MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCK nhận định thị trường 12/04: Tâm điểm bất ổn chính trị tại Trung Đông

Kênh xu hướng tăng giá của chỉ số vẫn chưa bị phá vỡ và nhiều khả năng đây chỉ là nhịp điều mang tính chất kỹ thuật và có yếu tố tâm lý.

CTCK Nhất Việt: Thị trường giảm mang tính chất điều chỉnh kỹ thuật và có yếu tố tâm lý

Thị trường chứng khoán bất ngờ có phiên lao dốc mạnh với số mã giảm điểm áp đảo số mã tăng. Ngân hàng, bất động sản và chứng khoán tăng mạnh nhất thời gian qua cũng là nhóm chịu áp lực giảm mạnh nhất phiên như: VCB, ACB, MBS, SSI, VIC, CEO… Nhóm cổ phiếu "thoái vốn Nhà nước" không còn nhận được sự chú ý của nhà đầu tư như giai đoạn trước và chịu cảnh thoái trào như: VGC, DVN, TVN, BSR,…Ở chiều ngược lại là nỗ lực đi ngược dòng của một số cổ phiếu nhóm dầu khí nhờ giá dầu thô thế giới tăng như: PVD, PVS; và nhóm cổ phiếu thủy sản với thông tin giá trị xuất khẩu tăng vọt như: VHC, ANV. Khối ngoại tiếp tục giao dịch khá "trồi sụt" như diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ thời gian gần đây khi sau 2 phiên mua ròng trước đó đã quay đầu bán ròng trong phiên hôm nay. Khối này bán ròng 290 tỷ trên Hsx tập trung tại: VIC, VCB, VJC, NVL…

Câu chuyện "siết margin" của Ủy ban chứng khoán lại được hâm nóng, cùng với việc các "cá mập" lên tiếng cảnh báo về thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn nhạy cảm khiến cho nhà đầu tư thận trọng. Tuy nhiên nguyên nhân khiến lực bán gia tăng có lẽ đến nhiều từ căng thẳng địa chính trị tại Syria leo thang (do giới đầu tư vốn rất nhạy cảm với thông tin kiểu này). Việc thị trường chứng khoán Việt Nam đặc biệt là chỉ số Vn-index liên tục lập đỉnh mới cộng với những thông tin bất lợi trên khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn và chuyển sang trạng thái phòng thủ bằng việc bán ra cổ phiếu. 

Dù vậy kênh xu hướng tăng giá của chỉ số vẫn chưa bị phá vỡ và nhiều khả năng đây chỉ là nhịp điều mang tính chất kỹ thuật và có yếu tố tâm lý. Quá trình giảm được dự báo không kéo dài, phụ thuộc vào tình hình thế giới và sẽ kết thúc khi tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa. Nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn, hạn chế sử dụng đòn bẩy cao thời điểm hiện tại. Điểm mua "lướt sóng" sẽ đến khi cổ phiếu tốt bị bán quá đà và ‘thông tin xấu" bớt xấu hơn.

CTCK Rồng Việt: Ưu tiên bảo vệ thành quả trong giai đoạn nhạy cảm này

Những bất ổn địa chính trị tại Trung Đông tiếp tục là tâm điểm khi Donald Trump lần thứ 2 cáo buộc Chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, Syria trong vòng hơn 1 năm qua. Mỹ và các nước đồng minh cảnh báo sẽ tiến hành tấn công Syria trong vòng 72 giờ. Điều này đang khiến cho sự căng thẳng chính trị giữa Nga và các nước phương tây ngày càng leo thang.

Thị trường chứng khoán Việt Nam, đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng và xuất hiện những lo ngại về "căng thẳng margin", đã phản ứng khá mạnh khi VNIndex giảm 2,6%, đóng cửa ở mức 1167.1. Độ rộng thị trường cũng rất kém khi có đến 219 mã giảm, áp đảo hoàn toàn 77 mã tăng.

Nhìn lại ảnh hưởng từ căng thẳng kinh tế - chính trị thế giới đến Việt Nam thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy xu hướng tăng dài hạn của thị trường là khá vững. Giai đoạn giữa tháng Tư năm 2017, thời điểm Mỹ đánh bom Afganistan sau khi nã tên lửa vào Syria, ghi nhận VNIndex giảm điểm hơn 3% trong 4 phiên liên tiếp. Nhưng sau đó, thị trường nhanh chóng phục hồi và tiếp tục tăng mạnh trong những tháng sau đó. Hay gần đây nhất là phiên ngày 23/03, đứng trước nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, VNIndex "bốc hơi" gần như toàn bộ thành quả trong vòng một tuần, nhưng sau đó cũng nhanh chóng quay lại đường đua và chinh phục đỉnh lịch sử 1.170.

Như đã đề cập trước đó trong Báo cáo chiến lược tháng 4, bất ổn chính trị là một trong hai rủi ro đáng quan ngại nhất đối với bức tranh kinh tế toàn cầu trong 12 tháng tới. Thị trường chứng khoán cũng đã trải qua giai đoạn tăng khá nóng, và do đó mức độ rủi ro cũng đang ở mức cao. Mặc dù vẫn tin tưởng vào xu hướng tăng trưởng dài hạn của thị trường, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên bảo vệ thành quả trong giai đoạn nhạy cảm này.

CTCK VCBS: Cần có chiến lược quản trị rủi ro hợp lý

Xu hướng tăng điểm đã có phần suy yếu trước áp lực chốt lời ngắn hạn ở nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn của nhà đầu tư. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng dòng tiền trên thị trường vẫn là tương đối dồi dào và đang tìm kiếm các cơ hội mới để giải ngân, nhất là trong những nhịp điều chỉnh của thị trường.

Chúng tôi vẫn duy trì nhìn nhận tích cực về triển vọng tăng trưởng trong dài hạn của thị trường, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần có chiến lược quản trị rủi ro hợp lý trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt là theo sát sự vận động của dòng tiền để có thể chốt lời ngắn hạn bảo vệ thành quả đầu tư hoặc kịp thời điều chỉnh tỷ trọng các cổ phiếu trong danh mục về mức hợp lý.

CTCK VPBS: Thị trường sẽ còn chịu áp lực điều chỉnh một vài phiên nữa

Áp lực bán tiếp tục tăng mạnh trong phiên hôm qua nhưng với quy mô lớn hơn và sức lan tỏa mạnh hơn khi hình thành cả đợt bán tháo mạnh cuối phiên cuốn đi hết thành quả nỗ lực của gần 3 tuần trước đó. Như vậy, cục diện thị trường đã chính thức thay đổi khi mà bên bán giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát trong ngắn hạn và xu hướng ngắn hạn chuyển sang trạng thái điều chỉnh giảm. Bối cảnh bất ổn liên tục và kéo dài ở thị trường thế giới trong suốt thời gian vừa qua có lẽ đã làm nhà đầu tư phải chùn tay và thay đổi sự kỳ vọng.

Bên cạnh đó, diễn biến tăng lãi suất của Fed và nhiều ngân hàng trung ương lớn cũng ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại khiến khối này liên tục bán ròng trong thời gian qua. Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ còn chịu áp lực điều chỉnh một vài phiên nữa trước khi tìm lại điểm cân bằng mới.

Nhật Sự

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên