Cú sốc đầu đời của Lê Diệp Kiều Trang: Lương cao, được nhiều người trọng vọng, làm đúng ngành học nhưng… chỉ toàn ngồi sửa slide cho sếp
Công việc bên ngoài trường học, sự phát triển cá nhân cũng như công việc không phải là đường thẳng tịnh tiến mà là phương trình vô số nghiệm. Và không có nghiệm nào là đúng duy nhất mà chính mình phải tìm ra cho mình lời giải đáp nào là tốt nhất cho chính mình.
- 15-05-2018Du học sinh về nước có nên khởi nghiệp? Đây là lời khuyên của doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang
- 18-04-2018Tại sao phải học hành vất vả tới 16 năm để rồi khi đi làm cũng chả liên quan gì và đây là câu trả lời sâu sắc của DN Lê Diệp Kiều Trang
Cú sốc đầu đời
"Mùa hè đó mình nhận ra sao mình thất bại quá lớn!", gương mặt quen thuộc với giới khởi nghiệp công nghệ Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ trong một buổi nói chuyện cách đây không lâu. Đó là mùa hè giữa năm thứ 2 và thứ 3 trên giảng đường đại học danh giá Oxford, cô bắt đầu đi thực tập tại một ngân hàng đầu tư (investment banking) tại London.
Đây có thể xem là cú sốc đầu đời của Lê Diệp Kiều Trang bởi trước đó con đường học hành của cô khá suôn sẻ. Tốt nghiệp thủ khoa trường chuyên Lê Hồng Phong, cô được học bổng du học dự bị đại học tại Anh rồi sau đó bước chân vào Oxford.
Học về tài chính nên được làm tại ngân hàng đầu tư đúng chuyên ngành là điều ai cũng mơ ước. "Lương rất cao, được nhiều người trọng vọng, được làm đúng nghề mình học. Mình cũng học giỏi nhưng công việc đầu tiên đó mình thực sự cảm thấy điều gì đó không ổn", nữ doanh nhân trẻ này nhớ lại. Sau thời gian đi làm ban ngày mệt mỏi, buổi tối về cô sinh viên lại loay hoay với câu hỏi liệu đây có phải là nghề đúng với mình không, tại sao mình làm việc không được.
Theo chia sẻ của Lê Diệp Kiều Trang, công việc tại ngân hàng đầu tư này rất bận, kéo dài từ 9h sáng tới 12h đêm. Tất nhiên sau này cô cũng làm nhiều việc vất vả hơn nhưng nghĩ lại điều khiến Kiều Trang hoang mang nhất là không được làm công việc mà nghĩ mình sẽ làm.
"Mình không được tính toán nhiều dù làm ngân hàng, tài chính mà toàn ngồi sửa slide cho sếp. Trong công việc môi trường rất khốc liệt nên các đồng nghiệp cũng không thân thiện, không tạo cho mình cảm giác gắn bó", cô nhớ lại.
Mùa hè năm đó, Lê Diệp Kiều Trang quay trở về Việt Nam với tâm trạng hoang mang và cảm giác thất bại lớn. Tuy nhiên sau khi trải qua nhiều công việc, khởi nghiệp, cô chia sẻ với những người từng có trải nghiệm tương tự không nên xem đó là thất bại mà có lẽ chỉ đang đi lạc đường mà thôi.
Cô cho rằng trong công việc cứ học giỏi nhất, được điểm 10 là mình đã đạt được mong muốn nhưng trong công việc thì ngược lại. Hành trình sự nghiệp không phải sự phát triển tịnh tiến, sẽ trải qua rất nhiều công việc và phải chấp nhận không phải việc nào bạn cũng làm tốt được.
"Vậy nên các bạn hãy nghĩ rằng hình như đây không phải là cái ghế cho mình, hình như đây không phải là công việc phù hợp với mình và hãy mạnh dạn tìm ra những cánh cửa khác", Lê Diệp Kiều Trang khuyên những người trẻ đang trong tâm trạng của mình trước đây.
Trưởng thành qua công việc và thử thách, điều Lê Diệp Kiều Trang nhận ra được chính là sự phát triển cá nhân cũng như công việc không phải là đường thẳng tịnh tiến mà là phương trình vô số nghiệm. Và không có nghiệm nào là đúng duy nhất mà chính mình phải tìm ra cho mình lời giải đáp nào là tốt nhất cho chính mình.
Chìa khóa cho hạnh phúc
Một điều khác mà Lê Diệp Kiều Trang nghiệm ra sự khác biệt giữa trường học và trường đời chính là sự lựa chọn. Theo cô khi đi học, mọi người sẽ tối đa hóa, làm gì cũng làm thật giỏi, được 10 điểm. Thế nhưng khi đi làm bài toán tối đa hóa không phải là hay, mà làm sao để tối ưu hóa mới thực sự làm cho cô hạnh phúc.
"Có phải công việc cho bạn lương cao nhất là tốt? Công việc cho các bạn niềm tự hào với bố mẹ là tốt, công việc cho các bạn niềm yêu thích nhưng không biết thực sự đi tới đâu là tốt? Không ai có thể trả lời cho các bạn. Mình tối đa hóa tiền lương chẳng hạn sẽ đánh đổi bằng những yếu tố khác thì mình nghĩ chưa chắc đó là con đường lâu dài để các bạn đi xa được trong công việc cũng như trong sự nghiệp", Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ quan điểm của mình.
Bên cạnh chọn bài toán nào để giải, một chìa khóa khác mang lại thành công và hạnh phúc cho nữ doanh nhân trẻ này chính là không giới hạn mình. Sau khi tốt nghiệp Oxford 4-5 năm, Lê Diệp Kiều Trang quyết định học MBA của một trường danh giá về tài chính, được đào sâu thêm về lĩnh vực mà cô giỏi. Mùa hè năm đó cô cũng được thư mời của Viện Công nghệ MIT và Kiều Trang chọn MIT.
"Nhìn lại quyết định của mình chọn MIT là quyết định mang nhiều tính rủi ro vì trước đó mình không biết gì về công nghệ, không học kỹ sư và mình đã bước vào ngã rẽ hoàn toàn khác với lĩnh vực tài chính. Giờ nhìn lại nếu ngày đó mình không bước ngã rẽ đó thì mình không biết được một thế giới khác cũng hấp dẫn và nhiều thử thách không kém", cô nhớ lại. Và thế giới công nghệ cũng đem lại thêm nhiều mơ ước mà Kiều Trang muốn thực hiện.
Một ngã rẽ quan trọng khác trong sự nghiệp của Lê Diệp Kiều Trang chính là rời bỏ McKinsey dù công việc rất tốt, lương cao và niềm yêu thích để gia nhập Misfit. Trong khi làm tại Misfit thời điểm bắt đầu cô không hề có tiền lương, làm việc còn vất vả hơn cả McKinsey. Công việc từ lớn đến nhỏ đều qua tay cô từ xin visa cho đội ngũ Việt Nam qua Mỹ, điền đơn xin visa, mua vé máy bay,… cho tới gọi vốn.
"Hãy đừng giới hạn mình vì mai này khi các bạn lớn lên sẽ ít khi nào hối tiếc vì mình thử nghiệm một điều gì đó mà thực ra bạn sẽ hối tiếc vì chưa thử một cơ hội nào đó cho mình trên đời", cô đúc rút lại.
Theo đó những người trẻ mới chỉ 20 tuổi có một lợi thế là sẽ không bao giờ thất bại, vì cho dù thất bại đi chăng nữa thì đó cũng là một trong những kinh nghiệm rất quý để định hình tính cách của mình cho những bước đường lâu hơn trong tương lai.
"Vậy tại sao không thử nghiệm, không bước ra thế giới mình quen thuộc, những con đường mà mình nghĩ đã định sẵn cho mình", Lê Diệp Kiều Trang nhắn nhủ.
Trí thức trẻ