MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Cú lừa’ mang tên Sharing Economy: Nói 'chia sẻ' nhưng thực chất là 'cho thuê', những lời hứa hão về một thế giới tốt đẹp hơn chỉ là công cụ gọi vốn tỷ USD của những công ty 'không bao giờ có lãi'

01-10-2019 - 10:16 AM | Doanh nghiệp

Bây giờ, sharing economy - nền kinh tế chia sẻ gần như đã CHẾT.

Được thành lập vào năm 2014, Omni là một startup cung cấp cho người dùng dịch vụ đến các cửa hàng và cho thuê những món đồ ít sử dụng của họ tại San Francisco và Portland. Nhận được 40 triệu USD tiền đầu tư mạo hiểm, Omni công bố trên website của mình rằng: "Hãy đề cao trải nghiệm hơn vật chất, cách sử dụng hơn là sự sở hữu. Sống vui vẻ hơn thay vì để những nỗi lo về sở hữu tài sản khiến bạn phiền lòng".

Nếu sống tại Vịnh Area, bạn có thể thuê một cuốn The Life-Changing Magic of Tidying Up của tác giả Marie Kondo với giá 1 USD mỗi ngày từ một người tên "Lan"; Hay mượn của Charles một tờ in đá nhỏ với phí khoảng 10 USD mỗi ngày. Tom thì cho thuê bản sao của phim Friends With Benefits với giá 2 USD/ngày. Những mức giá này không gồm phí vận chuyển và phí phải gửi trả lại cho các xe tải Omni đi gom đồ khắp thành phố vào khoảng 1,99 USD mỗi chiều.

Năm 2016, CEO kiêm đồng sáng lập Omni là Tom McLeod nói rằng "việc cho thuê giúp đồ đạc của các thành viên Omni được sử dụng tốt hơn trong cộng đồng". Cùng năm đó, tạp chí Fortune nói rằng Omni "có thể tạo ra một nền kinh tế chia sẻ đích thực".

‘Cú lừa’ mang tên Sharing Economy: Nói chia sẻ nhưng thực chất là cho thuê, những lời hứa hão về một thế giới tốt đẹp hơn chỉ là công cụ gọi vốn tỷ USD của những công ty không bao giờ có lãi - Ảnh 1.

Trong một khoảng thời gian, chủ nghĩa nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) luôn nằm ở trung tâm trong mô hình kinh doanh của Omni: Nó cam kết sẽ giúp những sản phẩm thừa thãi trở nên có giá trị để thúc đẩy một thế giới tốt đẹp hơn và xây dựng niềm tin tưởng trong cộng đồng. Năm 2017, McLeod nói rằng: "Chúng tôi muốn thay đổi thói quen về sở hữu trên toàn thế giới".

Chỉ 3 năm sau, những lời hứa đó đã được xếp sau mục tiêu lợi nhuận. Mọi thay đổi có thể tóm gọn thông qua dòng chữ in trên những chiếc xe tải của công ty này trong năm nay: "Hãy cho thuê mọi thứ, bạn sẽ kiếm được tiền khi có khách hàng".

Suốt nhiều năm, nền kinh tế chia sẻ đã được ca ngợi như một mô hình tiên tiến hơn so với chủ nghĩa tư bản – một câu trả lời cho thực trạng tiêu dùng vô tội vạ. Tại sao một người phải sở hữu ô tô hay một cuốn sách nếu như những thứ đó đều đang ngồi rảnh rỗi ở đâu đó? Nền kinh tế chia sẻ sẽ giúp những người xa lạ trên khắp thế giới tận dụng được tối đa giá trị của những sản phẩm mà họ có vì lợi ích chung của cộng đồng.

Trong bài TED Talk vào năm 2010, tác giả Rachel Botsman cho rằng "nền kinh tế chia sẻ có thể tạo ra sự gắn kết tương tự như mặt đối mặt nhưng ở một mức độ và theo một cách chưa từng có". Một bài viết của tờ New York Times thì viết: "Chia sẻ tác động tới sở hữu giống như cách iPod tác động tới máy cassette hay điện mặt trời tới các mỏ than". Trong năm 2013, Thomas Friedman - Tác giả cuốn "Thế giới phẳng" tuyên bố rằng sự cải tiến thực sự của Airbnb không phải là nền tảng hay mô hình phân phối của họ: "Đó là niềm tin". Năm 2014, một nhà đầu tư vào Uber có Shervin Pishevar tuyên bố rằng nền kinh tế chia sẻ sẽ mang chúng ta quay lại thời kỳ sinh sống có tính cộng đồng cao.

