MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTIN: Covid-19 vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 10%, mở rộng doanh thu từ Viettel và các dự án công

Năm 2020, CTIN đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất tối thiểu 2.547 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2019). Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tối thiểu đạt 98,74 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2019).

CTCP Viễn thông – Tin học bưu điện (CTIN – mã ICT) thông báo tổ chức họp đại hội cổ đông vào ngày 19/6/2020 tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, số 2 Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Báo cáo của HĐQT cho thấy năm 2019 tổng doanh thu hợp nhất của công ty đạt 2.295 tỷ đồng, giảm 5,6% so với năm trước và chỉ hoàn thành gần 86% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 89 tỷ đồng, giảm 3,4% so với 2018, toàn thành 88% kế hoạch năm. Tỷ lệ trả cổ tức 15% bằng tiền mặt.

Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2019 đạt 13,67%, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu tại ngày 31/12/2019 đạt 21.125 đồng/cp. Tổng tài sản đạt 2.196 tỷ đồng, giá trị hàng tồn kho giảm 266 tỷ đồng trong năm, tiền mặt tăng tại thời điểm cuối năm do công ty hoàn thiện các dự án đúng tiến độ.

Năm 2019, CTIN có cơ hội đột phá thành công vào thị trường Viettel (CTIN là công ty liên kết của VNPT), mặc dù doanh thu từ thị trường Viettel chỉ đạt 270 tỷ đồng nhưng là tiền đề cho các năm tiếp theo. Năm ngoái, khách hàng truyền thống của công ty là các nhà mạng đều cắt giảm đầu tư vào hạ tầng mạng lưới do thị trường viễn thông đã bão hòa, công nghệ 4G trở nên quá phổ biến trong khi công nghệ 5G mới lập kế hoạch thử nghiệm. Vụ án AVG liên quan đến nhà mạng Mobifone có quá trình điều tra kéo dài khiến cuối năm 2019 Mobifone mới hoàn thiện công tác cán bộ lãnh đạo cấp cao dẫn đến việc chậm trễ hoàn thiện các dự án cũ và đầu tư các dự án mới. Tình hình kinh doanh của mảng Chính phủ - Doanh nghiệp không đạt kỳ vọng do cạnh tranh gay gắt và nhiều dự án chưa được hiện thực hóa do bị chậm trong thủ tục đầu tư của khách hàng.

Năm 2019, chủ trương sáp nhập công ty Kasati đã bị đại hội cổ đông phủ quyết, khả năng cao việc sáp nhập này sẽ bị hủy bỏ.

Năm 2016, công ty thành lập công ty TNHH MTV thanh toán CTIN (CTIN Pay), vốn điều lệ 50 tỷ đồng và góp đủ 100%, đến nay công ty này chưa nhận được giấy phép thanh toán trung gian của NHNN và vẫn đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp phép. Vốn góp vào công ty này đang cho công ty mẹ CTIN vay lại 45 tỷ đồng với lãi suất 6,5%/năm.

Năm 2020, CTIN đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất tối thiểu 2.547 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2019), tổng doanh thu từ thị trường ngoài VNPT tối thiểu đạt 1.255 tỷ (tăng 16,5%), đây là chỉ tiêu được đưa ra theo đề nghị của cổ đông lớn là tập đoàn VNPT nhằm mục tiêu lâu dài giảm sự phụ thuộc của công ty vào VNPT. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tối thiểu đạt 98,74 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2019). ROE tối thiểu đạt 14,9%, tỷ lệ cổ tức từ 10-12%.

Theo ban lãnh đạo của CTIN, kế hoạch SXKD 2020 được thông qua trước khi Covid-19 xảy ra trên phạm vi rộng nhưng HĐQT quyết định không điều chỉnh giảm các mục tiêu.

Năm 2020, CTIN củng cố doanh thu tại thị trường nhà mạng viễn thông truyền thống (VNPT, Mobifone) và tăng trưởng đột phá doanh thu tại thị trường Viettel, tăng thêm lợi nhuận theo hướng phát triển kinh doanh tại các phần tử mạng lớp lõi (core network), chủ động đón đầu các cơ hội kinh doanh mới khi các nhà mạng triển khai công nghệ mới như 5G, thành phố thông minh, bảo mật…

Phát triển tăng doanh thu tại thị trường Chính phủ - doanh nghiệp thông qua tập trung bán hàng tại một số cơ quan chính phủ và doanh nghiệp lớn.

Quý I/2020, CTIN báo doanh thu đạt 228 tỷ đồng, tăng 50% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 8,4 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ 2019. Doanh thu và lợi nhuận CTIN tập trung chủ yếu vào quý 4 hàng năm.

CTIN: Covid-19 vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 10%, mở rộng doanh thu từ Viettel và các dự án công - Ảnh 1.

Châu Cao

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên