Cứ 1 tấn chuối bầu Đức bán ra có tới 0,58 tấn chuối thải làm thức ăn cho heo, biên lãi gộp của HAGL có bị "mỏng" đi?
Thông thường, tỷ lệ phế phẩm càng cao thì giá vốn càng cao và biên lợi nhuận gộp càng thấp.
- 10-10-2022Tham vọng 'bành trướng' của Central Retail, Aeon tại Việt Nam
- 10-10-2022Bất ngờ với Tập đoàn BĐS Singapore đang nắm 17 DA chung cư và 1 trung tâm thương mại tại Việt Nam
- 10-10-2022Giá chuối không cao như kỳ vọng, giá heo giảm, HAGL vẫn báo lãi 113 tỷ trong tháng 9
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 9. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của HAGL đạt 894 tỷ đồng, đạt 79% so với kế hoạch năm 2022 đề ra.
Đóng góp vào tổng doanh thu tháng 9 vẫn là 2 trụ cột mảng chăn nuôi và cây ăn trái với doanh thu lần lượt 202 và 234 tỷ đồng. Tương ứng sản lượng tiêu thụ trong tháng 9 của ngành chăn nuôi là 32.551 con lợn và 34.871 tấn cây ăn trái.
Điều đáng nói, sản lượng tiêu thụ của chuối xuất khẩu tháng 9 còn thấp hơn chuối sử dụng làm thức ăn gia súc tới 30%.
Trong mô hình nuôi heo bằng chuối của bầu Đức, những quả chuối loại thải, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ được thái nhỏ, phơi khô dùng làm thức ăn cho heo (lợn). Câu hỏi đặt ra là, nếu chuối loại thải bằng phân nửa chuối đủ tiêu chuẩn thì chuyện gì sẽ xảy ra với biên lợi nhuận của doanh nghiệp?
Quy mô xuất khẩu chuối của Hoàng Anh Gia Lai lớn đến đâu?
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HAGL xuất khẩu được 127.866 tấn chuối. Như những thông tin trước đó bầu Đức chia sẻ, thị trường xuất khẩu chuối của HAGL được biết đến chủ lực là Trung Quốc (không có thông tin về thị trường khác). Đây cũng là thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng hoa quả Việt Nam nói chung và chuối nói riêng.
Dẫn theo số liệu thống kê của Hiệp hội Rau - Quả Việt Nam về sản lượng nhập khẩu chuối của Trung Quốc để tưởng tượng rõ hơn về quy mô này. Theo đó, 5 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu 742.000 tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ 2021, trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%, vượt qua Philippines với 28%.
Như vậy, ước tính sản lượng chuối Trung Quốc nhập từ Việt Nam trong 5 tháng đầu năm khoảng 319.000 tấn.
Theo kết quả kinh doanh được công bố của HAGL, công ty này đã xuất 65.200 tấn chuối xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2022. Tương đương HAGL chiếm khoảng 20% sản lượng chuối xuất sang Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm.
Ảnh: Nhịp cầu đầu tư
Bầu Đức trồng chuối ở đâu khi HAGL Agrico đã về tay Thaco?
Quay ngược lại quá khứ, Hoàng Anh Gia Lai Agrico (HAGL Agrico, mã chứng khoán HNG) từng là doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp có quỹ đất lớn nhất Đông Dương được bầu Đức gửi gắm giấc mơ về cây chuối.
HAGL Agrico bắt đầu dịch chuyển sang mảng trồng cây ăn trái thay thế cho các loại cây công nghiệp lâu năm như cao su và cọ dầu từ đầu năm 2016, với cây chanh dây được trồng ở cao nguyên Paksong (Lào). Chiến lược trồng cây ăn trái của HAGL Agrico thay đổi liên tục hàng năm với các loại cây chiến lược khác nhau, sau chanh dây đến chuối.
Tính đến cuối năm 2019, HAGL Agrico trồng tổng cộng gần 8.400 héc-ta chuối và khai thác quá nửa diện tích trồng, trên địa phận ba nước Đông Dương, theo số liệu công ty công bố.
Mặt hàng chuối của Việt Nam bắt đầu xuất khẩu (chính ngạch) mạnh qua Trung Quốc từ năm 2019, với sản lượng 278.000 tấn, tăng trưởng hơn gấp đôi so với năm 2018. Đương nhiên khối lượng xuất khẩu chuối thực tế từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể còn cao hơn con số thống kê, do những giao dịch biên mậu ít khi được các cơ quan thống kê thu thập đầy đủ.
Bà Võ Thị Mỹ Hạnh, Tổng giám đốc HAGL Agrico khi đó cho biết năm 2019 công ty đã xuất khẩu gần 118.000 tấn chuối sang Trung Quốc, tức là chiếm đâu đó khoảng hơn 40% thị trường.
Hình ảnh minh họa
Tuy nhiên, bầu Đức và HAGL đã "dứt duyên" với HAGL Agrico từ năm 2021. Tập đoàn Thaco chính thức tiếp quản Công ty HAGL Agrico tại đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào tháng 1/2021. Ông Trần Bá Dương - chủ tịch Thaco - hiện giữ chức chủ tịch của HAGL Agrico.
Đến tháng 5/2022, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chính thức không còn là cổ đông của HAGL Agrico, sau khi bán đi toàn bộ 3 triệu cổ phiếu HNG để thu về gần 19 tỉ đồng.
Hiện HAGL chỉ còn sở hữu 104,6 triệu cổ phiếu HNG, tương đương 9,44% vốn điều lệ. Theo ông Đức, HAGL sẽ thoái hết vốn tại HAGL Agrico để thu hồi vốn, tập trung trả nợ, đầu tư chuối và nuôi heo.
Trong thư gửi cổ đông tháng 5/2022, HAGL cho biết công ty duy trì đầu tư trồng các loại cây ăn trái trên quỹ đất khoảng 10.000 ha tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Trong đó, cây chuối là cây trồng chủ đạo, với diện tích trồng đến nay là 7.000 ha, trong đó 5.000 ha đã đưa vào khai thác ổn định và 2.000 ha vừa trồng mới. Năng suất thu hoạch bình quân 50 tấn/ha.
Với số liệu này, có thể ước tính năng lực thu hoạch chuối hiện tại của HAGL vào khoảng 250.000 tấn/năm. Hết tháng 9, theo số liệu của HAGL công bố, họ đã xuất khẩu 127.866 tấn chuối và sử dụng 74.284 tấn chuối làm thức ăn chăn nuôi, tương đương 80% năng lực cung cấp.
Cứ 1 tấn chuối xuất khẩu có 0,58 tấn chuối thải loại làm thức ăn cho heo
Đây là con số thu được khi lấy sản lượng chuối xuất khẩu chia cho sản lượng chuối dùng sản xuất thức ăn gia súc theo số liệu lũy kế 9 tháng năm 2022 HAGL công bố. Hệ số này có xu hướng tăng thời gian gần đây. Vào tháng 9, thậm chí số lượng chuối dùng sản xuất thức ăn gia súc còn gấp 1,31 lần chuối xuất khẩu điều này đặt ra dấu hỏi về biên lợi nhuận gộp trong hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai.
Tổng hợp từ số liệu kinh doanh các tháng năm 2022 HAGL công bố
Theo bầu Đức, điểm sáng và mới mẻ của HAGL là việc vận dụng nguồn lực bổ trợ từ ngành chuối để tạo ra lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho ngành chăn nuôi heo. Những quả chuối loại thải, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ được thái nhỏ, phơi khô dùng làm thức ăn cho heo (lợn).
HAGL cho biết, chuối loại thải từ ngành trồng trọt là nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng làm thức ăn chăn nuôi heo, giúp hạ giá thành sản phẩm. Sản phẩm “thịt heo ăn chuối" thơm ngon, đáp ứng tiêu chí sản phẩm hữu cơ.
Tuy nhiên khi sản lượng chuối thải loại tăng lên, thậm chí còn lớn hơn sản lượng chuối hàng hóa, điều này sẽ tác động ra sao tới biên lợi nhuận của ngành hàng này? Thông thường, tỷ lệ phế phẩm càng cao thì giá vốn càng cao và biên lợi nhuận gộp càng thấp.
Nếu sản phẩm chuối thải loại bị tách khỏi mảng trái cây và đẩy sang tính lợi nhuận của mảng chăn nuôi thì ngược lại, mảng chăn nuôi không thể có đầu vào thấp, vì lúc này đầu vào không còn là sản phẩm thải loại, nó sẽ phải hạch toán đầy đủ chi phí trồng, chăm sóc như sản phẩm bình thường.
Nên nhớ, nửa năm đầu 2022, HAGL Agrico lỗ tới 670 tỷ đồng, vì 4 nhóm nguyên nhân. Trong đó giá mua phân bón tăng 150%, vật tư nông nghiệp và bao bì đóng gói tăng 50%.
Với hoạt động vận chuyển, tình trạng thiếu hụt container lạnh đã được khắc phục song chi phí vận chuyển vẫn cao so với 2021, cụ thể là chi phí vận chuyển đường bộ tăng 42% (từ 19 triệu/container - 27 triệu/container) và chi phí vận chuyển đường biển tăng 212% (từ 785 USD/container - 2.450 USD/container) so với quý II/2021.
Những nguyên nhân này thuộc nhóm nguyên nhân khách quan và câu hỏi đặt ra là tại sao cùng trồng chuối với diện tích lớn ở Lào, HAGL Agrico bị tác động còn HAGL lại không?
Nhịp sống thị trường