MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTD: Thị giá nỗ lực phục hồi từ đáy, quyết định mua lại 86.300 cổ phiếu quỹ không qua sàn

Khác với dự kiến công bố trước đó thực hiện trên HoSE, Coteccons (CTD) thay đổi phương thức giao dịch không qua sàn.

Xây dựng Coteccons (CTD) vừa đính chính kế hoạch đăng ký mua lại 86.300 cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, mục đích nhằm thu hồi ESOP của cán bộ công nhân viên nghỉ việc. Khác với dự kiến công bố trước đó thực hiện trên HoSE, CTD thay đổi phương thức giao dịch không qua sàn.

Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 22/8 đến 18/9/2019; nguyên tắc xác định giá:

+ 70.000 đồng/cp - đối với đơn vị phát hành cho CBCNV năm 2016;

+ 40.000 đồng/cp - đối với đơn vị phát hành cho CBCNV năm 2017;

+ 56.000 đồng/cp - đối với đơn vị phát hành cho CBCNV năm 2018;

Hiện, tổng số cổ phiếu quỹ CTD nắm gần 2,9 triệu đơn vị; tổng mức vốn kinh doanh tại thời điểm 31/12/2018 trên BCTC hợp nhất soát xét đạt 16.823 tỷ đồng tài sản và 7.962,5 tỷ vốn chủ; Công ty dự trích nguồn tiền từ thặng dư vốn cổ phần để thực hiện giao dịch trên.

Trên thị trường, cổ phiếu CTD đang "nỗ lực" hồi phục vài phiên gần đây, sau đợt rớt giá liên tục. Hiện, cổ phiếu CTD đang giao dịch tại mức 97.100 đồng/cp, tăng gần 6% so với mức đáy đầu tháng 9.

CTD: Thị giá nỗ lực phục hồi từ đáy, quyết định mua lại 86.300 cổ phiếu quỹ không qua sàn - Ảnh 1.

Đi cùng với đà loa dốc, cổ phiếu CTD liên tục được "sang tay". Đáng chú ý, Korean Investment Management Co., Ltd giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty từ mức 10,31% về 2,05% chính thức không còn là cổ đông lớn, tương đương bán ra hơn 6,3 triệu cổ phần CTD.

Trong diễn biến ngược lại, The8th Ple. Ltd - quỹ ngoại Singapore - đã mua 7,84 triệu cổ phiếu CTD và tăng sở hữu 10,8% vốn (tương đương nắm giữ hơn 8,3 triệu cổ phiếu). Theo đó, The8th Ple. Ltd trở thành cổ đông lớn thứ 4 tại Coteccons.

Mặt khác, cá nhân là ông Turumbayev Talgat - Thành viên HĐQT - có đăng ký mua vào 700.000 cổ phiếu CTD nhưng bất thành do diễn biến giá chưa thuận lợi. Theo đó, vị này vẫn tiếp tục duy trì mức nắm giữ hiện tại là 1,6 triệu cổ phiếu CTD.

Nói về CTD, Công ty hiện là doanh nghiệp đầu ngành xây dựng, có thể tham gia các gói thầu lớn và là một trong số rất ít tổng thầu xây dựng có khả năng giữ backlog ở mức 1 tỷ USD để đảm bảo nguồn công ăn việc làm trong tương lai.

CTD không có nợ vay ngắn và dài hạn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lành mạnh. Lợi thế này cho phép CTD trả cổ tức tiền mặt đều đặn hàng năm (5.000 đồng/cp).

Tuy nhiên, câu chuyện mâu thuẫn nội bộ giữa HĐQT dẫn tới rủi ro quản trị doanh nghiệp; đỉnh điểm kế hoạch sáp nhập với Ricons (CTD sở hữu 15%) bất thành khiến cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn. Minh chứng là đà sụt giảm dài đằng đẵng thời gian qua, đến hiện tại rủi ro trên vẫn hiện hữu tại đơn vị này, giới quan sát cho biết.

Về hoạt động kinh doanh, doanh thu CTD 6 tháng đầu năm 2019 giảm 20% so với cùng kỳ, LNST giảm 56%; nguyên nhân do 30% số lượng dự án mà CTD tham gia bị ngưng/chậm tiến độ, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cập nhật đến tháng 5/2019.

Không những vậy, biên lợi nhuận Công ty cũng trong đà giảm do cạnh tranh và thương lượng giá từ các chủ đầu tư. Hiện, CTD đang nỗ lực đa dạng hoá để giảm phụ thuộc vào thị trường nhà ở trong bối cảnh nguồn cung BĐS siết chặt, nhóm Coteccons (bao gồm cả Ricons) tích cực mở rộng sang xây dựng TTTM, nhà xưởng, resort & khách sạn.

Trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm qua, đóng góp của mảng xây dựng nhà ở giảm nhẹ. Tuy nhiên, mức tăng từ xây dựng TTTM, KS & resort không thể bù đắp cho sự thiếu hụt doanh thu.

CTD: Thị giá nỗ lực phục hồi từ đáy, quyết định mua lại 86.300 cổ phiếu quỹ không qua sàn - Ảnh 3.

Cơ cấu doanh thu CTD 6 tháng đầu năm. Nguồn: VDSC tổng hợp.

Về thị trường xây dựng, 6 tháng đầu năm nay tốc độ tăng trưởng giá trị giảm về 7,9%, ảnh hưởng trực tiếp lên tốc độ tăng trưởng doanh thu của các nhà thầu xây dựng, ghi nhận bởi VDSC. Trong đó, xây dựng dân dụng là tiểu ngành bị ảnh hưởng lớn nhất do một loạt dự án lớn ở các đô thị bị hoãn hoặc chậm tiến độ.

Dự báo nửa cuối năm, thị trường có tiềm năng khả quan hơn cho tiểu ngành xây dựng dân dụng khi giải quyết được vấn đề tiến độ tại các dự án ở nội thành; đơn cử việc Tp.HCM đang thúc đẩy tháo gỡ khó khăn ở một loạt các dự án chậm triển khai, tăng trưởng dân số và sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu.

Ngoài tra liên quan đến việc Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân hơn 420.000 tỷ năm 2019, trong đó mới chỉ hoàn thành 32% và như vậy động lực giải ngân trong nửa còn lại của năm là rất lớn. Làn sóng chuyển dịch sản xuất sang khu vực Đông Nam Á đang giúp các nhà thầu xây dựng có uy tín có thêm công ăn việc làm, đồng thời vốn FDI đăng ký đạt 35,8 USD trong năm 2018 cũng là nhân tố quan trọng đối với hoạt động xây dựng trong năm 2019-2020.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên