MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cú lột xác ngoạn mục từ căn bệnh "đột kim" của FPT: 10 năm chật vật quay lại mức vốn hóa 1,5 tỷ USD, nhưng chỉ mất 2 năm để tăng gấp 3 giá trị

20-09-2021 - 16:15 PM | Doanh nghiệp

Cú lột xác ngoạn mục từ căn bệnh "đột kim" của FPT: 10 năm chật vật quay lại mức vốn hóa 1,5 tỷ USD, nhưng chỉ mất 2 năm để tăng gấp 3 giá trị

Trở thành doanh nghiệp tỷ đô chỉ sau tiếng gõ chiêng niêm yết cổ phiếu trên HOSE, FPT rơi vào căn bệnh "đột kim" và phải mất 10 năm mới lấy lại được hào quang cũ. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới phải tìm cách chuyển đổi số và FPT đang là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất.

"Vốn hóa giật lùi" và mất hơn chục năm để quay về vạch xuất phát

Thời còn giao dịch trên sàn OTC, một cổ phiếu FPT được giao dịch loanh quanh mức giá khoảng 20.000-30.000 đồng/cổ phiếu. Đến tháng 12/2006, khi ngày lên sàn chứng khoán gần kề, giá cổ phiếu FPT tăng vọt, lên khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu.

Ngày 13/12/2006, sau tiếng gõ chiêng tại HOSE (mà lúc bấy giờ có tên là HSTC), FPT được nhà đầu tư trả giá 400.000 đồng/cổ phiếu. Với hơn 60 triệu cổ phiếu được niêm yết lúc bấy giờ, FPT ngay lập tức được định giá khoảng 24.000 tỷ đồng, xấp xỉ 1,5 tỷ USD thời điểm bấy giờ.

Không dừng lại ở đó, FPT còn bay cao hơn nữa, vượt mức 600.000 đồng/cổ phiếu và lập đỉnh 645.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 31/1/2007. Vốn hóa công ty lúc này đã lên tới trên 39.000 tỷ đồng tương đương gần 2,5 tỷ USD.

Rất nhiều người FPT đã đổi đời nhờ cổ phiếu lên sàn. Theo chia sẻ của Chủ tịch Trương Gia Bình, khoảng 200 người FPT đã trở thành triệu phú đô la chỉ sau 1 đêm và rất nhiều nhân viên có cuộc sống ấm no, thậm chí người lái xe cũng có kinh tế khá giả đủ cho con cái đi du học.

Thế nhưng, sự thịnh vượng chớp nhoáng này không duy trì được lâu. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và những vấn đề nội tại của FPT đã kéo giá trị công ty giảm sâu, đến tháng 6/2008 chỉ còn khoảng 4.500 tỷ đồng, tức giảm khoảng 88% nếu so với đỉnh hồi đầu năm 2007.

Nhiều năm sau đó, giá trị của FPT dần tăng trở lại nhưng với tốc độ chậm và ngày càng cách xa cột mốc tỷ đô.

Cú lột xác ngoạn mục từ căn bệnh đột kim của FPT: 10 năm chật vật quay lại mức vốn hóa 1,5 tỷ USD, nhưng chỉ mất 2 năm để tăng gấp 3 giá trị - Ảnh 1.

Nhìn lại những ngày tháng đó, ông Hoàng Nam Tiến từng hài hước ví von, FPT bị bệnh "đột kim" - là bệnh đột nhiên có nhiều tiền. FPT rơi vào trạng thái "nghĩ mình quá giỏi, giỏi đến mức cái gì cũng làm được". Do đó, tập đoàn này đã đi mở ngân hàng, mở công ty chứng khoán, lập công ty quỹ, đầu tư bất động sản. "Kỳ lạ, tất cả việc đó thất bại", ông Tiến cảm thán.

Một vấn đề nữa của những người quá nhiều tiền là thiếu động lực làm việc. Với nhân viên, khi cuộc sống no đủ hơn, người ta sẽ dành thời gian nghĩ đến cách tiêu tiền, chứ không còn tập trung kiếm tiền. Với các lãnh đạo, 13 người tay trắng khởi nghiệp sẽ có cách điều hành khác xa so với 13 đại gia rủng rỉnh triệu đô trong túi. Cũng chính từ đó, một bài toán khác được đặt ra cho FPT: Chuyển giao thế hệ.

