Cú lừa 'con cấp cứu': Lộ thông tin từ thói quen đăng ảnh, khoe giấy khen của con
Phụ huynh vô tình làm lộ lọt thông tin cá nhân qua thói quen lên mạng xã hội đăng ảnh con cùng các loại giấy tờ, giấy khen..., tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo.
- 15-03-2023Đà Nẵng: Một lớp nhận gần 20 cuộc gọi lừa con bị 'chấn thương sọ não, chuyển tiền mổ gấp'
- 14-03-2023Chiêu lừa 'con đang cấp cứu, chuyển tiền gấp' xuất hiện tại Hà Nội
- 10-03-2023Cảnh báo cuộc gọi từ các đầu số này có dấu hiệu lừa đảo, hãy tắt máy ngay lập tức!
Chiêu gọi điện lừa đảo "con đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp" xuất hiện tại Hà Nội.
Thời gian gần đây, công an các địa phương liên tiếp ghi nhận các vụ phụ huynh trình báo việc bị người lạ mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nói con họ bị tai nạn, đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí, từ đó chiếm đoạt tài sản. Có phụ huynh vì nóng lòng cứu con đã chuyển tới 200 triệu đồng, sau đó mới phát hiện mình bị lừa.
Thượng tá, Tiến sĩ Lê Quang Toàn - Phó Trưởng khoa Cảnh sát Điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân - cho rằng đây là thủ đoạn không mới, nhưng các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi kịch bản nên nhiều phụ huynh vẫn mắc bẫy.
Phó Trưởng khoa Cảnh sát Điều tra cũng chỉ ra ý thức của cá nhân trong việc bảo mật thông tin. Hàng ngày có rất nhiều người thường lên mạng xã hội đăng ảnh, cập nhật thông tin mang tính cá nhân về nghề nghiệp, địa điểm, số điện thoại, các loại giấy tờ, giấy khen của con và rất nhiều các thông tin khác.
"Họ không ý thức được mức độ nguy hiểm của những hành động đó, kẻ xấu chỉ xâu chuỗi những thông tin đó lại sẽ biết được người này cư trú ở đâu, số điện thoại là gì, con tên là gì, học lớp nào, trường nào. Cho nên, trong nhiều trường hợp, việc lộ lọt thông tin cũng xuất phát từ yếu tố cá nhân" , ông Toàn lưu ý.
Thượng tá Lê Quang Toàn - Phó Trưởng khoa Cảnh sát Điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân.
Theo thượng tá Toàn, nguyên nhân quan trọng khiến các phụ huynh trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo do bị lộ lọt thông tin cá nhân. Khi kẻ xấu gọi điện nêu đúng tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại trường, lớp học của con..., các phụ huynh dễ dàng tin tưởng đó là giáo viên của nhà trường và con mình đang bị tai nạn thật. Từ đó, họ sẵn sàng chuyển tiền cho đối tượng để con mình được cấp cứu mà không hề cảnh giác, đề phòng.
Hiện nay, các trường học quản lý thông tin của rất nhiều học sinh, lên tới con số hàng nghìn người. Trong thông tin đó, không chỉ có thông tin của học sinh mà có cả thông tin của phụ huynh, số điện thoại, địa chỉ gia đình…
"Nếu như công tác quản lý thông tin này có vấn đề như không bảo mật, bị hacker tấn công, hoặc chính người quản lý thông tin đó thiếu kỹ năng, ý thức bảo mật không cao thì hoàn toàn bị lộ lọt. Do đó, các đơn vị lưu trữ tại trường học cũng phải tính toán đến các phương án đảm bảo công tác bảo mật, đào tạo cán bộ, nâng cao ý thức của cán bộ trong việc bảo mật thông tin đó", Thượng tá Lê Quang Toàn cảnh báo.
Vị chuyên gia này cho rằng, các nhà trường cần thiết lập kênh liên lạc với các bậc phụ huynh. Cụ thể, cần thiết lập được một đường dây nóng, có cán bộ trực thường xuyên, để khi xảy ra trường hợp đột xuất phụ huynh có thể gọi vào đó và kiểm tra được chính xác liệu con mình có đang gặp nguy hiểm hay không. Khi phát hiện ra thông tin đó không phải là thật thì họ sẽ không bị mắc bẫy.
Ngoài ra, các trường cũng nên có cơ chế cung cấp thông tin trong trường hợp khẩn cấp. Nếu xảy ra trường hợp học sinh bị tai nạn thì ai sẽ là người thông báo cho cha mẹ học sinh.
Tin nhắn thông báo "con đang cấp cứu" để lừa đảo chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.
"Ở đây, theo tôi, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) của học sinh là người giữ vai trò quyết định và quan trọng trong vấn đề này. Ví dụ, chẳng may có vấn đề xảy ra tai nạn ở trường, sau khi làm các thủ tục và các biện pháp cấp bách để cấp cứu cho học sinh, thì GVCN phải là người thông báo cho phụ huynh. Bởi, họ có thông tin, số điện thoại của phụ huynh và họ biết nhau trước nên khi nhận được cuộc gọi của GVCN, phụ huynh yên tâm đây là thông tin chính xác mà không lo bị lừa. Đồng thời, giữa phụ huynh và GVCN phải có mối liên hệ thường xuyên trao đổi qua lại", Thượng tá Lê Quang Toàn cho hay.
Ngoài lý do bị lộ lọt thông tin, Thượng tá Lê Quang Toàn cũng cho rằng, các phụ huynh dễ dàng sập bẫy lừa đảo vì các đối tượng đánh trúng tâm lý khi thông báo con của họ đang được cấp cứu, rất nguy kịch và cần chuyển tiền ngay để phẫu thuật. Do nóng lòng muốn cứu con, lo cho con, các bậc phụ huynh thường bị hoảng loạn, thiếu đánh giá thận trọng về tình huống và nhanh chóng chuyển tiền ngay cho các đối tượng.
Nguyên nhân khác xuất phát từ chính các nạn nhân, bởi trong trường hợp này họ tỏ ra mất cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin đến mức mù quáng. Một người lạ gọi điện đến, dù không biết là ai, nhưng họ lại sẵn sàng giao ngay một số tiền rất lớn, thậm chí lên tới hàng trăm triệu đồng.
"Các thủ đoạn này xuất hiện trên mạng internet rất nhiều, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa rất nhiều. Tuy nhiên, có thể do người dân không tìm hiểu cũng như không nắm được các thủ đoạn đó, cho nên khi rơi vào tình trạng này, họ trở nên bị động, hoảng loạn và dễ dàng tin theo các đối tượng", ông Toàn đánh giá.
Qua những vụ lừa "con đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp" xảy ra gần đây, Thượng tá Lê Quang Toàn lưu ý phụ huynh phải nâng cao ý thức cảnh giác, không nhẹ dạ, cả tin, tin tưởng vào những đối tượng không quen biết.
Thứ hai, phụ huynh cần cập nhật kiến thức, kinh nghiệm về phòng chống tội phạm, đặc biệt, là những thủ đoạn liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thứ ba, phụ huynh cần quan tâm đến việc học hành của con, thường xuyên có sự giao tiếp, trao đổi với nhà trường để có thông tin cần thiết.
Về phía nhà trường, trước tiên nhà trường phải các có biện pháp bảo mật để quản lý thông tin cá nhân chặt chẽ. Ngoài ra, các trường cần chủ động thông báo cho phụ huynh về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên, có thể thông qua website của trường hoặc yêu cầu GVCN thông báo trực tiếp đến phụ huynh để họ có biện pháp chủ động phòng tránh.
VTCnews