MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cú hích” cho sản phẩm dệt may thâm nhập thị trường Nga

Việt Nam và Liên bang Nga đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2001 và nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012.

Với dân số gần 143 triệu người, cùng với những ưu đãi thuế quan khi Nga gia nhập WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời là một đại diện trong nền kinh tế APEC, Nga hiện đang là thị trường truyền thống của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói chung và hàng hóa dệt may nói riêng.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, những năm gần đây, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã nhận được nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp Nga yêu cầu may các sản phẩm như jacket, quần jeans…

Với nhu cầu lớn, mỗi năm nhập khẩu trên 10 tỷ USD các sản phẩm dệt may, mặc dù hàng dệt may Việt Nam còn chiếm tỷ trọng chưa đáng kể ở Nga nhưng đây được coi là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt.

Dệt may được đánh giá là ngành hàng hưởng lợi nhiều nhất khi FTA giữa Việt Nam​-Liên minh Kinh tế Á​-Âu có hiệu lực và điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” lớn cho xuất khẩu sang thị trường Nga.

Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang thị trường này khoảng 320 triệu USD mặt hàng dệt may, tương đương hơn 2% dung lượng thị trường. Điều này hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng của doanh nghiệp Việt và dung lượng thị trường Nga.

Khi FTA giữa Việt Nam​-Liên minh Kinh tế Á​-Âu có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang thị trường Nga dự kiến sẽ đạt hơn 1 tỷ USD, tương đương 10% dung lượng thị trường là hoàn toàn khả quan trong một vài năm tới.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Nga có khí hậu khá lạnh nên thị trường Nga có nhu cầu lớn với các mặt hàng như jacket, jeans, áo thun… Đây là những mặt hàng mà các doanh nghiệp dệt may nhận được yêu cầu nhiều nhất thời gian qua.

Tuy nhiên, vấn đề là làm sao đưa được hàng vào thị trường Nga với mức giá cạnh tranh như hiện nay. Bởi, kinh tế Nga vẫn khó khăn, giá sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này không được "tốt" như thị trường các nước trong liên minh ​châu Âu.

Tỷ giá của đồng RUB (rúp Nga) so với đồng USD thấp nên các nhà nhập khẩu của nước Nga phải mua hàng hóa đắt hơn khi doanh nghiệp chuyển đổi sang USD. Do vậy, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được giá nhập khẩu vào Nga.

Hơn nữa, ông Giang cho rằng, khoảng cách về địa lý giữa Việt Nam và Nga lại khá xa nên sẽ gặp khó khăn hơn trong vấn đề thanh toán. Dù Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được mở tại Nga để phục vụ thanh toán trực tiếp, nhưng trong tương lai, nếu như lượng hàng xuất khẩu sang Nga dần gia tăng sẽ cần thêm nhiều chi nhánh ngân hàng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp thanh toán trực tiếp.

Tuy thị trường Nga có nhiều tiềm năng nhưng theo kinh nghiệm của các chuyên gia và những doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất nhập khẩu với Nga, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này và các nước Bắc Âu nói chung đòi hỏi các doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để xác định rõ tiềm năng và mong muốn của đối tác. Đồng thời, thường xuyên liên lạc với đối tác để gắn kết lâu dài.

Bên cạnh đó, khi thâm nhập vào thị trường này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn về chất lượng, giá cả... Vì vậy cần có những cách thức kinh doanh bài bản, phù hợp hơn trong điều kiện mới. Ngoài ra, phải đảm bảo, chất lượng tốt, cải tiến mẫu mã và xây dựng, đăng ký thương hiệu với những mặt hàng đã có uy tín ở thị trường này.

Ông Phí Việt Trịnh, Tổng Giám đốc May Hồ Gươm cho biết, trước đây thị trường Nga cũng là một trong những thị trường truyền thống, nhưng số lượng sản phẩm suất khẩu sang thị trường này chưa được nhiều, cũng có thời gian chững lại do một số khó khăn về địa lý cũng như khâu thanh toán. Nhưng nay khi Hiệp định Kinh tế Á-Âu có hiệu lực thì cũng là một cơ hội cho doanh nghiệp dệt may vì các dòng thuế được giảm.

Trong những năm gần đây, thị trường tiêu thụ hàng dệt may tại Nga đã có những bước phục hồi. Người tiêu dùng tại Nga đã bắt đầu có thói quen chi nhiều tiền hơn cho việc mua sắm của mình.

Các sản phẩm quần áo chất lượng cao, mẫu mã đẹp mắt thường được ưa chuộng và tiêu thụ nhanh hơn, quan niệm đưa hàng giá rẻ, chất lượng thường vào Nga đã không hợp thời nữa.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tới thị trường Nga trong năm 2016 tăng 30,03% so với năm 2015, đạt 110 triệu USD… Các mặt hàng xuất khẩu tới thị trường này chủ yếu gồm áo Jacket, quần áo trẻ em, áo sơ mi, áo thun, quần, quần short, váy…./.

Theo Hằng Trần

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên