MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cú lừa mang tên 'xe điện bay': Đây chỉ là những chiếc trực thăng đầy ô nhiễm được thay tên dán nhãn?

21-02-2022 - 14:49 PM | Tài chính quốc tế

Cú lừa mang tên 'xe điện bay': Đây chỉ là những chiếc trực thăng đầy ô nhiễm được thay tên dán nhãn?

Những lời hứa hẹn về xe điện bay lý tưởng đến vô thực. Một số ý kiến cho rằng loại phương tiện mới này sẽ chỉ để chở tầng lớp thượng lưu, thải carbon và gây ô nhiễm tiếng ồn.

Taxi bay chạy bằng điện là "món khai vị" của Singapore Airshow tuần trước. AirAsia và một đơn vị của Embraer SA đã công bố các thỏa thuận cho gần 200 chiếc taxi bay chạy điện. Loại phương tiện của tương lai này hiện vẫn chưa vượt qua được giai đoạn nguyên mẫu.

Theo McKinsey & Co., eVTOL (electric Vertical Take-off & Landing), hay còn gọi là máy bay lên thẳng chạy điện, đã nhận được sự quan tâm lớn trong những năm gần đây. Khoảng 12,8 tỷ USD đã được đầu tư vào lĩnh vực này từ năm 2010.

Lĩnh vực đang bùng nổ này hứa hẹn bán ra một loại phương tiện về cơ bản khác với máy bay trực thăng. Không giống như máy bay trực thăng ồn ào và ngốn nhiều nhiên liệu, eVTOL sẽ vận chuyển hành khách, "kết nối cộng đồng", liên kết thành phố và ngoại ô trong một chuyến bay "nhanh chóng, êm ái và không khí thải".

Đó là một thành công rực rỡ của marketing so với thực tế. Mặc dù eVTOL hứa hẹn một số tiến bộ thực sự trong công nghệ hàng không, nhưng những khoản đầu tư sẽ không tạo ra một tương lai hoàn hảo khi mà ngành công nghiệp máy bay trực thăng cũ được đổi tên thương hiệu thành một thế hệ mới của giới siêu giàu. Theo Bloomberg, nếu lời hứa về một loại phương tiện giao thông êm ái, không khí thải lại giá cả phải chăng nghe như vô thực, bản chất của chúng chính là như vậy.

Sử dụng năng lượng hiệu quả

Máy bay trong quá trình hoạt động luôn sử dụng năng lượng hiệu quả hơn hẳn so với ô tô và tàu hỏa. Xe ô tô và tàu sử dụng ma sát để tự di chuyển nặng nhọc trên mặt đất. Nhưng vấn đề là làm thế nào để bay lên?

Việc máy bay cất cánh và hạ cánh luôn tiêu tốn một lượng lớn nhiên liệu, đặc biệt với các phương tiện lên thẳng (VTOL). Chúng có thể sử dụng một lượng nhiên liệu đáng kể chỉ để bay lên đến độ cao của một ngọn cây.

Điều đó có nghĩa là sự khác biệt giữa eVTOL dùng để đi từ thành phố này sang thành phố khác và eVTOL được sử dụng để đi từ vùng ngoại ô này sang vùng ngoại ô khác là rất lớn.

Năm 2019, một nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications kết luận rằng eVTOLs có thể hiệu quả hơn cả ô tô điện trong hành trình 100 km. Nhưng nghiên cứu lưu ý rằng 85% các hành trình di chuyển của ô tô ngắn hơn 35 km. Với quãng đường này, ô tô chạy xăng thải ra lượng khí thải tương tự như ô tô bay.

Tỷ lệ sử dụng là một giả thiết quan trọng

Năm 2021, một nghiên cứu về biên bản họp của Viên Hàn lâm Khoa học Quốc gia cho biết các phương tiên cất cánh thẳng đứng như Kitty Hawk Heaviside do Larry Page hậu thuẫn đã hiệu quả hơn xe điện.