Hơn 10 năm trôi qua kể từ đó, những lời hứa như vậy nghe có vẻ đã lỗi thời. Tạo sao lại phải thuê một chiếc DVD từ người hàng xóm hay sở hữu một chiếc DVD khi bạn có thể xem những bộ phim trực tuyến? Tại sao sử dụng Airbnb để cho thuê một phòng riêng trong căn nhà khi bạn có thể cho thuê lại toàn bộ một căn hộ và điều hành như một khách sạn thu nhỏ?

Uber, Lyft và Airbnb – những startup khăng khăng lời hứa về nền kinh tế chia sẻ - hiện trị giá hàng chục tỷ USD với những kế hoạch IPO. Những công ty này và những chuyên gia nâng đỡ họ đã hoàn toàn loại bỏ yếu tố chia sẻ - thứ khởi nguồn cho nền kinh tế này và giúp những công ty đó tránh khỏi những quy định của pháp luật suốt nhiều năm. Chia sẻ chính là yếu tố thay đổi tốt cho thế giới. Nhưng, những gì các công ty này mang lại chỉ là mớ hỗn độn.

Trên thực tế nền kinh tế chia sẻ đã xuất hiện được vài năm và gần đây khái niệm này bắt đầu trở nên phổ biến. Trong năm 1995, Craigslist khởi đầu làn sóng quyên góp trực tiếp, thuê địa điểm đến bán mọi thứ từ thú cưng và nội thất đến căn hộ và cả ngôi nhà. Bắt đầu vào năm 2000, Zipcar đã để các thành viên thuê xe cho những chuyến đi ngắn với mục đích tạo ra nhiều xe trên đường hơn. Và CouchSurfing thì ra đời như một tổ chức phi lợi nhuận vào năm 2004, biến các phòng ngủ thành nhà nghỉ. Làn sóng đầu tiên về chia sẻ này khá hấp dẫn và một vài công ty có lãi. Nhưng khi mà điện thoại thông minh chưa phổ biến, nó không thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng.

Mặc dù gốc gác rất mơ hồ nhưng rất nhiều người tin rằng sự ra đời của cụm từ "nền kinh tế chia sẻ" xuất hiện khi Giáo sư Lawrence Lessig nhắc đến trong cuốn sách năm 2008 "Remix: Making Art and Commerce Thrive in the Hybrid Economy". Thời điểm ấy, cuộc đại khủng hoảng vừa mới hình thành và nền kinh tế chia sẻ được xem là một mô hình kinh doanh mới.

Chia sẻ sẽ giúp giảm sự tiêu dùng thái quá và ảnh hưởng của chúng ta vào môi trường. Nhà đầu tư mạo hiểm và chuyên gia xu hướng công nghệ Mary Meeker nói rằng người Mỹ đang chuyển từ "lối sống phụ thuộc vào tài sản" sang "sự tồn tại ít phụ thuộc vào tài sản" nhờ nền kinh tế chia sẻ. Nhà môi trường học và nghiên cứu chính trị Harald Heinrichs gợi ý rằng nền kinh tế chia sẻ là một "con đường mới tiềm năng đến sự bền vững".

Chia sẻ cũng hứa hẹn mang lại những lợi ích xã hội. Chuyên gia April Rinne nói rằng chia sẻ sẽ giúp tái tạo nền tảng của các cộng đồng gắn kết. “Việc tham gia vào hoạt động tiêu dùng chung sẽ làm tăng niềm tin”.

Những cơ hội mới để kiếm tiền bằng những công việc bán thời gian như lái xe hay chủ nhà trọ sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giàu nghèo và mất cân bằng toàn cầu. Trong năm 2013, phóng viên tờ CNN là Van Jones nói rằng chia sẻ có thể dẫn chúng ta đến "sự bền vững hơn và giàu có hơn trong tương lai".

Adam Werbach là chủ tịch của Siera Club và là chuyên gia tư vấn trước khi đồng sáng lập nên website chia sẻ đồ dùng Yerdle vào năm 2012. Triết lý của Yerdle là: Hãy ngừng mua sắm và bắt đầu chia sẻ.

“Hàng loạt công ty nhỏ cùng lao vào lĩnh vực này. Các nhà sáng lập đều chơi với nhau. Đó là một cộng đồng”, ông Werbach nhớ lại.

Nền kinh tế chia sẻ gần như đã CHẾT!

Nửa đầu những năm 2010, nền kinh tế chia sẻ biến thành mô hình kinh tế hàng tỷ USD. Cùng thời điểm đó, định nghĩa về "chia sẻ" bắt đầu thay đổi. Chia sẻ vẫn mang ý nghĩa là mô hình chia sẻ hàng hóa đã sử dụng cho người khác nhưng nó càng mang tính chất của cho thuê truyền thống hơn.

Dường như mọi thứ bị cuốn theo sự bùng nổ của "chia sẻ": Các startup chia sẻ xe đạp được tài trợ bởi những ngân hàng đa quốc gia, ứng dụng cho phép người dùng thuê chỗ đậu trên đường và các nền tảng để mọi người bán quần áo đã sử dụng xuất hiện ngày một nhiều. Một trong số những cái tên nổi bật nhất phải kể đến Uber hay WeWork.

Năm 2014, đại diện Airbnb nói trong một cuộc hội thảo rằng: "Nền kinh tế chia sẻ xứng đáng thành công vì nó có sự phi tập trung hóa tiền bạc, sự kiểm soát và quyền lực. Đó là lý do tại sao nền kinh tế này tốt hơn".

Đến giữa những năm 2010, mô hình nền kinh tế chia sẻ bắt đầu "biến tướng". Các nền tảng “tiêu dùng chung” dần biến thành những công ty có giá trị hàng tỷ USD.

"Đến năm 2016, mọi người bắt đầu thay đổi nhận thức. Họ nhận ra rằng mô hình này chẳng có gì mới mẻ cả, nó chỉ rẻ hơn và không được quản lý chặt chẽ", một luật sư nhận định.

Luật sư Adam Werbach từng nói rằng: "Các nền tảng cho thuê hiện đại cung cấp giá trị to lớn nhưng chúng không phản ánh tinh thần của sự chia sẻ. Bản chất là họ CHO THUÊ".

Cũng bắt đầu từ đó, các doanh nhân công nghệ và giới đầu tư hạn chế dùng từ "chia sẻ" và thay bằng những từ như “nền tảng”, “dịch vụ theo yêu cầu” và gần đây nhất là “kinh tế gig”. Một số chuyên gia từng ủng hộ nền kinh tế chia sẻ không ngần ngại thừa nhận mặt tối của mô hình này và cho rằng nó làm "xói mòn lòng tin".

Trên thực tế người tiêu dùng có chia sẻ nhưng mô hình này tạo ra quá ít lợi nhuận. Để kiếm ra tiền, đặc biệt là số tiền mà giới đầu tư công nghệ mong muốn, các startup không thể chỉ tận dụng các tài sản ít được sử dụng. Họ phải có thêm nguồn lực. Để có lợi nhuận doanh nghiệp cần tăng trưởng, và các nền tảng cần mở rộng quy mô. Hóa ra chủ nghĩa tư bản không hề bị thay thế mà nó dường như bùng nổ hơn.

"Mọi thứ bây giờ chỉ là những giao dịch. Chẳng cần phải dùng những từ ngữ hoa mỹ về thay đổi thế giới hay thứ gì đại loại như vậy nữa".

Bây giờ, nền kinh tế chia sẻ gần như đã CHẾT. Thay thế nó là những mô hình mới như blockchain chẳng hạn. "Hiện tại gần như chẳng ai biết blockchain là gì nhưng chỉ 10 năm nữa thôi, nó sẽ giống như internet, cả xã hội sẽ chẳng thể thiếu được nó".

Theo Vân Đàm

Trí Thức Trẻ/Medium

Trở lên trên