Năm 2011, FPT từng bổ nhiệm ông Trương Đình Anh vào ghế CEO, người từng là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, người từng đưa Trung tâm Internet FPT doanh thu 100 triệu đồng năm đầu tiên trở thành FPT Telecom doanh thu 100 triệu USD năm 2008.

Thế nhưng, chỉ sau 1 năm rưỡi, ông Trương Đình Anh đã phải viết đơn từ nhiệm vị trí CEO, mà lý do đưa ra là do "khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành" giữa ông và Hội đồng quản trị. Sự ra đi chóng vánh của ông Đình Anh khiến Chủ tịch Trương Gia Bình và ông Bùi Quang Ngọc gần như phải "luân phiên" nhau ngồi vào ghế Tổng giám đốc các năm tiếp theo.

Cú lột xác ngoạn mục từ căn bệnh đột kim của FPT: 10 năm chật vật quay lại mức vốn hóa 1,5 tỷ USD, nhưng chỉ mất 2 năm để tăng gấp 3 giá trị - Ảnh 2.

Dưới sự điều hành của những người sáng lập, FPT vẫn đều đặn tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, nhưng tốc độ rất thấp nếu so với các doanh nghiệp non trẻ khác cùng ngành công nghệ, như Thế Giới Di Động hay VNG.

Giai đoạn 2011-2017, doanh thu FPT tăng từ 25.000 tỷ lên 42.000 tỷ, nhưng đóng góp chính vào tăng trưởng lại là mảng bán buôn bán lẻ (FPT Shop). Tới nỗi, dư luận từng phải đặt dấu hỏi về tầm nhìn của tập đoàn này, sẽ là bán lẻ hay công nghệ.

Tới năm 2017, ban lãnh đạo FPT quyết định mạnh tay thoái vốn khỏi mảng phân phối (FPT Trading) và bán lẻ (FPT Retail). Đây được coi là bước chuyển mình khi biến FPT trở thành một công ty công nghệ thuần túy thay vì là một tập đoàn bán buôn và bán lẻ kĩ thuật số, xác định quay trở lại giá trị cốt lõi là công nghệ trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ của thế giới và Việt Nam. Cùng trong năm 2017, FPT chứng kiến mức lợi nhuận trước thuế tăng mạnh lên hơn 4.255 tỷ đồng, sau thời kì đủng đỉnh đi ngang tầm 2.500-3.000 tỷ đồng liên tục từ năm 2011-2016.

Từ lúc này, FPT chính thức "về bờ" với vốn hóa khoảng 30.000 tỷ đồng và đến năm 2019 khi FPT chính thức trẻ hóa với việc bổ nhiệm CEO 7x Nguyễn Văn Khoa, giá trị công ty tăng lên khoảng 40.000 tỷ đồng.

Cú lột xác ngoạn mục từ căn bệnh đột kim của FPT: 10 năm chật vật quay lại mức vốn hóa 1,5 tỷ USD, nhưng chỉ mất 2 năm để tăng gấp 3 giá trị - Ảnh 3.

Thời thế tạo anh hùng

Đại dịch Covid-19 đã gây ra khó khăn cho hầu hết mọi ngành nghề của nền kinh tế, nhưng vẫn có các thành phần được hưởng lợi, chính là các doanh nghiệp công nghệ, mà FPT là một trong số đó.

Phát biểu tại Đại hội cổ đông năm 2021, Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết, dịch bệnh khiến các doanh nghiệp nếu muốn duy trì hoạt động thì phải giải bài toán "Do more with less - làm nhiều hơn với chi phí thấp đi". Chính điều này đã tạo ra cơ hội cho FPT, bởi FPT có thể cạnh tranh với bất kỳ ai về chiến lược này.

Ông Bình hào hứng kể với cổ đông rằng, trong năm 2020, FPT đã thắng tới 3 gói thầu quy mô trên 100 triệu USD, điều chưa từng xảy ra trước đó. Trong đó, có một gói thầu 150 triệu USD được đưa ra cho 193 công ty cạnh tranh. Trong số này, có cả FPT và những tên tuổi công nghệ mà bản thân FPT cũng phải ngưỡng mộ như IBM (Mỹ), Tata (Ấn Độ). Và FPT đã thắng cuộc đua này.