Nhưng khía cạnh cốt lõi của hai phân tích là ý tưởng đánh giá các phương tiên chạy trên mặt đất với mỗi chuyến chở 1,67 hành khách trong toàn bộ đội xe tại Mỹ, trong khi eVTOL nên được đo lường ở mức sức chứa lý tưởng.

Đây là một sự so sánh khập khiễng. Nếu không có đủ hành khách mới bổ sung vào chỗ trống mỗi lần hạ cánh, hiệu suất trên mỗi hành khách trên mỗi km sẽ giảm đáng kể. Những chuyến bay trống với các máy bay đến điểm tiếp theo mà không có hành khách, chiếm khoảng 2/5 số chuyến đi bằng máy bay phản lực tư nhân hiện có. Thật vậy, có hẳn một ngày công nghiệp dành riêng cho việc tìm kiếm vé rẻ từ chúng.

Bức tranh tương tự với ô nhiễm âm thanh

Với một số cánh quạt nhỏ thay vì một cánh quạt lớn, hầu hết các eVTOL hứa hẹn sẽ ít ồn ào hơn. Theo Archer Aviation Inc., chúng gần như êm hơn "1000 lần" so với máy bay trực thăng. Mặc dù decibel là đơn vị đo hữu ích về áp suất âm thanh, chúng không bao gồm nhiều yếu tố khó chịu khác như tần số, thời lượng, sự lặp lại và cách âm thanh phản lại từ các tòa nhà trong môi trường đô thị.

Tiếng ồn cũng tương ứng với khoảng cách. Một chiếc eVTOL bay càng cao thì càng yên tĩnh hơn. Nhưng bay càng cao, chúng lại tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn. Hầu như không thể giảm ô nhiễm tiếng ồn và tiết kiệm năng lượng cùng lúc.

Những có lẽ điều đó không quan trọng. Trước những phấn khích xung quanh eVTOL, chúng có thể chiếm một phần nhỏ trong trong giao thông tương lai, bên cạnh xe buýt, tàu hỏa, ô tô và phản lực giá rẻ. Hành khách sẽ ngày càng bị nhồi nhét trong chỗ ngồi chật hẹp.

Vấn đề là eVTOL đang làm sao nhãng vấn đề thực sự mà ngành hàng không cần phải giải quyết. Trên hết, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để vào giữa thế kỷ này, đại đa số mọi người di chuyển mà không thải ra carbon phá hủy bầu khí quyển.

Theo McKinsey & Co., khoảng 3/4 khoản đầu tư vào công nghệ hàng không tương lai kể từ năm 2010 đã đổ vào taxi bay đô thị và các công nghệ tương tự. Vấn đề cấp bách đặt ra là ngành hàng không bền vững thu hút được ít vốn đầu tư hơn.

Một viễn cảnh tương lai được vẽ ra là các tỷ phú NFT sẽ đi du lịch mà hoàn toàn không biết về lượng carbon họ thải ra. Những cư dân thành thị bên dưới thì sẽ kẹt trong tắc nghẽn giao thông vô tận, điều mà hệ thống chính trị chưa khi nào giải quyết được. Khi về nhà, họ sẽ liên tục bị làm phiền bởi tiếng ồn từ những chiếc eVTOL mà họ không bao giờ đủ khả năng để sử dụng.

Theo nhà phân tích của Bloomberg, có lẽ eVTOLs là tương lai của giao thông. Nếu đúng như vậy, đó không phải là điều đáng tự hào mà phải thừa nhận rằng chính sách vận tải đã thất bại toàn diện. Loại phương tiện của tương lai này sẽ không phục vụ lợi ích của một tầng lớp bị lãng quên.

*Bài viết thể hiện quan điểm của David Fickling, phóng viên Bloomberg.

Tham khảo Bloomberg

https://cafef.vn/cu-lua-mang-ten-xe-dien-bay-day-chi-la-nhung-chiec-truc-thang-day-o-nhiem-duoc-thay-ten-dan-nhan-20220221124650854.chn

Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên