MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cử cán bộ đi học nước ngoài: Tránh vì mối quan hệ mà cử không đúng thành phần

19-08-2022 - 14:10 PM | Xã hội

Theo TS. Đinh Duy Hòa, cử cán bộ đi học nước ngoài phải cử đúng người, tránh vì mối quan hệ mà cử không đúng thành phần. Chương trình đi chuẩn và lúc về phải có đánh giá hẳn hoi.

Mới đây, Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai đề án đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2022-2025. Trong đó, dự kiến chi gần 90 tỷ đồng để cử người đi học tập kinh nghiệm tại các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, New Zealand…

TS Đinh Duy Hoà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho rằng chủ trương này là đúng và cần thiết. “Hà Nội cũng giống như nhiều tỉnh, thành phố và các Bộ ngành đều quan tâm đến bồi dưỡng, chăm lo đội ngũ cán bộ công chức. Hàng năm đều dành ngân sách đáng kể để lo việc này. Ngay cả những nước phát triển cũng cử cán bộ đi học tập ở các nước khác, huống hồ chúng ta đi sau, đi chậm”.

Cử cán bộ đi học nước ngoài: Tránh vì mối quan hệ mà cử không đúng thành phần - Ảnh 1.

TS. Đinh Duy Hoà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.

Chúng ta chuyển sang kinh tế thị trường, nhiều vấn đề mới, khác hẳn với cơ chế kinh tế cũ. Ví dụ chứng khoán, trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp chúng ta không cần biết, nhưng giờ vào kinh tế thị trường muốn huy động vốn phải có thị trường chứng khoán và chưa biết thì buộc phải học. Hay BOT, thậm chí cả việc thi công chức đều phải học nước ngoài. Do vậy đi nước ngoài học để học những cái hay, rút kinh nghiệm để về triển khai trong nước là hoàn toàn cần thiết.

Mục tiêu đi học tránh "chung chung"

Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là với nguồn kinh phí khá lớn chi cho việc cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài thì hiệu quả trên thực tế sẽ như thế nào? Bởi từng có hiện tượng đi học tập kinh nghiệm nhưng thực tế lại là chuyến “du hý”… và thành phần có cả những cán bộ sắp nghỉ hưu.

Theo TS. Đinh Duy Hòa, lo lắng này không phải không có cơ sở. Nhiều chuyến đi học tập kinh nghiệm nước ngoài chưa rõ về mục đích hoặc mục đích quá chung chung. Ví dụ đi học "quản lý nguồn nhân lực" là một chủ đề rất lớn, vậy cụ thể sẽ học mảng gì trong quản lý nguồn nhân lực?. Mục tiêu “chung chung” thì thiết kế chương trình sẽ không cụ thể, thiết thực, nặng về học phần lý thuyết, ít thực tế dẫn đến kết quả các đoàn đi học kinh nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Ông Hòa nêu hiện tượng, có những cán bộ công chức sắp nghỉ hưu, làm việc mấy chục năm chưa từng đi nước ngoài, thủ trưởng các đơn vị ấy nỡ lòng nào không cho vào danh sách đi học đã có sẵn 5-6 người. Thậm chí có chuyện, khi thiết kế 1 đoàn phải chú ý 1 suất "ngoại giao" là người thuộc cơ quan bố trí tiền nong.

TS. Đinh Duy Hòa cho rằng, cần xác định rõ học gì? Hà Nội có vấn đề gì đang bức thiết cần đi học?

Ví dụ, xử lý rác thải và ngập lụt đang là vấn đề của Hà Nội và nhiều đô thị ở Việt Nam. Vậy để giải quyết các vấn đề này thì sang nước ngoài sẽ học những gì? Có phải đến nhà máy xử lý rác thải hay không? “Những vấn đề này nếu cử ra cán bộ ra nước ngoài về mà xử lý được trong 5 năm tới thì tôi nghĩ rất xứng đáng cử 5 đoàn đi cũng được”, ông Hòa nêu ý kiến.

Chọn người đúng và trúng

Bên cạnh xác định được mục tiêu khóa học thì vấn đề chọn người đích đáng là yếu tố quan trọng. Trong việc chọn người, theo ông Hòa cần phân biệt 2 trường hợp.

Nếu cử cán bộ, công chức đi dài hạn, học lấy bằng cử nhân, lấy bằng thạc sỹ tiến sĩ thì lựa chọn cực kỳ chuẩn theo tiêu chí nhất định. Còn nếu cử cán bộ công chức đi những đoàn ngắn hạn 2-3 tuần để học hỏi kinh nghiệm cũng phải chặt chẽ nhưng tiêu chuẩn khác.

“Đi 2- 3 tuần nghiên cứu thì phải chọn đúng người gắn với công việc lựa chọn đi, tìm hiểu nghiên cứu tránh mối quan hệ, người sắp về hưu, người sát việc và họ có đóng góp cho câu chuyện này”.

Theo TS. Đinh Duy Hòa vấn đề là phải cử đúng người, tránh vì mối quan hệ mà cử không đúng thành phần, chương trình đi chuẩn và lúc về đánh giá hẳn hoi.

Nguyên vụ trưởng Vụ cải cách hành chính cho rằng, mấy năm qua chúng ta làm chưa chuẩn, các đoàn về có báo cáo gửi lãnh đạo là xong. Mặc dù các thành viên cũng đóng góp nhưng gần như là hình thức cho có.

"Quan trọng lúc về phải có báo cáo phản ánh rõ cái mình học được là gì có kiến nghị đề xuất phù hợp. Báo cáo này phải gửi cho những người có trách nhiệm đọc, chứ còn xếp vào tủ thì không có ý nghĩa gì”, ông Hòa nhấn mạnh./.

Theo Phương Lan

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên