Cú hích 200 tỉ USD từ xuất khẩu
Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỉ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu ở mức thấp và xu hướng bảo hộ, hạn chế nhập khẩu ở nhiều thị trường gia tăng.
Theo Bộ Công Thương, 2017 là năm đặc biệt thành công của Việt Nam khi tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu hơn 213 tỉ USD và hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Bức tranh xuất khẩu năm 2018 được các doanh nghiệp (DN) dự báo tiếp tục khả quan, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu thị trường quốc tế với các cam kết trong nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Hàng điện tử, điện thoại tăng mạnh
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong năm 2017, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 45,1 tỉ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2016; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 25,9 tỉ USD, tăng 36,5%; giày dép đạt 14,6 tỉ USD, tăng 12,6%... Các mặt hàng khác như dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; xuất khẩu đồ gỗ, thủy sản cũng đều có kim ngạch khả quan so với năm trước. Đây là năm xuất khẩu của Việt Nam tăng cao nhất với mức tăng trưởng 21,1%.
Samsung Việt Nam hiện là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam Ảnh: LINH ANH
Xuất khẩu tăng mạnh đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Ông Chidu Narayanan, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á Ngân hàng Standard Chartered, nhìn nhận xuất khẩu trong năm nay của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn 20% nhờ một số mặt hàng chủ lực như điện tử, điện thoại vốn chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhu cầu lớn đối với các mặt hàng điện tử trên toàn cầu sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong ngắn hạn, tạo ra thặng dư thương mại và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chẳng hạn, chỉ tính riêng các nhà máy sản xuất hàng điện tử, điện gia dụng và điện thoại của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam đã có mức kim ngạch lên tới 54 tỉ USD trong năm ngoái, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Kết quả này cao hơn kế hoạch và dự kiến ban đầu của tập đoàn là 50 tỉ USD. "Điện tử là ngành khá nhạy cảm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng Samsung Việt Nam kỳ vọng năm nay kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng ít nhất 10%" - đại diện Samsung Việt Nam tin tưởng.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 1-2018, tính riêng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện đã đạt 4,2 tỉ USD, tăng 80,7% so với cùng kỳ năm 2017 (với sự đóng góp chủ yếu của Samsung). Mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,2 tỉ USD, tăng 37,9%.
Lạc quan với dệt may, đồ gỗ
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm qua đạt 31 tỉ USD, tăng 10,23% so với năm 2016, bất chấp việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dừng lại, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất nhập khẩu.
Từ quý II/2017, các doanh nghiệp dệt may đã vượt qua trở ngại và có những chuyển biến tích cực. Mỹ vẫn dẫn đầu thị trường nhập khẩu dệt may Việt Nam, chiếm tỉ trọng 48,3% trong tổng kim ngạch toàn ngành, đạt 12,53 tỉ USD, tăng 9,4% so với năm trước. Các thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đạt được những kết quả tích cực. Đáng lưu ý, các DN trong ngành đã chủ động tìm đối sách nên không bị ảnh hưởng lớn từ việc Mỹ rút khỏi TPP.
Bên cạnh các thị trường truyền thống, một số thị trường mới được DN khai thác. Đáng chú ý, một số DN bắt đầu xuất khẩu sợi, vải và sản phẩm áo khoác, áo sơ mi sang Trung Quốc.
"Dự kiến năm 2018, sản lượng xuất khẩu sang thị trường này sẽ gia tăng. Trong khi đó, các đối tác Nga cũng quay lại làm ăn với Việt Nam. Việc thanh toán cũng bớt khó khăn nhờ áp dụng thanh toán qua ngân hàng liên doanh Việt Nga. Từ quý II/2017, các nhà đầu tư bắt đầu quay lại Việt Nam, dòng vốn đổ vào dệt may có bước tăng trưởng rất tốt" - ông Vũ Đức Giang thông tin.
Năm 2018, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 33,5 tỉ USD. Để đạt mục tiêu này, các DN đang tập trung đầu tư tái cơ cấu, áp dụng công nghệ tiên tiến để tự cân đối dần các khâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. DN cũng tăng cường liên kết với nhau, vừa khai thác thị trường truyền thống lẫn thị trường mới vừa đẩy mạnh phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, từ khâu gia công đến thiết kế, bán sản phẩm...
Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về thị trường nhưng các DN đã lần đầu tiên mang về kim ngạch 8 tỉ USD, tăng 10,2% so với năm trước. Gỗ và sản phẩm từ gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN và đứng thứ 5 thế giới.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết mục tiêu năm nay, ngành gỗ sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu lâm sản lên 9 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ dự kiến đạt 8,5-8,7 tỉ USD. Các DN đang tập trung đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại theo hướng chuyên môn hóa và tự động hóa, đầu tư con người để xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghiệp mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình hoạt động và quản lý...
Khai thác tốt các FTA
Một trong những yếu tố giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm qua, theo Bộ Công Thương, là do DN đã khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập hiệu quả hơn những năm trước. Ở tất cả thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn ở mức thấp và nhiều thị trường quay trở lại xu hướng bảo hộ hàng trong nước, hạn chế nhập khẩu.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội DN để xử lý các vấn đề như rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng được cam kết cải thiện mạnh mẽ hơn.
Người lao động