Cú sốc cầu do Covid-19 gây ra tệ đến đâu và các chính phủ cần làm gì để ứng phó?
Ban đầu, đại dịch toàn cầu chỉ khiến người ta nghĩ đến cú sốc cung: Trung Quốc đóng cửa một loạt nhà máy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, có nghĩa là không có nước rửa tay hay các sản phẩm của Apple không thể được lắp ráp. Tuy nhiên, thời gian trôi qua thì cú sốc cầu cũng trở nên rõ nét hơn.
- 24-03-2020Thế giới đình trệ vì Covid-19, cuộc chiến giá dầu tạo ra nghịch lý: Than là nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ nhất hành tinh
- 24-03-2020Các nhà máy ở Trung Quốc hoạt động 24/7 để sản xuất máy thở cho cả thế giới
- 24-03-2020Nước Mỹ vắng vẻ lạ thường giữa đại dịch Covid-19: Những quảng trường, con đường, khu vui chơi nổi tiếng nay không một bóng người
Những ngày này, phía dưới những con sóng dữ dội trên TTCK mỗi ngày chính là câu chuyện sâu xa hơn về những mối nguy mà virus corona có thể gây ra cho nền kinh tế toàn cầu. Đó cũng là câu chuyện mà Quốc hội Mỹ nói riêng và chính phủ các nước trên toàn thế giới nói chung phải hiểu rõ để đưa ra hành động kịp thời nhằm ngăn chặn 1 cuộc suy thoái sâu rộng.
Bản thân Covid-19 gây ra những vấn đề có thể nhìn thấy ngay, ví dụ như các nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa và khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, hay nhiều nền kinh tế từ châu Âu đến Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề vì phải ngừng nhiều hoạt động. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu còn đứng trước 1 nguy cơ khác. Đó là vấn đề lực cầu – điều có thể gây ra những làn sóng lăn tăn nhưng cuối cùng hoàn toàn có thể tồn tại lâu hơn, khó giải quyết hơn so với những tác động trực tiếp có thể nhìn thấy ngay.
Kể từ khi đại dịch nổ ra, lực cầu trên toàn cầu về tất cả các loại nguyên liệu thô từ kim loại cho đến bột mì và đậu tương đã giảm mạnh. Các doanh nghiệp biết rằng dịch bệnh khiến sức chi tiêu giảm, vì thế họ thực hiện các biện pháp chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, ví dụ như giảm sản lượng và tạm cho công nhân nghỉ phép. Trong ngành hàng không, từ chỗ ban đầu tìm kiếm những cơ hội khác bù đắp cho thị trường Trung Quốc thì giờ các hãng đã phải đồng loạt cắt giảm công suất, thậm chí là ngừng chở khách như Emirates.
Cầu và cung
Ban đầu, đại dịch toàn cầu chỉ khiến người ta nghĩ đến cú sốc cung: Trung Quốc đóng cửa một loạt nhà máy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, có nghĩa là không có nước rửa tay hay các sản phẩm của Apple không thể được lắp ráp.
Tuy nhiên, thời gian trôi qua thì cú sốc cầu cũng trở nên rõ nét hơn. Để hiểu thêm về định nghĩa cú sốc cầu theo sau gián đoạn nguồn cung, hãy nhớ lại những gì diễn ra trong khủng hoảng 2008. Cú sốc bắt đầu khi giá nhà ở Mỹ bắt đầu lao dốc. Vì giá giảm, nhà đầu tư không còn muốn xây nhà mới, và vì giá giảm nên các chủ nhà cảm thấy họ nghèo đi và không còn muốn chi tiêu.
Ban đầu cú sốc cầu sẽ chỉ tạo nên nhưng làn sóng nhỏ lăn tăn chạm đến mọi ngõ ngách của nền kinh tế. Vì doanh số bán ra giảm, các nhà sản xuất cũng giảm sản lượng và sa thải nhân công. Hoạt động xây dựng nhà cửa giảm cũng tạo ra làn sóng sa thải. Người lao động bị sa thải lại giảm chi tiêu, và thậm chí những người vẫn giữ được việc làm cũng bắt đầu lo sợ và giảm chi. Các hoạt động kinh tế trùng xuống khiến ngân sách địa phương yếu đi, trong khi chính phủ cũng cắt giảm chi tiêu.
Điều tiếp theo xảy đến là 1 cuộc suy thoái. Các NHTW cố gắng chống lại suy thoái bằng cách hạ lãi suất để khuyến khích các khoản đầu tư mới và tăng chi tiêu lớn, và chính phủ cũng có thể can thiệp bằng các gói kích thích tài khóa được thiết kế để kích cầu.
Ngược lại, 1 cú sốc cung là thứ giống như các sự kiện như mất mùa hoặc chiến tranh làm gián đoạn hoạt động sản xuất. Trong trường hợp này khả năng sản xuất cũng giảm nhưng sẽ làm giá cả tăng lên và gây ra rắc rối cho doanh nghiệp.
Nếu đối mặt với 1 cú sốc cung đơn thuần, chính phủ khó có thể thực sự kích thích nền kinh tế. Điều cần làm là cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề sâu xa, hoặc cố gắng vượt qua giai đoạn đó và hi vọng năm sau sẽ tốt hơn.
Cú sốc cầu do Covid-19 tệ đến đâu?
Cả hai loại cú sốc đều dẫn đến TTCK sụt giảm. Dù Apple không thể bán iPhone vì không ai muốn mua (vấn đề thuộc về lực cầu) hay vì nhà máy lắp ráp đã đóng cửa (vấn đề thuộc về cung) thì đó đều là tin xấu cho giá cổ phiếu.
