Cú sốc mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tạo ra cho thị trường chỉ là khởi đầu của một hành trình đầy rủi ro
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda vừa cho các nhà đầu tư một cái nhìn thoáng qua về những gì sẽ xảy ra khi nước này thực hiện phép thử “táo bạo” nhất thế giới với việc kết thúc chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.
- 20-12-2022Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vừa có quyết định “gây sốc” cho thị trường, đồng yên tăng vọt
- 18-12-2022Australia lên kế hoạch áp trần giá khí đốt và than đá, "đường lui năng lượng" của Nhật Bản có thể bị ảnh hưởng?
- 13-12-2022Bloomberg: Nhật Bản, Hà Lan về phe với Mỹ trong "cuộc chiến chip", tham vọng của Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị vùi dập
- 11-12-2022Tỷ phú Nhật Bản chi số tiền khủng thế nào để trở thành du khách đầu tiên lên Mặt trăng?
Trước áp lực kéo dài trên thị trường, ông Kuroda đã khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên khi tuyên bố Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ cho phép trần lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của nước này tăng lên 0,5%, gấp đôi mức trần 0,25% trước đó.
Tuy nhiên, vẫn cần phải xem liệu đây có phải điều chỉnh chiến lược để “câu giờ” cho những nỗ lực kiểm soát đường cong lợi suất của ông Kuroda cho tới khi nhiệm kỳ thống đốc kéo dài 1 thập kỷ của ông kết thúc vào tháng 4 hay đó là dấu mốc đánh dấu sự kết thúc của đợt nới lỏng tiền tệ chưa từng có mà BOJ đã áp dụng suốt thời gian qua hay không.
Dẫu vậy, có một điều rõ ràng: Tác động của nó với thị trường sẽ kéo dài nhiều tuần, thậm chí sang cả tháng tới.
Masamichi Adachi, chuyên gia kinh tế trưởng về Nhật Bản tại UBS Securities – một cựu quan chức BOJ, cho biết: “Bất kể BOJ gọi nó là gì, đây là bước tiến tới một lối thoát. Nó mở ra khả năng một thống đốc mới sẽ tăng lãi suất vào năm 2023”.
Đồng yên đã tăng giá mạnh so với đồng USD sau quyết định của BOJ và đang tiếp tục tăng. Hiện tại, 1 USD đổi được 132 yên, tăng so với mức 137,6 yên trước thời điểm quyết định được công bố. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm cũng đã tăng lên 0,46% so với mức trần trước đó là 0,25%.
Cổ phiếu của các ngân hàng Nhật Bản cũng tăng vọt trong phiên giao dịch buổi chiều ngày 20/12 khi các nhà đầu tư kỳ vọng doanh thu của các tổ chức tài chính sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, nhìn chung, chứng khoán giảm điểm.
Hiệu ứng gợn sóng cũng lan rộng ra bên ngoài Nhật Bản, với tác động đến mọi thứ, từ hợp đồng tương lai của chứng khoán Mỹ cho đến đồng đô la Australia và vàng.
Tuy nhiên, cũng có một cách khác để hiểu về động thái đáng kinh ngạc của vị thống đốc 78 tuổi. Một số người cho rằng đây là bước đi để làm cho chương trình kiểm soát đường cong lợi suất trở nên bền vững hơn chứ không kém đi.
Shigeto Nagai, cựu quan chức BOJ và là trưởng bộ phận nghiên cứu Nhật Bản tại Oxford Economics, cho rằng: “Động thái này khẳng định quan điểm của chúng tôi rằng BOJ quyết tâm tuân thủ các chính sách kiểm soát đường cong lợi suất ngay cả khi lãnh đạo của họ thay đổi trong tháng 4 năm sau. Có vẻ như BOJ đã quyết định chấp nhận việc thắt chặt hiệu quả như cái giá phải trả để có kiểm soát đường cong lợi suất bền vững hơn”.
Đó cũng chính là thông điệp mà Thống đốc Kuroda đưa ra trong cuộc họp báo sau khi quyết định được công bố. Vị thống đốc của BOJ nói rằng những tinh chỉnh được thiết kế để tăng hiệu quả cho chương trình mà cơ quan này đang thực thi. Ông Kuroda sẽ giám sát 2 cuộc họp chính sách nữa trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Tham khảo: Bloomberg
Nhịp sống Thị trường