CPI bình quân 9 tháng tăng 3,85%, chủ yếu do "lợn đẩy"
Theo Tổng cục thống kê, CPI 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế và mặt hàng đồ uống, thuốc lá, may mặc.
- 29-09-2020Kinh tế quý III tăng trưởng 2,62%, thấp nhất thập kỷ nhưng top đầu thế giới
- 29-09-2020Hai điểm đặc biệt của Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ 3
- 29-09-2020Ngành du lịch mong ngóng gói hỗ trợ để giữ chân người lao động
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước. Có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI tháng Chín tăng so với tháng trước, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với 2,08% (dịch vụ giáo dục tăng 2,29%) làm CPI chung tăng 0,12% do trong tháng có 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí cho năm học mới 2020-2021 và giá các mặt hàng sách vở, đồ dùng học tập tăng.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,62%, chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 3,23% (làm CPI chung tăng 0,11%) và giá gas tăng 0,52%. Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,1% do nhu cầu sắm sửa quần áo và giày dép cho năm học mới; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,05%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá giảm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,31%, trong đó lương thực tăng 0,53% do giá gạo tăng 0,71%; thực phẩm giảm 0,59%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,2% do nhu cầu du lịch của người dân giảm khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại; nhóm giao thông giảm 0,12%; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình giảm 0,06%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
Tính chung quý III/2020, CPI tăng 0,92% so với quý trước và tăng 3,18% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 11,47% so với cùng kỳ năm trước; giáo dục tăng 3,52%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,51%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,36%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,11%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,67%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,56%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,48%. Có 3 nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là giao thông giảm 13,39%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,65%; bưu chính viễn thông giảm 0,54%.
CPI tháng 9/2020 tăng 0,01% so với tháng 12/2019 và tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2019. CPI bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
CPI 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
(i) Giá các mặt hàng lương thực tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,15%);
(ii) Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 14,31% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 3,05%), trong đó riêng giá thịt lợn tăng 70,55% (làm CPI chung tăng 2,39%);
(iii) Giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,43% do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu về mặt hàng này ở mức cao;
(iv) Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao, lần lượt tăng 1,58% và 0,73% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 9 tháng năm 2020:
(i) Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 22,12% (làm CPI chung giảm 0,8%); giá dầu hỏa giảm 30,1%; giá gas trong nước giảm 1,68%;
(ii) Nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 2,13% so với cùng kỳ năm trước; giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, máy bay giảm;
(iii) Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 như gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng nên giá điện tháng 5 và tháng 6 năm nay giảm lần lượt là 0,28% và 2,72% so với tháng trước;
(iv) Các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bảo đảm cân đối cung cầu và ổn định thị trường.
Lạm phát cơ bản tháng 9/2020 giảm 0,02% so với tháng trước và tăng 1,97% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 2,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.