Nếu như không có Covid-19, gói thầu 150 triệu USD kia thường sẽ được chia nhỏ ra nhiều đầu việc, giao cho nhiều đối tác. Tuy nhiên, để xử lý với chi phí tối thiểu, cả gói thầu được quy về chỉ còn 3 công ty thực hiện, trong đó có FPT. Trong trường hợp có phần nào không thực hiện được, doanh nghiệp sẽ phải chuyển cho bên khác nhưng theo ông Trương Gia Bình, FPT không phải chuyển bất kỳ phần công việc nào đi.

FPT hiện đang tập trung vào mở rộng thương hiệu và tệp khách hàng ở thị trường nước ngoài, thông qua các thương vụ M&A. Những thị trường trong tầm ngắm của FPT như Anh, Singapore, Trung Đông đều là những địa điểm đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, phù hợp với định hướng của công ty. Nếu gia nhập các thị trường này thành công, FPT có thể có thêm nhiều hợp đồng trăm triệu USD khác trong tương lai.

Cú lột xác ngoạn mục từ căn bệnh đột kim của FPT: 10 năm chật vật quay lại mức vốn hóa 1,5 tỷ USD, nhưng chỉ mất 2 năm để tăng gấp 3 giá trị - Ảnh 4.

Trong khi đó, với thị trường nội địa, FPT vẫn đang chứng tỏ mình là ông lớn đích thực. Việc "giải cứu" sàn HOSE thành công đúng như lời hứa thời gian vừa qua là một cú ghi điểm lớn của FPT, tạo niềm tin trong mắt nhà đầu tư và các khách hàng trong nước.

Theo Chủ tịch Trương Gia Bình, FPT đang dần thay đổi suy nghĩ của mọi người, để không còn bị coi là một công ty gia công phần mềm, cũng không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ, mà dần trở thành công ty cung cấp các công cụ cho chuyển đổi số. Được biết, FPT đã cung cấp 75 robot cho một ngân hàng trong 3 năm gần đây, mỗi robot có thể làm việc thay thế cho 45 người. Điều đó giúp ngân hàng không cần tăng nhân sự, nhưng lợi nhuận tăng cao nhiều lần và ngân hàng đã quyết định mua thêm khoảng 135 robot nữa.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán VnDirect, FPT hiện nay đã bắt đầu cung cấp các giải pháp chuyển đổi số và dịch vụ tư vấn để tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị phần mềm. Ngoài ra, FPT đã ra mặt một loạt sản phẩm phần mềm để khẳng định khả năng sáng chế sản phẩm và giảm phụ thuộc vào gia công truyền thống.

VnDirect phân tích, các công ty công nghệ có tỷ trọng sản phẩm sáng chế cao hơn tỷ trọng dịch vụ gia công thường được thị trường định giá cao hơn do biên lợi nhuận gộp vượt trội. Do đó, công ty này cho rằng, với tỷ trọng sản phẩm sáng chế sở hữu bởi FPT ngày càng tăng, cổ phiếu của công ty có thể sẽ được nhận định mức giá cao hơn.

Theo kết quả kinh doanh 8 tháng năm 2021, FPT ghi nhận doanh thu 21.842 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 19-20% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu của FPT, mảng dịch vụ công nghệ thông tin trong nước tăng 42% doanh thu nhưng lợi nhuận tăng tới 118%.

Kết quả kinh doanh tích cực đã được phản ánh lên giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Giá cổ phiếu hiện đang giao dịch trên mức 95.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa gần 90.000 tỷ đồng, xấp xỉ 4 tỷ USD, gấp 3 lần thời điểm 2-3 năm trước.

Mới đây, một quyết định của Chủ tịch Trương Gia Bình nhanh chóng gây tiếng vang lớn. Đó là lời hứa về việc FPT sẽ xây trường dạy 1.000 em nhỏ mồ côi do đại dịch Covid-19. Theo ông Bình, với vai trò tập đoàn lớn hàng đầu, FPT muốn nhận các em, giúp đỡ các em trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. FPT là công ty mạnh công nghệ, lại có đội ngũ đông đảo 4 vạn người do đó đây là việc nên làm và có thể làm. FPT cho biết họ sẽ đào tạo các em liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng. Từ khi lên ý tưởng đến khi quyết định thực hiện, FPT chỉ mất 24 giờ.

Giờ đây, có ai còn phàn nàn FPT chậm đổi mới?

Theo Hà My

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên