Cú nhấn ga của "gã khổng lồ" BĐS KCN: Cổ phiếu rục rịch bứt phá, vốn hoá sắp chạm ngưỡng 3 tỷ USD, đặt mục tiêu vốn hoá vượt 5 tỷ USD từ năm 2025
Cú nhấn ga của "ông trùm" KCN đẩy vốn hoá doanh nghiệp tăng thêm 6.200 tỷ đồng chỉ sau năm phiên giao dịch để lên mức 71.415 tỷ đồng, tương đương 2,8 tỷ USD.
Cổ phiếu "ông trùm" khu công nghiệp tăng tốc
Sau chuỗi giao dịch trầm lắng từ đầu năm, cổ phiếu BCM của Tổng CTCP Đầu tư và phát triển Công nghiệp – Becamex IDC bất ngờ bứt phá mạnh lên mức 69.000 đồng/cp, đánh dấu 5 phiên tăng giá liên tiếp của BCM. Thanh khoản cũng bùng nổ trong phiên tăng giá với giá trị khớp lệnh đạt mức kỷ lục trong lịch sử với 1,9 triệu cổ phiếu.
Cú nhấn ga của "ông trùm" KCN đẩy vốn hoá doanh nghiệp tăng thêm 6.200 tỷ đồng chỉ sau năm phiên giao dịch để lên mức 71.415 tỷ đồng, tương đương 2,8 tỷ USD.
Việc cổ phiếu BCM bứt phá được cho là đến từ những kỳ vọng về việc triển khai dự án khu công nghiệp của doanh nghiệp.
Chia sẻ trong buổi gặp mặt đầu xuân giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu diễn ra vào ngày 3/3 vừa qua, ông Quảng Văn Viết Cương - Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết doanh nghiệp đã cơ bản nghiên cứu xong dự án khu công nghiệp tại Tây Ninh và một số tỉnh thành khác. Vị lãnh đạo cho biết, Becamex IDC đặt mục tiêu phấn đấu sau năm 2025 sẽ trở thành doanh nghiệp có vốn hóa trên thị trường chứng khoán từ 5 tỷ USD trở lên.
Trong một diễn biến liên quan, Becamex IDC vừa được UBND tỉnh Bình Thuận trao Biên bản ghi nhớ đầu tư cho dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Thuận vào cuối tháng 2 mới đây. Dự án có quy mô 5.000 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến là 20.000 tỷ đồng.
Cùng thời điểm trên, Becamex IDC và CapitaLand đã tiến hành khởi công dự án xây dựng phân khu đầu tiên thuộc Dự án Sycamore với quy mô hơn 18.000 tỷ đồng tại Bình Dương.
Tiềm lực "Chaebol" tỉnh Bình Dương
Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp được mệnh danh là "trùm" khu công nghiệp đất Bình Dương đồng thời cũng là nhà phát triển hạ tầng số 1 Việt Nam. Doanh nghiệp trực thuộc tỉnh Bình Dương khi UBND tỉnh sở hữu 95,44% vốn. Cổ phiếu BCM được giao dịch trên UPCoM từ 2018 và chuyển niêm yết trên HoSE từ tháng 8/2020.
Với 7 khu công nghiệp có tổng diện tích hơn 4.700 ha đang trực tiếp vận hành, Becamex IDC là chủ đầu tư khu công nghiệp lớn nhất tại tỉnh Bình Dương với hơn 30% thị phần cấp tỉnh và lớn thứ ba tại Việt Nam với 3,6% thị phần toàn quốc.
Trong danh sách đơn vị thành viên của Becamex có nhiều cái tên nổi bật trên sàn chứng khoán như Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HoSE: TDC), Becamex IJC (HoSE: TDC), Becamex ACC (HoSE: ACC), Becamex BCE (HoSE: BCE)…
Trong đó, không thể không kể đến VSIP – liên doanh giữa Becamex IDC và doanhnghiệp Singapore, tổng công ty sở hữu 49%. Với 12 dự án trên cả nước có tổng diện tích hơn 10.000 ha, hiện tại, VSIP đã trở thành nhà phát triển khu công nghiệp và đô thị tích hợp hàng đầu Việt Nam.
