CQĐT kết luận cựu Chủ tịch Vimedimex đã đọc lại biên bản hỏi cung, ký xác nhận
Bà Nguyễn Thị Loan bị cáo buộc chỉ đạo thuộc cấp chuẩn bị hồ sơ tham gia đấu giá; bỏ giá theo vòng để công "sân sau" trúng đấu giá 20,2 triệu đồng/m2 lô đất ở thôn Cổ Dương (huyện Đông Anh), sau đó bán giá 86,3 triệu đồng/m2. Hành vi này gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 135 tỷ đồng.
- 08-08-2024Ngày mai, cựu Chủ tịch Vimedimex hầu tòa vụ đấu giá đất ở Đông Anh
- 22-04-2024Xét xử cựu Chủ tịch Vimedimex: Tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung
- 19-04-2024Viện kiểm sát nói gì việc cựu Chủ tịch Vimedimex 'tố' 20 bút lục bị làm giả?
Cựu Chủ tịch Vimedimex đọc lại biên bản hỏi cung, ký xác nhận
Như Tiền Phong đưa tin, phiên xét xử bị cáo Nguyễn Thị Loan (cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex) cùng nhóm đồng phạm đã tạm hoãn, HĐXX TAND TP Hà Nội cho hay, sẽ tái mở vào ngày 30/8 tới đây.
Trước đó, hồi tháng 4, phiên tòa mở song tòa trả hồ sơ yêu cầu cơ quan tố tụng giám định chữ ký của bị cáo Nguyễn Thị Loan và xác minh tài liệu liên quan đến điều tra viên Bùi Đức Hiếu; xem xét lại hành vi, tội danh của bị cáo Trần Công Tuyên; xem xét trách nhiệm đối với một số cán bộ cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản; xem xét đánh giá cơ sở ban hành chứng thư thẩm định giá của Công ty VNG; xem xét lại hành vi, tội danh của bị cáo Bùi Thanh Huyền và Nguyễn Thị Cẩm Lê.
Đến tháng 6/2024, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội ban hành kết luận điều tra bổ sung thể hiện, bị cáo Nguyễn Thị Loan khai không liên quan đến việc tham gia đấu giá khu đất phía đông nam thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh) nên không sai phạm gì.
Kết luận điều tra bổ sung cũng xác định, các điều tra viên Nguyễn Quốc Dũng, Bùi Đức Hiếu và Tạ Biên Cương, tiến hành lấy lời khai, hỏi cung bị cáo Loan.
Ngoài ra, kết luận bổ sung cho thấy, cơ quan điều tra còn làm việc với 4 luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Vương Nguyễn Associates và Văn phòng luật sư Trưởng Long Giang, kết quả, cả 4 luật sư đều xác nhận có tham gia trong các buổi hỏi cung bị cáo Loan, chữ ký, chữ viết dưới mục người bào chữa tại các biên bản hỏi cung ngày 18/11/2021; biên bản hỏi cung ngày 26/11/2021; biên bản hỏi cung bị can ngày 27/12/2021, là chữ viết, chữ ký của các luật sư. "Sau khi hỏi cung, bị cáo Loan đọc lại biên bản hỏi cung và ký xác nhận", kết luận nêu.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được và kết quả làm việc với các luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Loan trong giai đoạn điều tra, cơ quan CSĐT Công an Hà Nội xác định, các biên bản lấy lời khai và biên bản hỏi cung do điều tra viên thực hiện 'không bị cắt ghép'.
Liên quan đến yêu cầu xác minh tại Công ty TNHH thẩm định giá VNG Việt Nam, kết luận bổ sung cho rằng, ngày 28/1/2022, VNG Việt Nam ký hợp đồng với Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Hà Nội về việc thẩm định giá khu đất 16.182,19m2 tại phía đông nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh. Công ty khảo sát giá tại các khu đất gần dự án, quá trình khảo sát Công ty lập phiếu khảo sát, ghi âm người được phỏng vấn, chụp ảnh các tài liệu so sánh.
Nội dung khảo sát và phỏng vấn, VNG Việt Nam đã cung cấp cho Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Hà Nội. Quá trình thẩm định giá đất khu đất phía đông nam thôn Cổ Dương, công ty thực hiện khách quan, đúng luật.
Về yêu cầu điều tra bổ sung với 3 bị cáo: Nguyễn Thị Cẩm Lê; Bùi Thanh Huyền; Trần Công Tuyên, cơ quan điều tra xác nhận họ không thay đổi lời khai. Do đó, giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố tội danh của 3 bị cáo.
Sau khi có kết luận bổ sung, Viện KSND TP Hà Nội đánh giá nội dung đầy đủ, rõ ràng và giữ nguyên quan điểm truy tố.
Cựu nữ chủ tịch Vimedimex chỉ đạo thuộc cấp móc ngoặc 'dìm' giá đất
Theo cáo trạng, năm 2020, UBND huyện Đông Anh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện được giao nhiệm vụ tổ chức triển khai đấu giá đất. UBND Hà Nội cũng ra quyết định giao 49.100 m2 đất tại thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương cho huyện Đông Anh thực hiện dự án. Trong đó 16.100 m2 đất được đưa ra để đấu giá quyền sử dụng đất làm nhà ở.
Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Trần Công Tuyên, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng huyện, "móc nối" với Công ty CP thẩm định giá và đầu tư Hà Nội (Vvai) xác định khu đất giá trị 504 tỷ đồng và yêu cầu hạ giá đất xuống khoảng 300 tỷ đồng.
Các bị cáo Nguyễn Thị Cẩm Lê, khi đó là cán bộ Chi cục quản lý đất đai Hà Nội đã không kiểm tra kỹ hồ sơ, không kiểm tra lại tài sản để so sánh nên đã chấp nhận giá mà Vvai đưa ra; còn Bùi Thanh Huyền, chi cục phó quản lý đất đai, không kiểm tra nên dẫn đến giá khởi điểm để đấu giá chỉ ở mức 17,6 triệu đồng/m2, thấp hơn thực tế.
Đối với Nguyễn Thị Loan, bị cáo chỉ đạo thuộc cấp chuẩn bị hồ sơ, "móc nối" với các đơn vị để 3 công ty của bà Loan đủ điều kiện tham gia đấu giá.
Để đảm bảo chắc chắn trúng đấu giá với giá thấp, bị cáo tiếp tục chỉ đạo cấp dưới bỏ giá theo cách thức: Vòng trả giá thứ nhất, cả ba công ty đều đưa giá bằng giá khởi điểm 18,2 triệu đồng/m2; vòng 2 và 3, đều trả giá 19,2 triệu đồng/m2 và 20,2 triệu đồng/m2; đến vòng thứ 4, cả ba công ty không trả nữa, để đơn vị đấu giá tổ chức bốc thăm chọn công ty trúng đấu giá.
Đúng kế hoạch này, Công ty Cổ phần phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm - một trong 3 công ty "sân sau" của bà Loan trúng đấu giá 20,2 triệu đồng/m2, tổng giá trị khu đất là 326,8 tỷ đồng.
Ngày 30/12/2020, công ty này nộp đủ tiền, được UBND huyện Đông Anh bàn giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Sau đó, bà Loan bán với giá 86,3 triệu đồng/m2. Hành vi của bà Loan gây thiệt hại ngân sách 135 tỷ đồng.
Tiền Phong