CTCK: Hòa Phát bước vào chu kỳ lợi nhuận mới, tận dụng cơ hội "gom" cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn
SSI kỳ vọng lợi nhuận của Hòa Phát sẽ tăng hơn 30%/năm trong giai đoạn 2025-2027 nhờ việc khởi công dự án Dung Quất 2 vào năm 2025-2026 giúp sản lượng tiêu thụ HRC tăng.
Năm 2023, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu, giảm 16%. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 85% kế hoạch năm nhưng chỉ bằng 1/5 so với mức kỷ lục đạt được năm 2021.
Trong đó, mặc dù thị phần thép xây dựng của HPG trong cả năm 2023 đi ngang ở mức 34,7%, nhưng tính riêng thị phần quý 4/2023 đã tăng lên mức cao kỷ lục là 38,3%. Ngoài ra, nếu không tính đến kênh xuất khẩu, thị phần của HPG tại thị trường nội địa tăng từ 30,8% trong năm 2022 lên 32,5% trong năm 2023 do sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất khác giảm.
Mảng HRC cũng đánh dấu sản lượng tiêu thụ đạt mức cao kỷ lục với 804 nghìn tấn, tăng 36% svck và 5% so với quý trước. Đồng thời, giá thép HRC và thép xây dựng bình quân tăng từ 5- 7% svck trong quý 4, giúp bù đắp cho mức tăng của quặng sắt và than cốc.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán SSI dự phóng Hòa Phát đang bước vào chu kỳ lợi nhuận mới với kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi trong năm 2024, đặc biệt ở thị trường trong nước. Sản lượng tiêu thụ của thép thành phẩm ở các khu vực có thể phục hồi hơn 6%, trong đó mức tiêu thụ trong nước dự kiến tăng trưởng 7%. Theo SSI Research, mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ từ sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản cũng như nhu cầu thép thế giới dự kiến tăng.
Ngoài ra, xuất khẩu thép Trung Quốc dự kiến giảm trong năm 2024 so với mức nền cao trong năm 2023, từ đó hỗ trợ giá thép xuất khẩu của Việt Nam. Theo Viện Nghiên cứu và Quy hoạch công nghiệp luyện kim Trung Quốc, nhu cầu thép ở Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 1,7% trong năm 2024 sau khi giảm 3,3% trong năm 2023. Tuy nhiên, SSI Research giữ quan điểm giá thép sẽ khó tăng mạnh trong năm nay vì sự phục hồi của thị trường bất động sản Trung Quốc có thể sẽ vẫn chậm, và việc tăng giá thép tăng có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Trung Quốc quay trở lại.
Ở khía cạnh khác, giá quặng sắt tăng có thể khiến chi phí sản xuất cao hơn trong quý 1/2024, nhưng SSI cho rằng điều này sẽ chỉ tác động trong thời gian ngắn. Áp lực từ chi phí nguyên liệu cao sẽ giảm dần trong dài hạn khi tác động của việc tích trữ giảm dần cùng với sự sụt giảm sản lượng thép Trung Quốc và nguồn cung quặng sắt dự kiến sẽ ổn định.
SSI Research duy trì dự báo lợi nhuận ròng HPG năm 2024 ở mức 11,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 64,5% so với năm 2023, nhờ sự phục hồi cả về sản lượng tiêu thụ và giá thép. SSI giả định rằng sản lượng thép xây dựng và HRC của Hòa Phát trong năm 2024 sẽ lần lượt đạt 4,5 triệu tấn (tăng 18%) và 3 triệu tấn (tăng 8%). Ngoài ra, giá thép xây dựng và HRC bình quân được giả định sẽ tăng 3% so với mức tăng bình quân là 5% đối với quặng sắt và giá than. Do đó, kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của HPG sẽ cải thiện lên 14,1%.
Về dài hạn, SSI kỳ vọng lợi nhuận của công ty sẽ tăng hơn 30%/năm trong giai đoạn 2025-2027 nhờ việc khởi công dự án Dung Quất 2 vào năm 2025-2026, điều này sẽ giúp sản lượng tiêu thụ HRC tăng hơn gấp đôi từ 2,8 triệu tấn trong năm 2023 lên 7,5 triệu tấn vào năm 2027. Sự thiếu hụt nguồn cung trong nước hiện tại khoảng 4-5 triệu tấn/năm, cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu gần đây sẽ giúp Hòa Phát đẩy mạnh phân khúc HRC sau khi dự án đi vào hoạt động.
SSI duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HPG. Do giá cổ phiếu mới chỉ phản ánh một phần triển vọng lợi nhuận năm 2024, nhà đầu tư có thể chờ các nhịp điều chỉnh để mua vào cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn với việc giá thép đã chạm đáy và kỳ vọng sự đóng góp của dự án Dung Quất mở rộng từ năm 2025.
An ninh Tiền tệ