Về bất động sản khu công nghiệp, Becamex IDC hiện có 6 KCN gồm: KCN Mỹ Phước, gồm 3 giai đoạn với tổng diện tích 3.429 ha; KCN Việt Nam – Singapore, gồm 6 KCN với tổng diện tích 6.000ha, công ty nắm 49%; KCN và đô thị Thới Hòa 956ha; KCN Bàu Bàng 2.000 ha; Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Bình Dương 4.196 ha; và KCN Becamex – Bình Phước 4.300 ha.
Cùng với lĩnh vực KCN, Becamex cũng đẩy mạnh phát triển các dự án BĐS với mục tiêu cung cấp dịch vụ và chỗ ở cho chuyên gia, công nhân với nhiều dự án như KDC Mỹ Phước, Thới Hòa, Bàu Bàng, VietSing…Bên cạnh đó, Becamex cũng đẩy mạnh phát triển các dự án thương mại, tiêu biểu là dự án Thành phố mới Bình Dương (1.000ha) và dự án Becamex City Center (6ha).
Với số lượng dự án quy mô cực lớn cùng quỹ đất trải dọc khắp các địa bàn tại Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC từng được mệnh danh là một "chaebol" của tỉnh Bình Dương.Thời gian gần đây, nhằm mở rộng quy mô và đáp ứng xu thế phát triển bền vững, Becamex IDC đã và đang cho triển khai các dự án ở các tỉnh thành khác như: Bình Định, Long An, Bình Phước, Bình Thuận.
Ngoài ra, Tổng Công ty Becamex cùng với VSIP đã phát triển thành công các Khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung như: VSIP Bắc Ninh, VSIP Hải Phòng, VSIP Hải Dương, VSIP Nghệ An, VSIP Quảng Ngãi.
Triển vọng sáng sủa của ngành bất động sản KCN
Bên cạnh vị thế số 1, điều làm nên lợi thế của BCM đến từ câu chuyện hấp dẫn của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp. Những yếu tố tích cực đến từ sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư, chính sách thu hút FDI cùng sự cải thiện cơ sở hạ tầng giá cho thuế được nhìn nhận là điểm sáng cho nhóm bất động sản KCN và BCM không nằm ngoài nhận định trên.
Với lợi thế nền kinh tế mở, đồng thời chính phủ có những chính sách đặc biệt để phát triển khu công nghiệp, Chứng khoán Shinhan cho rằng triển vọng bất động sản khu công nghiệp tiếp tục duy trì tích cực.
Theo báo cáo của CBRE, diện tích đất KCN tại miền Bắc và miền Nam được kỳ vọng lần lượt tăng thêm 3.700 ha và 9800 ha. Giá đất KCN được dự phóng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định 5% - 10%/ năm trong tương lai nhờ nhu cầu thuê ổn định, tỷ lệ lấp đầy tiếp tục duy trì ở mức cao, và nguồn vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Chứng khoán ACBS dự phóng doanh thu năm 2024 của BCM ước tính là 7.800 tỷ đồng, giảm 3,1% svck và LNST gần 2.500 tỷ đồng, tăng 6,5% svck. Trong đó doanh thu từ KCN dự kiến tăng trưởng 74% svck nhờ KCN Cây Trường đi vào hoạt động trong khi doanh thu từ các dự án bất động sản nhà ở dự kiến giảm một nửa svck do năm 2023 ghi nhận doanh thu đột biến từ giao dịch chuyển nhượng 18,9ha tại TPMBD.
ACBS ước tính lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết của BCM có thể tăng trưởng gần 30% chủ yếu nhờ các KCN mới của VSIP (VSIP Bắc Ninh 2, VSIP Nghệ An 2, VSIP Cần Thơ – GĐ1 và VSIP Quảng Trị với tổng diện tích gần 1.500ha) sẽ bắt đầu cho thuê từ 2024.
Nhìn lại năm 2023, Becamex đạt doanh thu khoảng 8.200 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế của công ty khoảng 2.314 tỷ đồng - mức cao nhất từ năm 2020 đến nay.