Cứ 2 con lợn trên thế giới thì 1 con "vào bụng" người Trung Quốc: Bắc Kinh "giấu" kho dự trữ thịt khổng lồ ở đâu?
Nếu nước Mỹ có kho dự trữ xăng dầu khổng lồ hay các quốc gia khác cũng dự trữ xăng dầu hoặc cây trồng thì Trung Quốc đưa việc dự trữ lên một cấp độ hoàn toàn khác: Kho dự trữ thịt lợn chiến lược.
- 28-07-2023Sản lượng thịt lợn của Việt Nam đứng thứ 6 thế giới
- 20-07-2023Giá lợn hơi thất thường: Lo lợn nhập lậu gây mất kiểm soát
- 07-07-2023Giá lợn hơi tăng mạnh, sắp cán mốc 70.000 đồng/kg
- 02-07-2023Giá lợn hơi tăng cao nhất trong vòng 1 năm
Trung Quốc tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới
Theo Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc tiêu thụ 700 triệu con lợn mỗi năm, chiếm một nửa tổng lượng tiêu thụ của toàn thế giới. Thậm chí, có câu ví von rằng, cứ hai con lợn trên thế giới thì một con sẽ "vào bụng" người Trung Quốc.
Lợn và thịt lợn vốn có ý nghĩa quan trọng ở Trung Quốc trong hàng ngàn năm qua. Là biểu tượng của sự sinh sôi và thịnh vượng, loài vật này từ lâu thường được nhắc đến trong văn học, âm nhạc và nghệ thuật Trung Quốc. Lợn là một trong 12 con giáp của Trung Quốc và ký tự mang nghĩa "nhà" trong tiếng Trung cũng là hình tượng một con lợn dưới mái nhà (家).
Trong những năm gần đây, nhu cầu thịt lợn khổng lồ của Trung Quốc đồng nghĩa việc nền kinh tế nước này có thể bị ảnh hưởng bởi sự biến động về giá thịt lợn.
Năm 2007, khi dịch bệnh quét sạch một số lượng lớn đàn lợn ở Trung Quốc, giá thịt lợn đã tăng gần 87% trong một năm. Giá thịt lợn đã trở thành một yếu tố góp phần chính trong việc đẩy tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Một số người thậm chí còn gọi Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc là "Chỉ số thịt lợn" vì ảnh hưởng quá lớn của thịt lợn đối với lạm phát.
Để đối phó với tình hình này, ngay từ giai đoạn 1970-1980, chính phủ Trung Quốc đã quyết định thành lập kho dự trữ thịt lợn quốc gia, tương tự như cách các quốc gia khác duy trì dự trữ ngoại tệ, dầu hoặc ngũ cốc.
Chính phủ Trung Quốc sẽ giám sát chặt chẽ giá thịt lợn như một chỉ số lạm phát và quản lý cẩn thận thông qua dự trữ thịt lợn chiến lược, nhằm ổn định giá khi nguồn cung cấp thịt lợn.
Kho dự trữ chiến lược khổng lồ
Theo Luật quản lý thịt dự trữ Trung Quốc, thịt lợn dự trữ bao gồm cả lợn sống và thịt lợn đông lạnh.
Hồi năm 2018, chính quyền tỉnh Vân Nam tiết lộ với The New York Times (NYT-Mỹ) rằng, địa phương này đã dự trữ 132.000 con lợn, 400 tấn thịt lợn đông lạnh và 3.000 tấn giăm bông.
Trung Quốc hiện duy trì hơn chục kho dự trữ thịt lợn đông lạnh rộng lớn, hiện đại trên khắp cả nước.
Tại kho dự trữ thịt đông lạnh của Tập đoàn thực phẩm La Ngưu Sơn ở tỉnh Hải Nam, có những kệ hàng cao chạm trần 21m, tương đương tòa nhà 7 tầng, được dùng để chứa những thùng thịt lợn đông lạnh.
" -18 độ C là nhiệt độ tiêu chuẩn quốc gia đối với kho dự trữ thịt đông lạnh, nhiệt độ chỉ có thể thấp hơn, không thể cao hơn mức này và cần duy trì mức nhiệt độ này trong vòng 24 giờ. Nhiệt độ của kho hoàn toàn là quản lý tự động ", một quản lý kho nói với Shanghai Observer.
Nhà kho này lưu trữ nhiều loại thịt lợn khác nhau như thịt nạc vai, thịt mông, thịt ba chỉ, sườn... trong các thùng các tông và có thể kiểm tra nguồn gốc và ngày sản xuất bằng cách quét mã QR trên mỗi thùng.
Nhân viên quản lý kho cho biết, lượng thịt trong kho không cố định, sẽ được xuất kho tùy theo diễn biến của thị trường, thịt lợn tươi sẽ được nhập kho tùy thời điểm.
Đặc biệt, thịt lợn nhập kho phải trải qua hàng loạt quy trình kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm vô cùng nghiêm ngặt.
"Sau khi lợn được đưa ra khỏi trang trải, chi cục kiểm dịch động vật sẽ tiến hành kiểm dịch. Sau khi đưa về lò mổ, các bác sĩ thú y chuyên nghiệp sẽ tiến hành kiểm dịch lại lần hai...." , ông Lý Dũng, quản lý cấp cao Tập đoàn thực phẩm La Ngưu Sơn nói.
Theo quy định của Trung Quốc, một lô thịt sẽ được bảo quản trong kho lạnh khoảng 3 tháng, sau đó sẽ được tung ra thị trường và một lô thịt mới sẽ được nhập mới vào kho.
Ông Lý Dũng khẳng định, chất lượng thịt đông lạnh không hề kém cạnh thịt lợn tươi, thậm chí có phần nhỉnh hơn nhờ hương vị được bảo quản triệt để cũng như đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm.
Nhịp sống thị trường