Cụ ông 80 tuổi vẽ tranh bằng phần mềm bảng tính Microsoft Excel, tác phẩm khiến thế giới ngỡ ngàng
Cụ ông Tatsuo Horiuchi được cả thế giới biết đến với tài năng vẽ đáng kinh ngạc. Ông không dùng bút cũng chẳng dùng cọ mà sử dụng phần mềm tưởng như không hề liên quan, Microsoft Excel.
- 12-07-2023Lần lượt về quê rồi đến ở nhà con cái, cụ ông 67 tuổi ngậm ngùi: 'Giờ tôi mới hiểu đâu là điểm đến tốt nhất trong những năm cuối đời'
- 11-07-2023Cụ ông 95 tuổi vẫn đạp xe 26km/ngày, tham gia hẳn giải đua: Tất cả nhờ 1 thói quen không tốn 1 xu để trường thọ
- 09-07-2023So sánh gia cảnh của 2 cụ ông bằng tuổi, tiết lộ 2 nỗi buồn của cha mẹ khi về già nhưng phận làm con mấy ai thấu hiểu
Nhắc đến Microsoft Excel thì hầu hết mọi người đều biết bởi nó là phần mềm bảng tính phổ biến, hữu dụng trong cuộc sống. Thông thường, người ta sử dụng đến phần mềm này khi cần thể hiện các số liệu trên bảng tính, tính toán và tổng hợp. Ít ai nghĩ rằng, Microsoft Excel có thể dùng để... vẽ tranh.
Tuy nhiên, cụ ông 80 tuổi người Nhật Bản Tatsuo Horiuchi đã biến điều tưởng chừng như không thể thành có thể. Ông là tác giả của hàng loạt bức tranh tuyệt đẹp, nhưng không sử dụng bút chì, bút mực hay sơn cho tác phẩm nghệ thuật của mình. Thay vào đó, ông tạo ra những kiệt tác bằng Microsoft Excel!
Khoảng hơn 20 năm trước, khi nghỉ hưu vào năm 2000, ông Horiuchi (sinh năm 1940) nghĩ rằng mình cần thực hiện một thử thách mới trong cuộc đời để tuổi già bớt nhàm chán. Vì vậy, ông quyết định vẽ tranh.
Tuy nhiên, ông Horiuchi lại không muốn tiêu tiền vào những thứ như giấy, cọ vẽ hay màu, ông muốn tận dụng luôn chiếc máy tính để bàn của mình. Nhưng ông không lựa chọn phần mềm chuyên dụng nào khác như Photoshop chẳng hạn, mà chọn Excel. Lý do là gì?
Theo ông Horiuchi, các phần mềm đồ họa để vẽ tranh trên máy tính thường có bản quyền khá đắt đỏ và phải bỏ tiền mua gói theo giới hạn thời gian hoặc cả đời, trong khi đó Microsoft Excel là phần mềm được cài sẵn trong chiếc máy tính của ông. Còn ứng dụng Microsoft Paint sẵn trong Windows thì lại quá khó để vẽ tranh.
Khi còn đi làm, ông Horiuchi không sử dụng Excel nhưng ông nhận thấy những đồ thị được vẽ từ phần mềm này rất đẹp. Từ đó ông nghĩ có thể dùng phần mềm này để vẽ tranh nghệ thuật.
Theo Daily Mail, ban đầu, ông Horiuchi cũng thử sử dụng phần mềm văn bản Microsoft Word, nhưng ông đã gặp khó khăn trong việc thiết lập kích thước trang giấy A4 để vẽ và in ra sau khi hoàn thành tác phẩm.
Cuối cùng, ông đã chuyển sang Excel, vốn được trang bị tính năng để tự động giảm kích thước bảng tính để phù hợp với kích cỡ của giấy in.
Ông Horiuchi đưa rất nhiều danh lam thắng cảnh của Nhật Bản vào tranh.
Mặc dù các tác phẩm của ông Horiuchi rất nhiều chi tiết sống động nhưng thực tế ông không hề dùng bất cứ gì ngoài các hình dạng có sẵn trong các ô chèn của phần mềm Microsoft Excel 2003 (sử dụng tính năng AutoShape có thể vẽ được các đa giác 3 cạnh đến 8 cạnh…).
Ông Horiuchi không dùng đến Photoshop, hoặc bất kỳ một hiệu ứng đặc biệt nào, chỉ có hàng ngàn mảnh ghép nhỏ xíu tạo ra những bức tranh tuyệt đẹp.
Tấm gương của Horiuchi đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Ông đã chứng minh cho mọi người thấy rằng mọi thứ đều có thể nếu bạn tập trung vào nó và không bao giờ là quá muộn khi học thêm một thứ mới.
Ông Horiuchi nói với hãng tin AFP: “Tôi không mong đợi những bức tranh của tôi sẽ đẹp ngay lập tức, vì vậy tôi đã lập kế hoạch 10 năm.
Trong 3 năm đầu tiên, tôi tập trung vào vẽ tất cả những thứ có thể nhìn thấy, chẳng hạn như các loại rau củ như cà rốt, củ cải Nhật, cỏ dại, tất cả đều thực hiện trên Excel. Trong 3 năm tiếp theo, tôi tập kết hợp từng họa tiết một để tạo nên một bức tranh”.
Rất nhiều người tỏ ra kinh ngạc khi xem tranh của cụ ông Horiuchi và ngỡ ngàng hơn khi biết ông vẽ tranh bằng Excel.
6 năm sau khi bắt đầu hành trình nghệ thuật với Excel, ông Horiuchi đã đăng ký tham gia Cuộc thi nghệ thuật Excel Autoshape và giành được giải thưởng lớn. Đó là khi ông bắt đầu nhận được nhiều sự chú ý hơn từ mọi người vì tài năng của mình.
Kể từ đó, ông đã trở thành một "huyền thoại" và một số tác phẩm nghệ thuật của ông thậm chí đã được Bảo tàng Nghệ thuật Gunma địa phương mua lại.
Phụ nữ Việt Nam