng dụng điện thoại. Các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay Tiki đã triển khai các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi thường xuyên hơn.
Về phía các công ty công nghệ, nhiều giải pháp mới đã được giới thiệu để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ví dụ như Grab đã giới thiệu một dịch vụ mới có tên "Trợ lý Grab". Dịch vụ này sẽ giúp kết nối khách hàng với một tài xế ở gần đó trong việc hỗ trợ họ mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi. Sau đó hàng hóa theo yêu cầu sẽ được giao tới khách hàng trong khoảng một giờ đồng hồ.
Covid-19 không chỉ là một dịp "thử nghiệm" mà còn là động lực lớn giúp các hoạt động thương mại điện tử nở rộ và phát triển.
Theo trích dẫn từ số liệu thống kê, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến lần đầu tăng khoảng 40% trong thời gian diễn ra đại dịch. Ông cũng đưa ra dự báo rằng quy mô thị trường sẽ mở rộng lên khoảng 13 đến 15 tỷ USD trong năm nay.
Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển quy mô của thị trường, cũng như sự tin tưởng từ phía khách hàng. Hầu hết trong số đó sẽ cố gắng duy trì việc làm cho đội ngũ nhân viên và rất có thể mở nhiều đợt tuyển dụng hơn trong nửa cuối năm 2020, một khảo sát gần đây của VECOM cho biết thêm.