Nhưng phân biệt hai loại cú sốc là điều quan trọng bởi vì mỗi loại cần những giải pháp khác nhau. Chúng ta có thể nhìn vào các chỉ số trên thị trường tài chính ngoài giá cổ phiếu để phân biệt rõ hơn.
Ví dụ, giá dầu thế giới đã giảm mạnh trong tháng vừa qua. Giá bột mì, giá đồng và kẽm cũng giảm. Đôi lúc giá có thể giảm vì những lý do tích cực – mùa màng bội thu hay cải tiến công nghệ cho phép sản lượng tăng vọt. Nhưng khi giá mọi hàng hóa cơ bản đều giảm thì đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy thế giới đang giảm chi tiêu.
Giá các loại trái phiếu chính phủ cũng thể hiện câu chuyện tương tự. Khi các nhà đầu tư thực sự không muốn đầu tư vào bất cứ thứ gì, họ sẽ để tiền vào những khoản vay cho chính phủ - loại tài sản an toàn hàng đầu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 1%, của Đức xuống mức -0,87%. Từ Canada và Australia đến Nhật, Thụy Sĩ và Đan Mạch, lãi suất – vốn đã siêu thấp từ trước khi có dịch bệnh – đều giảm.
Những chỉ số này không quen thuộc bằng giá cổ phiếu, nhưng tập hợp lại thì chúng phác họa rõ nét 1 cuộc khủng hoảng lực cầu trên toàn cầu.
Từ đại dịch đến cú sốc cầu
Bắt đầu với ngành hàng không. Các CEO đã cảnh báo nhu cầu đi lại trên toàn cầu hiện còn tồi tệ hơn cả sự kiện khủng bố 11/9, và các hãng đồng loạt cắt giảm chuyến bay vì nhu cầu quá yếu. Điều đó dẫn đến sẽ có ít đơn đặt hàng máy bay hơn và ngành sản xuất ở Mỹ, châu Âu, Canada và Brazil sẽ bị ảnh hưởng nặng.
Ít chuyến bay hơn cũng đồng nghĩa sân bay có ít khách hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành dịch vụ ở sân bay. Nếu 1 người lao động trong ngành bán lẻ ở sân bay có khoản tiền tiết kiệm dồi dào, anh ta có thể chịu đựng được nếu đây chỉ là 1 cú sốc ngắn hạn. Nhưng chúng ta biết rằng hầu hết những lao động phổ thông (dù cho ở 1 nước giàu có như Mỹ đi chăng nữa) đều chỉ đủ tiền sống qua ngày.
Còn ở Seattle, nơi Microsoft, Amazon và nhiều ông lớn công nghệ khác đặt trụ sở, các công ty đồng loạt cho nhân viên làm việc từ xa. Điều đó là tốt để đảm bảo y tế, nhưng đó là rắc rối lớn cho các quán cà phê và nhà hàng phục vụ ăn trưa ở Seattle. Chính nhân viên của những nhà hàng này cũng sẽ cắt giảm chi tiêu vì thu nhập giảm.
Và đó cũng là câu chuyện xảy ra đối với mọi ngành nghề trên mọi đất nước đang bị bệnh dịch hoành hành.
Lãi suất đã quá thấp
Sách giáo khoa kinh tế viết rằng có 1 câu trả lời hiển nhiên để giải quyết 1 cuộc khủng hoảng cầu ở phạm vi toàn cầu: các NHTW lớn nên hạ lãi suất. Hạ lãi suất khiến mọi hoạt động được tài trợ bằng nợ - đầu tư, mua nhà mới, mua xe – đột nhiên trở nên hấp dẫn hơn và sẽ tạo ra 1 làn sóng cầu mới để bù đắp những thiệt hại do Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là lãi suất của nhiều nước hiện đang rất thấp, đồng nghĩa không còn dư địa để hạ nữa. Điều đó cũng không có nghĩa là các NHTW bất lực. Nhưng khả năng kích thích kinh tế của họ giờ sẽ trông chờ vào một số ý tưởng phi truyền thống vẫn còn gây nhiều tranh cãi và hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng.
Điều mà thế giới cần hơn là chính sách tài khóa, và vì đây là cú sốc đối với cả thế giới, chúng ta cũng cần đến giải pháp toàn cầu. Gần như mọi nước lớn đều sẽ phải tham gia.
Ví dụ, Đức nên hành động vì hiện họ đang có thặng dư ngân sách lớn và lãi suất đã ở mức âm trong nhiều năm nay. Do đó Đức không bị gánh nặng chi phí dài hạn nếu muốn tăng chi tiêu. Chuyên gia phân tích Alon Levy đề xuất Đức có thể chi 60 tỷ euro để xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc kết nối các thành phố lớn để phục vụ nhu cầu đi lại trong nước, hay thậm chí mở rộng kết nối đến Copenhagen, Prague, Vienna, Zurich, Basel, Paris, Brussels và Amsterdam. Chắc chắn là Đức nên làm điều này dù có dịch bệnh hay không, nhưng đây là thời cơ rất thích hợp để thông báo.
Ở Mỹ, ý tưởng tốt nhất là cung cấp ngân sách không giới hạn cho các bang và các địa phương để trang trải chi phí đối phó với virus, tạm thời giảm thuế để khuyến khích các công ty tránh sa thải nhân viên. Phát không tiền mặt cho mỗi hộ gia đình cũng là giải pháp tốt, hoặc trợ cấp cho các công ty để tạo ra việc làm.
Tham khảo The Vox